Nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng để phòng, chống tội phạm lừa đảo
Bất cẩn làm lộ, lọt thông tin cá nhân trên không gian mạng đã tạo kẽ hở cho các đối tượng mua, bán thông tin lợi dụng chiếm đoạt, đây là nguyên nhân phát sinh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bộ Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác, nâng cao kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng.
Cảnh giác với nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân trên môi trường mạng
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, hiện nay, tại nhiều địa phương, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng đã tổ chức mua lại thông tin cá nhân từ 100.000-300.000 đồng trên mỗi chứng minh nhân dân, căn cước công dân được chụp lại, hoặc các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân, để thực hiện hành vi phạm tội.
Nguyên nhân lộ, lọt thông tin cá nhân chủ yếu xuất phát từ sự bất cẩn của người dân trên môi trường mạng, người dùng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân hoặc thực hiện các biện pháp bảo vệ chưa tương xứng, đăng tải công khai thông tin cá nhân trên không gian mạng hoặc bị lộ dữ liệu cá nhân trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi thông tin. Một số trường hợp nhân viên quản lý dữ liệu của tổ chức, doanh nghiệp móc nối, chia sẻ trái phép thông tin với bên thứ ba.
Việc lộ, lọt dữ liệu thông tin cá nhân đã tạo kẽ hở cho các đối tượng thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân nhằm thu lợi trái phép và sử dụng dữ liệu cá nhân để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, rửa tiền... và sử dụng vào các hoạt động phạm tội khác. Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân không chỉ diễn ra đơn lẻ, giữa cá nhân với cá nhân mà còn có sự tham gia của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp.
Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Các đối tượng này hoạt động trong nhóm “Data chất lượng toàn quốc” với gần 1.000 thành viên. Trong đó Nguyễn Phúc Vinh (sinh năm 1999, trú tại tỉnh Long An) và Nhữ Thị Nguyên (1988, trú tại thành phố Hồ Chí Minh) đã quản lý và sử dụng tài khoản facebook “Thư Vũ” để đăng tải chào bán 629.050 dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng cho nhiều người khác nhau, thu lợi bất chính số tiền trên 340 triệu đồng.
Từ việc mua được thông tin cá nhân khách hàng từ tài khoản "Thư Vũ", nhóm đối tượng Đinh Quốc Tuấn (sinh năm 1987), Nguyễn Thị Thắm (sinh năm 1990) cùng trú tại thành phố Hà Nội và Nguyễn Xuân Tùng (sinh năm 1990) ở tỉnh Yên Bái đã tổ chức thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nhóm này đã lập các trang web giả mạo có hình thức, giao diện giống các trang web của ngân hàng và công ty cho vay tài chính rồi liên hệ với khách hàng qua các dữ liệu đã mua. Khi bị hại có nhu cầu, các đối tượng yêu cầu phải nộp một khoản tiền mới được giải ngân và bị chúng chiếm đoạt.
Với phương thức thủ đoạn như trên, từ tháng 10/2022 đến 3/2023, các đối tượng trên đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của nhiều bị hại trên cả nước.
Từ vụ việc trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh làm lộ lọt thông tin cá nhân trên môi trường mạng bằng một số biện pháp sau:
- Không chia sẻ hình ảnh chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ khẩu trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...).
- Cần thận trọng khi sử dụng thông tin cá nhân vào việc đăng ký các dịch vụ online (mua hàng, xin việc, vay tiền…).
- Tuyệt đối không tiếp tay cho các đối tượng đề nghị thuê hoặc mua lại thông tin cá nhân từ Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc tài khoản ngân hàng.
Quy tắc bảo mật dữ liệu, thông tin cá nhân trên không gian mạng
Theo Forbes, chuyên gia an ninh mạng đã gợi ý 5 quy tắc cơ bản mà người dùng nên tuân thủ để giảm thiểu tối đa nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ vi phạm dữ liệu:
Áp dụng quản lý xác thực và mật khẩu mạnh: Mật khẩu kém là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ xâm nhập dữ liệu. Một số quy tắc cơ bản về việc quản lý mật khẩu bao gồm: sử dụng mật khẩu mạnh; tránh dùng lại mật khẩu, không chia sẻ mật khẩu với bất kỳ ai, sử dụng trình quản lý mật khẩu và xác thực 2 yếu tố.
Luôn cập nhật phiên bản mới nhất: Các bản cập nhật ứng dụng thường chứa các bản vá bảo mật được thiết kế để khắc phục các lỗ hổng đã bị phát hiện. Các hệ thống và ứng dụng đặc biệt quan trọng mà người dùng cần đảm bảo chạy phiên bản cập nhật nhất bao gồm: hệ điều hành, trình duyệt web, các chương trình cơ sở, phần mềm chống viurs,...
Luôn tìm hiểu kỹ chính sách bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư: Trước khi truy cập các dịch vụ trực tuyến hoặc sử dụng phần mềm hoặc phần cứng mới, bạn cần phải có ý thức hơn trong việc đọc và hiểu chính sách bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư nếu muốn bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình một cách nghiêm túc.
Sử dụng mạng riêng ảo (VPN): Mạng riêng ảo (VPN) cho phép thiết bị của bạn kết nối với Internet thông qua máy chủ của bên thứ ba thay vì trực tiếp và cũng mã hóa tất cả dữ liệu được gửi hoặc nhận. Điều này giúp nâng cao bảo mật quyền riêng tư của bạn bằng cách đảm bảo về cơ bản rằng các dịch vụ bạn đang kết nối không bao giờ có thể biết bạn là ai.
Thường xuyên kiểm tra cài đặt quyền riêng tư: Để bảo vệ các thông tin cá nhân cũng như dữ liệu nhạy cảm được an toàn, người dùng nên định kỳ kiểm tra các cài đặt quyền riêng tư của mình trên các nền tảng bạn tham gia hay những trang web, dịch vụ mà bạn thường xuyên sử dụng thông tin cá nhân.