Mỹ có dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Trung Quốc để kìm hãm đà lạm phát gia tăng?

16:28 - 19/05/2022

Theo Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ , chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 3 đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong 4 thập kỷ qua, kể từ tháng 12/1981.

Ngày 10/5, phát biểu với báo giới, Tổng thống Mỹ J. Biden nêu rõ: "Tôi muốn mọi người dân Mỹ biết rằng tôi đang rất chú trọng vấn đề lạm phát và đây là ưu tiên đối nội hàng đầu của tôi". Nguyên nhân khiến lạm phát tăng mạnh là do đại dịch COVID-19 cùng với vấn đề về chuỗi cung ứng và cuộc xung đột tại Ukraine. Ông cũng khẳng định sẽ cùng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nỗ lực giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao ở nước này.

Mỹ có dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Trung Quốc để kìm hãm đà lạm phát gia tăng? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden(Ảnh: AP) Nguồn: VTV.Vn

Phát biểu của ông Biden diễn ra trong bối cảnh giá hàng tiêu dùng ở Mỹ đã tăng hơn 8% so với năm ngoái. Theo Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ ngày 12-4, trong tháng 3, chỉ CPI của nước này đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong 4 thập kỷ qua, kể từ tháng 12/1981.

Trang CNN Business cho biết, lạm phát tháng 3 của Mỹ tăng cao chủ yếu do giá xăng dầu và thực phẩm tăng. Cuộc chiến Nga - Ukraine đã đẩy giá hàng hoá cơ bản toàn cầu tăng vọt. Tháng 3, giá xăng ở Mỹ tăng hơn 18% so với tháng 2, còn nếu so với cùng kỳ năm trước thì giá xăng ở nước này đã tăng 48%.

Theo Hiệp hội ôtô Mỹ (AAA), giá xăng dầu trung bình tăng hơn 2 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) so với cùng kỳ năm 2021. Giá phân bón cũng tăng 42% kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Hệ lụy tiếp theo là giá lương thực cũng bị đẩy lên.

Ông Jay Bryson, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách mảng ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp của Wells Fargo, nhận định tình trạng lạm phát hiện tại phần lớn là do sự căng thẳng nguồn cung.

FED hiện đang đối mặt với bài toán rất khó là làm sao có thể thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng và gây ra suy thoái kinh tế. Giới chuyên gia tại Mỹ tính toán rằng, để giữ cho nền kinh tế ổn định, FED phải nỗ lực để đưa được tỷ lệ lạm phát của Mỹ về mức 2%.

Mặc dù chưa công bố các biện pháp để ngăn chặn đà lạm phát gia tăng, nhưng Tổng thống Mỹ cho biết, một trong những phương án đang được thảo luận để kìm hãm giá cả leo thang là dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Trung Quốc, tuy nhiên hiện vẫn chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra.

Cho đến nay Chính quyền của ông J. Biden vẫn duy trì phần lớn chính sách thương mại với Trung Quốc được áp đặt dưới thời cựu Tổng thống D. Trump, trong đó có hàng rào thuế quan đối với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc. /. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/my-co-do-bo-thue-nhap-khau-doi-voi-hang-hoa-cua-trung-quoc-de-kim-ham-da-lam-phat-gia-tang-179220519154137074.htm