Năm 2022: Tất cả đều thay đổi?

18:00 - 30/12/2022

Nhìn lại năm 2022, chúng ta dễ dàng cho rằng đây là "năm tất cả đều thay đổi".

Năm 2022: Tất cả đều thay đổi? - Ảnh 1.

2022 là năm mọi thứ đều có thể xảy ra. Ảnh: thecoindesk.com

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã phá vỡ điều cấm kỵ từ lâu nay về chiến tranh hay xung đột giữa các quốc gia. Xung đột lại xảy ra ở châu Âu, khu vực giầu có và ổn định nhất trên thế giới trong hơn 70 năm qua càng sốc với chúng ta hơn. Với thế giới, khả năng chiến tranh giữa các nước không còn chỉ đơn thuần là suy nghĩ của những người hiếu chiến.

Tương tự như vậy, tác động của cuộc chiến, đặc biệt là những biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Nga có vẻ như đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên hội nhập kinh tế bắt đầu từ sau Chiến tranh Lạnh. Các biện pháp trừng phạt đã phần nào thành công trong việc tách nền kinh tế Nga với nền kinh tế thế giới. Những ý tưởng về một thế giới không có biên giới và hiệu ứng tự do hoá đã trở thành quá khứ. Tất cả những điều này lại được củng cố thêm bởi biện pháp cấm xuất khẩu chíp cao cấp của chính quyền Joe Biden nhằm hạn chế không cho Trung Quốc tiếp cận với chất bán dẫn cao cấp cần thiết để sử dụng trong việc sản xuất trí tuệ nhân tạo, một ngành sản xuất mà theo nhiều người sẽ quyết định quyền lực của quốc gia trong thế kỷ 21.

Những diễn biến nêu trên là cú sốc lớn, trực tiếp hay gián tiếp, đối với hệ thống quốc tế, từ giá năng lượng đến cung cấp lương thực. Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng đây là những xu hướng chung đã và đang hình thành cho dù có xung đột Ukraine hay không. Trong một thập kỷ gần đây, thế giới đã chứng kiến cạnh tranh địa chính trị trên toàn cầu, gây khó khăn cho các thể chế hợp tác và hoạt động đa phương. Từ năm 2016, xu thế bảo hộ mậu dịch đã bắt đầu với việc Anh tiến hành trưng cầu dân ý về rời bỏ Liên minh châu Âu và việc Mỹ áp dụng chính sách "nước Mỹ là trên hết" sau khi Donald Trump được bầu là Tổng thống Mỹ. Năm 2020, thế giới cũng đã chứng kiến chiến tranh giữa các quốc gia khi hai nước Azerbaijan và Armenia xâm hấn nhau, kết quả là số người chết và bị thương trong bảy tuần xung đột không kém số thương vong của Mỹ trong 20 năm chiến tranh Afghanistan.

Xung đột còn xảy ra ở các khu vực khác trên thế giới. Đó là chiến tranh bùng nổ ở Ethiopia, tuy gần đây đã có ngừng bắn. Chiến sự đã lan rộng ở Cộng hoà Dân chủ Công-gô và có nguy cơ lan rộng sang nước láng giềng và trở thành xung đột khu vực.

Ở nhiều nước, biểu tình do giá sinh hoạt cao lên đến đỉnh điểm, đặc biệt là ở các nước Mỹ La-tinh cũng như các nước đang phát triển khác. Các nước phát triển cũng không tránh khỏi biểu tình vì lý do này. Các cuộc biểu tình này gây áp lực rất lớn với chính phủ các nước vốn đã phải chịu gánh nặng nợ do chi phí y tế rẩt cao trong thời gian đại dịch Covid-19.

Trong năm 2022, nhiều nước đã tổ chức bầu cử như Mỹ, Brazil và Peru. Ở hai nước Mỹ và Brazil, nền dân chủ vẫn được duy trì vững chãi trong khi đó ở Peru nền dân chủ đã được phục hồi sau một thời gian mất ổn định.

Những xu hướng đáng lo ngại rất có thể không phải là cách nhìn nhận đúng đắn trước thềm năm mới. Chúng ta không thể không nhận thấy những xu hướng tích cực xuất hiện trong năm 2022. Ngay cả trong năm đầy khó khăn và có nhiều đứt gẫy, cũng có nhiều tin tốt lành.

Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, các nước đã thoả thuận thanh lập quỹ "thiệt hại và mất mát" dành cho các nước nghèo đang phải chịu tác động của biến đối khí hậu. Đây là thắng lợi của cuộc vận động vì công bằng khí hậu. Thế giới đang tiến đến sử dụng năng lượng tái tạo để có thể tránh được thảm hoạ do khủng hoảng khí hậu gây ra.

Trung Quốc hiện nay đã có những biện pháp từ bỏ cách ly y tế để phòng tránh Covid-19. Dỡ bỏ hạn chế đi lại sẽ giúp kinh tế Trung Quốc hồi phục và thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển. Theo nhiều dự báo, kinh tế Trung Quốc tăng 3,2% năm 2022 và sẽ tăng cao hơn trong năm 2023.

Điều thú vị và hiếm hoi hơn cả là các cuộc biểu tình của phụ nữ ở Iran đã làm rúng động nước Cộng hoà này. Đây là điều chưa từng có ở một nước Hồi giáo. Lẽ dĩ nhiên, các cuộc biểu tình này sẽ không làm chế độ Iran sụp đổ. Nhưng biểu tình chứng minh nhân dân Iran đầy quả cảm có thể làm nhiều điều từ trước đến nay chưa có và chính phủ Iran đã mất lòng tin của nhân dân.

Với những diễn biến tích cực vào cuối năm, tình hình có vẻ như khả quan hơn. Thay vì là năm tất cả đều thay đổi, 2022 là năm mọi thứ đều có thể xảy ra. Có những việc tồi tệ hơn nhưng cũng có nhiều việc tốt hơn. Đó là đặc điểm của năm 2022.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nam-2022-tat-ca-deu-thay-doi-179221230115224795.htm