Nan giải bài toán "hết xăng, còn dầu"
Mặc dù đã được hỗ trợ bởi nhiều chính sách quản lý, điều hành, nhưng trong thực tế, rất nhiều người dân vẫn phải khổ sở xếp hàng trong những ngày này để chờ đợi... mua xăng!
"Hết xăng, còn dầu" là tình trạng chung của nhiều cây xăng trong các thành phố lớn. Anh Toàn (lái xe ở Đống Đa, Hà Nội) phải tìm tới cây xăng cách nhà 15km để đổ vì đi tới 3 cửa hàng trong ngày 23/10 đều thấy biển báo "hết xăng" hoặc "tạm hết hàng".
Trong khi đó, ở đầu cầu phía Nam, người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Bình Phước vẫn liên tục phản ánh việc các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, hoặc để bảng “hết xăng, còn dầu”, nhiều người dân đã phải mua dự trữ để có nhiên liệu đi lại.
Tình trạng khan hiếm "bất ngờ" không chỉ tồn tại ở hệ thống các cửa hàng tư nhân, tự phát, ngay cả các cây xăng lớn của Petrolimex, MIPECO, PJICO nhiều nơi cũng rơi vào hoàn cảnh không có đủ nguồn hàng cung cấp. Ví dụ như trường hợp của anh Toàn, muốn đổ xăng E5 RON 92-II nhưng cuối cùng anh cũng phải đổ RON 95-III tại 1 cây xăng dầu Quân đội, mặc dù giá thành của loại xăng này cao hơn.
Tháo gỡ của Bộ Công thương
Sau khi nhận được các thông tin cập nhật về tình trạng người dân xếp hàng dài chờ mua xăng, nhiều cây xăng đóng cửa ngừng bán, đồng thời để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn cho các Doanh nghiệp xăng dầu, Bộ Công Thương đã có các cuộc làm việc với doanh nghiệp đầu mối trong các ngày 12/10 và 18/10 và mới đây nhất là sáng 24/10 vừa qua.
Bộ Công Thương theo đó đã tổ chức họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp và đầu mối kinh doanh xăng dầu. Bộ cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đề nghị rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.
Cụ thể, các quy định về chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… phù hợp với thực tế phát sinh; đồng thời Bộ Công thương cùng đề nghị các Bộ, ngành liên quan có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.
Tình hình vẫn bất cập
Mặc dù bằng nhiều cách khác nhau, nhưng những nỗ lực cố gắng của cơ quan quản lý cũng vẫn gặp phải nhiều thách thức bởi tình hình vĩ mô của thị trường có nhiều biến động. Đặc biệt, các thông tin về chính sách điều hành tiền tệ thế giới, lái suất, đồng USD tăng cao khiến giá nhập liệu các nguồn cung xăng dầu cũng tăng theo.
Cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraine xảy ra cũng đã khiến thị trường xăng dầu thế giới có diễn biến phức tạp, nguồn cung khan hiếm, giá liên tục tăng cao. Trong khi đó, những thông báo mới đây của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC+ về việc giảm sản lượng khai thác dầu khiến câu chuyện càng trở nên khó gỡ. Mặc dù, đây chính là tổ chức đảm bảo thu nhập ổn định cho các quốc gia thành viên và đảm bảo nguồn cung dầu mỏ cho các khách hàng.
Quay trở lại tình hình các cây xăng trong nước, nhiều cây xăng đóng cửa "hết hàng" hoặc treo biển "tạm đóng" vì nhiều lý do. Một trong số các lý do được báo cáo về nhiều nhất là các điểm bán "hết xăng cục bộ vì nguồn xăng dầu khan hiếm, việc nhập và vận chuyển xăng dầu về chậm. Từ đó một số cây xăng phải tạm ngưng bán để chờ xe bồn chở xăng về".
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết: Việc tháo gỡ những bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay chủ yếu mới có Bộ Công Thương kịp thời tháo gỡ, chưa được các bộ, ngành khác quan tâm. Đặc biệt, với chi phí lưu thông, dù đã kiến nghị nhưng việc thực hiện còn rất hạn chế.
Trong khi đó, giá cả hiện tại trong Quý IV, nhất là tháng 11, 12 thì premium đang ở mức trên dưới 10 USD. Như vậy chi phí doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít khiến các cây xăng không thể thực hiện nhập thêm hàng nhiều được.
Nhìn chung, để giải được bài toán "hết xăng, còn dầu" sẽ là một câu chuyện dài, cần sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành. Trong đó, để các doanh nghiệp không phải chịu lỗ. Quỹ bình ổn xăng dầu sẽ phải tiếp tục được sử dụng để trợ giá cho doanh nghiệp.
Khi đó, nếu phát hiện cây xăng, trạm dầu nào "chơi" chiêu bài tạm đóng, cần kiên quyết xử lý, thậm chí rút giấy phép để thị trường xăng dầu trong nước được ổn định. Bởi xăng dầu là huyết mạch của nền kinh tế, đặc biệt trong thời điểm cuối năm, các nhu cầu đi lại, vận chuyển tăng cao. Cần lắm những "cái đầu lạnh" để có những quyết sách điều hành phù hợp, đem lại sự yên tâm cho người dân.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nan-giai-bai-toan-het-xang-con-dau-179221024224851225.htm