Nâng cao cảnh giác để không bị lợi dụng chứa chấp, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có
Sau khi phạm tội (trộm, cướp,...), các đối tượng xấu luôn tìm cách tiêu thụ tài sản mà chúng chiếm được (mua bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp,...). Người dân cần nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức nhận biết nguồn gốc tài sản để không tiếp tay cho tội phạm.
Các bước kiểm tra nguồn gốc tài sản khi trao đổi, mua bán
Trước tình hình tội phạm đường phố ngày càng gia tăng, đặc biệt trong dịp chuẩn bị bước sang năm mới 2024, Công an Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn người dân, các cơ sở kinh doanh trang bị cách thức kiểm tra nguồn gốc tài sản trước khi tiến hành các giao dịch mua bán, trao đổi, cầm cố…
Bước 1: Yêu cầu người bán xuất trình giấy tờ tùy thân (căn cước công dân, bằng lái xe,...).
Bước 2: Sao chụp, photo giấy tờ tùy thân và chụp ảnh người bán để lưu trữ vào điện thoại cá nhân và hệ thống sổ sách mua bán của cửa hàng (bắt buộc).
Bước 3: Kiểm tra nguồn gốc tài sản trước khi mua bán, trao đổi, thế chấp, cầm cố.
Đối với phương tiện cơ giới (ô tô, xe máy,...): Kiểm tra, đối chiếu thông tin trên giấy tờ xe với căn cước công dân, biển số xe, số khung, số máy của xe. Tra cứu thông tin giấy tờ xe trên ứng dụng VNeID của chính chủ.
Đối với thiết bị điện tử (điện thoại, laptop,...): Hỏi và kiểm tra mật khẩu đăng nhập thiết bị, thông tin thiết bị (tên thiết bị, ngày kích hoạt,...). Yêu cầu đăng nhập tài khoản iCloud (iPhone) hoặc Google (Android) để xác nhận chính chủ.
Đối với trang sức, vàng, bạc, đá quý,...: Kiểm tra, lưu ý các trường hợp: trang sức, dây chuyền bị đứt, gãy thành nhiều đoạn; hình dáng bề ngoài của người bán có phù hợp, giống người thường xuyên mua bán các loại trang sức, đá quý có giá trị cao hay không,...
Khi phát hiện, nhận thấy người khác có dấu hiệu tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, để không tiếp tay cho tội phạm, người dân cần lưu ý giữ bình tĩnh, cố gắng kéo dài thời gian. Ghi nhận đặc điểm tài sản và các thông tin, đặc điểm nhận dạng của đối tượng bằng cách chụp ảnh, ghi hình lại. Sau đó liên hệ Cảnh sát khu vực, Công an địa phương nơi gần nhất để được hỗ trợ.
Công an cũng lưu ý các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cơ sở kinh doanh các mặt hàng đã qua sử dụng (mua bán xe ô tô, xe máy, điện thoại, máy móc, thiết bị cũ…); cửa hàng kinh doanh trang sức, vàng bạc, đá quý… chú ý kinh doanh đúng quy định của pháp luật, không để các đối tượng lợi dụng chứa chấp hoặc tiếp tay tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có.
Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi vi phạm pháp luật
Theo Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tội "Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" có thể bị phạt tù đến 15 năm. Cụ thể:
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 10 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.