Năm lĩnh vực cần được ưu tiên để chuyển đổi hệ thống giáo dục toàn cầu một cách hiệu quả

11:40 - 20/09/2022

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới cần hành động ngay trong 5 lĩnh vực ưu tiên để chuyển đổi hệ thống giáo dục toàn cầu một cách hiệu quả, hiện thực hóa tầm nhìn đối với giáo dục trong thế kỷ XXI.

Tầm nhìn mới cho giáo dục trong thế kỷ XXI

Hội nghị Thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục toàn cầu diễn ra ngày 19/9, ngày đầu tiên của Tuần lễ Cấp cao kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 77. 

Năm lĩnh vực cần được ưu tiên để chuyển đổi hệ thống giáo dục toàn cầu một cách hiệu quả - Ảnh 1.

Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục của Liên hợp quốc. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

Trong phát biểu khai mạc tại Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nói về tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục: "Người giàu được tiếp cận với các nguồn lực tốt nhất, trường học và trường đại học, và sẽ có việc làm tốt nhất. Trong khi đó, người nghèo - đặc biệt là trẻ em gái - phải đối mặt với những trở ngại lớn để có thể được học và thay đổi cuộc sống của mình. Người tàn tật và học sinh khuyết tật phải đối mặt với những trở ngại cao nhất. Đại dịch COVID-19 đã có một tác động tàn khốc đến việc học tập trên toàn thế giới, và giáng một đòn mạnh vào sự tiến bộ của Mục tiêu Phát triển bền vững 4.

Chúng ta phải chuyển đổi nền giáo dục vì nền giáo dục đang khủng hoảng sâu sắc. Thay vì là yếu tố thúc đẩy lớn, giáo dục đang trở thành một ngăn cách lớn. Khoảng 70% trẻ 10 tuổi ở các nước nghèo không thể đọc một văn bản cơ bản. Hoặc là họ đã nghỉ học, hoặc đang đi học nhưng hầu như không học được.

Nhưng cuộc khủng hoảng giáo dục đã bắt đầu từ rất lâu trước đó - và còn sâu sắc hơn nhiều. Báo cáo của Ủy ban Quốc tế về tương lai của giáo dục cho thấy rõ ràng: hệ thống giáo dục đang tạo ra những học sinh và xã hội thất bại vì thích học vẹt và cạnh tranh về điểm số".

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nói: "Một tầm nhìn mới cho giáo dục trong thế kỷ XXI đang hình thành. Trên hết, giáo dục chất lượng phải hỗ trợ sự phát triển của cá nhân người học trong suốt cuộc đời của họ. Nó phải giúp mọi người học cách học, tập trung vào giải quyết vấn đề và hợp tác. Nó phải cung cấp nền tảng cho việc học, từ đọc, viết và toán học đến các kỹ năng khoa học, kỹ thuật số, xã hội và cảm xúc. Nó cũng phải phát triển năng lực của sinh viên để thích ứng với thế giới việc làm thay đổi nhanh chóng. Nó phải được thiết kế để mọi người có thể tiếp cận ngay từ những giai đoạn đầu tiên và trong suốt cuộc đời của họ. Và nó phải giúp chúng ta học cách sống và làm việc cùng nhau, cũng như hiểu bản thân và trách nhiệm của chúng ta đối với nhau và với hành tinh của chúng ta.

Vào thời điểm tràn lan thông tin sai lệch, sự phủ nhận sự hiện hữu của biến đổi khí hậu và các cuộc tấn công vào quyền con người, chúng ta cần các hệ thống giáo dục phân biệt thực tế với âm mưu, tôn trọng khoa học và tôn vinh nhân loại trong tất cả sự đa dạng của nó".

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới cần hành động ngay trong 5 lĩnh vực ưu tiên để chuyển đổi hệ thống giáo dục toàn cầu một cách hiệu quả, hiện thực hóa tầm nhìn đối với giáo dục trong thế kỷ XXI. 

Năm lĩnh vực đó là: Bảo đảm quyền đối với giáo dục cho tất cả, nhất là trẻ em gái; quan tâm đến vai trò và kỹ năng của giáo viên, là huyết mạch của hệ thống giáo dục; đảm bảo trường học có không gian an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, định kiến; tất cả người học được hưởng lợi từ cuộc cách mạng số; bảo đảm tài chính cho giáo dục và đoàn kết quốc tế. 

Ông Antonio Guterres cũng kêu gọi các nước phát triển tăng cường hỗ trợ, dành tối thiểu 15% nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho giáo dục và đề nghị các thể chế tài chính quốc tế tạo điều kiện cho các nước đang phát triển có thêm nguồn lực để đầu tư cho giáo dục. Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế tham gia vào Quỹ Tài chính quốc tế cho giáo dục mới được ra mắt gần đây với mục tiêu huy động khoảng 10 tỉ USD để giúp cho 700 triệu trẻ em ở các nước nghèo, kém phát triển được đi học.

"Trong suốt cuộc đời của tôi, giáo dục là kim chỉ nam và tạo nên nền tảng cho tôi. Tôi coi mình là một học sinh suốt đời. Và tôi đã rút ra nguồn cảm hứng tuyệt vời từ công việc của mình với tư cách là một giáo viên từ nhiều thập kỷ trước" - Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres.
Bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận về giáo dục và chất lượng giáo dục
Năm lĩnh vực cần được ưu tiên để chuyển đổi hệ thống giáo dục toàn cầu một cách hiệu quả - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn dự Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục của Liên hợp quốc. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam Nguyễn Kim Sơn đã đóng góp ý kiến rằng trong giai đoạn phục hồi sau 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành, giáo dục cần phát huy sứ mệnh của mình để trang bị kiến thức và kỹ năng cho các thế hệ công dân hiện tại và tương lai vượt qua những thách thức mà thế giới phải đối mặt, qua đó góp phần thực hiện thành công tất cả các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đặt ra.

Đóng góp thảo luận về giải pháp chuyển đổi giáo dục bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận về giáo dục và chất lượng giáo dục, sự hòa nhập và công bằng ở tất cả các cấp học trong giai đoạn tới. Phương pháp, nội dung giảng dạy có thể thay đổi, nhưng điều then chốt là phải giúp học sinh định hướng bản thân, xây dựng nền tảng vững chắc với những giá trị căn bản trong suốt đời.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, khoảng 70% trẻ em ở độ tuổi 10 tuổi tại các nước nghèo không biết đọc, chưa kể những học sinh phải thường xuyên di tản hay bị tàn tật vì chiến tranh, thậm chí còn không có cơ hội được đến trường.

Hội nghị Thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục toàn cầu diễn ra trong các ngày 16, 17 và 19/9 do Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres chủ trì. Mục tiêu của Hội nghị là huy động ý chí chính trị và cam kết cho giáo dục với 2 mục tiêu cụ thể: Tăng cường và đẩy nhanh việc thực hiện các hiệp định đa phương hiện có, đặc biệt là Chương trình nghị sự 2030 và thúc đẩy hành động ở cấp quốc gia và toàn cầu, đồng thời hỗ trợ thiết lập các lĩnh vực trọng tâm với các nguồn lực từ Ban chỉ đạo cấp cao Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG4).

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nam-linh-vuc-can-duoc-uu-tien-de-chuyen-doi-he-thong-giao-duc-toan-cau-mot-cach-hieu-qua-179220920103342686.htm