Năng lực trí tuệ của con người không có giới hạn
Năng lực trí tuệ của con người thể hiện ở trí thông minh. Ở một số người đặc biệt, năng lực trí tuệ thể hiện rất sớm, người ta thường gọi đó là năng khiếu. Được một hệ thống giáo dục tốt đào tạo, bồi dưỡng, năng khiếu sẽ trở thành tài năng. Nếu không được chăm sóc, vun trồng, năng khiếu sẽ thui chột.
Karl Gauss và hình đa giác đều 17 cạnh nối tiếp đường tròn.
1. Nhà Toán học, Vật lí, Thiên văn học thiên tài người Đức Karl Friedrich Gauss (1777-1855) từ 3 tuổi đã bộc lộ năng khiếu tính nhẩm rất nhanh và chính xác. Năm 7 tuổi, Gauss đi học tại trường làng.
Một lần, trong giờ học số học, thầy giáo ra bài như sau: "Hãy tính tổng số của 100 chữ số tự nhiên đầu tiền: 1+2+3+ .....+98+99+100".
Khi các trò khác làm phép tính theo kiểu: 1+2=3; 3+3=6; 6+4=10... thì Gauss ngồi chơi không. Thầy giáo thấy vậy, bèn hỏi:
Em giải bài toán này chưa? - Thưa thầy, đáp số là 5050, Gauss nói. Trong dãy số 100 chữ số tự nhiên, ta thấy tổng 2 số đầu tiên ở hai đầu của dãy số bằng tổng của 2 số thứ hai ở dãy số, và cứ như thế đối với tổng 2 số thứ 3, thứ tư (1 + 100 = 2 + 99 = 3 + 98 = 4 + 97...=101). Trong dãy số có 100 chữ số, ta thấy có 50 cặp số như vậy, tức là 50 cặp số đều có tổng số là 101. Vậy đáp số là 101 x 50 = 5050.
Như vậy, Gauss làm xong bài toán trong một phút, còn chúng bạn thì loay hoay cả giờ vẫn không xong.
Thầy giáo dẫn Gauss đến nhà một giáo viên giỏi toán dạy ở lớp cao hơn, nhờ ông bạn dạy Gauss giúp mình với lời đề nghị: "Anh dạy giúp tôi trò nhỏ này vì tôi không đủ sức dạy nó".
Gauss được mệnh danh là "Ông hoàng toán học". Ông là người dựng được hình đa giác đều 17 cạnh nối tiếp trong vòng tròn bằng thước và compa.
Khi ông mất, bạn bè và học trò đã làm theo ý nguyện của ông, khắc lên bia mộ hình đa giác đều 17 cạnh nối tiếp trong một đường tròn, dưới ghi Karl Gauss.
2. Nhà soạn nhạc nổi tiếng trong thể loại nhạc cổ điển châu Âu Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) sinh ra tại Salzburg nước Áo.
Năm 3 tuổi, Mozart đã nghe và hiểu âm nhạc. Năm 4 tuổi, ông đã biết chơi dương cầm cổ và organ. Năm 5 tuổi, ông bắt đầu soạn nhạc cho đàn phím và năm 6 tuổi đã viết những bản hòa tấu và xuất bản những bản sonat cho vĩ cầm.
Khi mới 13 tuổi, Mozart đã có sự nghiệp sáng tác một cách nghiêm túc.
Các công trình sáng tác của ông gồm:
- Hành khúc: 11 bản
- Sonata dành cho dương cầm: 18 bản
- Concerto dành cho dương cầm: 27 bản
- Khiêu vũ: 36 bản
- Sonate nhà thờ: 17 bản
- Organ: 8 bản
- Opera: 23 bản
Khả năng truyền cảm, lay động tâm hồn của những sản phẩm âm nhạc do Mozart sáng tác rất mạnh mẽ. Một người đầu bếp già, mù mắt, khi hấp hối đã được Mozart chơi bản nhạc để thay lễ rửa tội. Khi Mozart dừng tiếng đàn, nước mắt từ hai hốc mắt của ông lão ứa ra.
Mozart hỏi: "Bây giờ cụ thấy được những gì?"
Ông già mù trả lời: "Có, có! Tôi thấy lại cả rồi. Tôi thấy lại mùa xuân, thấy lại bà vợ tôi thời con gái, thấy lại mặt trời, thấy lại những kỷ niệm vui tươi, hạnh phúc đã mất đi từ lâu... Tôi sung sướng quá!".
Năng lực trí tuệ của con người thường thể hiện ở lối tư duy
Trước một tình huống có vấn đề, người có năng lực trí tuệ cao thường có sự phân tích kỹ những khả năng có thể giải quyết vấn đề đó.
Nhà tâm lý học Xô Viết người Nga - ông Ponomarev đưa ra một bài toán:
"Cho 4 điểm (như hình dưới đây), hãy kẻ liền mạch 3 đoạn thẳng đi qua 4 điểm đó, sao cho ngòi bút lại trở về đúng điểm xuất phát?
Đã có 600 người tham gia thực nghiệm này. Tất cả bọn họ chịu thất bại. Tổng hợp lại, họ chỉ có 13 phương án trả lời không đạt yêu cầu. Bọn họ phải cần đến 4 đoạn thẳng liền mạch mới qua được 4 điểm đã cho. 13 phương án đó như sau:
Sở dĩ họ thất bại vì bị ám ảnh về một tứ giác đầu với 4 điểm ở 4 góc. Người giải được bài này có lối tư duy khác. Họ đã vượt qua giới hạn của một hình vuông ảo nào đó. Với 3 đường thẳng nối tiếp, họ đã vẽ một tam giác mà 3 cạnh đi qua 4 điểm đã cho.
Học tập và lao động là "lò luyện" năng lực trí tuệ con người
Có thể đoán chắc rằng, sự thông thái của bất cứ ai không tự dung mà có, không thể từ trên trời rơi xuống.
Leonardo da Vinci (1452-1519) ham mê âm nhạc, vẽ và tạo hình từ hồi nhỏ. Một lần, nghệ nhân kim hoàn và điều khắc xem một vài tranh vẽ của Vinci đã ngay lập tức hiểu ở cậu bé có dấu hiệu về tài năng đặc biệt, cần cho đào tạo chu đáo. Thế là cậu bé Vinci được ông cho theo học thầy giáo Verocchico.
Thoạt đầu, thầy bắt Vinci vẽ quả trứng. Rất nhiều ngày, Vinci cứ vẽ hết quả trứng này đến quả trứng khác. Khi đã phát chán bài tập này, Leonardo da Vinci hỏi thầy Verocchico: "Thưa thầy, con vẽ từng đó quả trứng đã đủ chưa ạ?".
Thầy trả lời: Con ơi, luyện vẽ quả trứng là để có kỹ năng cơ bản. Hàng triệu quả trứng đều khác nhau, chẳng có quả nào giống quả nào. Con vẽ quả trứng tùy theo ý mình cũng được, song thầy thấy trong các bức vẽ của con, chưa có bức vẽ nào giống quả trứng mà thầy muốn con vẽ theo mẫu. Con hãy tiếp tục luyện tập cho đến khi con vẽ tùy ý con, nhưng phải thể hiện được quả trứng mà thầy mong muốn.
Leonardo da Vinci cho rằng "người nghệ sĩ phải là nhà tư tưởng sáng tạo, chứ không phải là thợ thủ công khéo léo".
Ông đã để lại nhiều kiệt tác cho đời. Trong đó, chỉ riêng bức họa về nàng Mona Lisa đã trở thành một biểu tượng văn hóa, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực thời trang, quảng cáo, văn học, điện ảnh. Nó thể hiện được sự tinh tế và quý phái trong nghệ thuật và văn hóa. Hiện bức tranh Mona Lisa được xếp vào hàng tác phẩm nghệ thuật có giá trị nhất trong lịch sử mỹ thuật.
Để thu thập các dữ liệu cho việc xây dựng Thuyết tiến hóa, Charles Darwin (1807-1882) đã thực hiện một chuyến du lịch thám hiểm vòng quanh thế giới mất hơn 5 năm, trên hạm thuyền Beagle của Hải quân Hoàng gia Anh.
Năm 1850, cuốn "Nguồn gốc các loài" của ông được xuất bản. Ngày đầu tiên ra mắt cuốn sách, đã có hơn một nghìn mua. Darwin đưa ra quan điểm có tính cách mạng: Mọi sinh vật, không loại trừ con người, đều nằm trong quy luật chọn lọc tự nhiên. Con vật nào thích nghi được với tự nhiên thì sẽ tồn tại, ngược lại, nó sẽ bị diệt vong.
Thuyết tiến hóa của Darwin làm rung chuyển quan điểm của tôn giáo, cho rằng chúa trời là nguồn gốc sinh ra muôn loài. Darwin trở thành nhà khoa học nổi tiếng thế giới, song ông vẫn ngày đêm học tập, nghiên cứu.
Một lần, người con của Darwin tỉnh giấc khi trời đã rất khuya mà thấy phòng của ông vẫn sáng đèn. Anh nhắc ông:
- Cha đã là nhà bác học nổi tiếng rồi, còn phải ngày đêm nghiên cứu làm gì?
Ông cười, nhìn con và nói:
- Bác học không có nghĩa là ngừng học con ạ.
Năng lực trí tuệ dù ở tỉnh cao tới đâu, tài năng dù có siêu phàm tới mức độ nào thì người ta vẫn phải học tập suốt đời, lao động suốt đời. Dừng hai việc đó lại, con người sẽ tầm thường hóa chính bản thân mình.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nang-luc-tri-tue-cua-con-nguoi-khong-co-gioi-han-17923080718070807.htm