Muôn kiểu lừa đảo du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

16:01 - 27/04/2023

Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm 2023 kéo dài 5 ngày, mở màn cho mùa hè cao điểm du lịch nội địa. Đánh vào tâm lý “ham rẻ” của du khách, những kẻ lừa đảo tung chiêu trò hết sức tinh vi để chuộc lợi.

Lừa đảo combo du lịch giá rẻ tràn lan trên mạng

Du khách Ngọc Linh (Hà Nội) tìm tour du lịch du thuyền Hạ Long vào dịp lễ. Sau khi lên mạng tìm kiếm, anh đã thấy một bài quảng cáo trên trang mạng xã hội của mình với nội dung "Chương trình khuyến mãi du thuyền Hạ Long Ambassador 5 sao, 3 ngày 2 đêm với giá chỉ 1.999K/khách" của trang Du thuyền Hạ Long mà không hề biết mình sẽ là nạn nhân bị lừa đảo. 

Anh Ngọc Linh cho biết: "Gần chục năm trước, gia đình tôi cũng đi du thuyền Hạ Long đã mất tầm 3 triệu đồng/người. Tuy nhiên, vì nghĩ dịch bệnh, kinh tế khó khăn nên chắc công ty du lịch cũng giảm giá. Thấy mức giá tốt, tôi liền nhắn tin cho trang du lịch này để đặt mua voucher (phiếu quà tặng) du lịch cho cả gia đình".

Tổng số tiền đặt tour là 14 triệu đồng cho 9 người. Theo yêu cầu của tư vấn viên, anh Linh đã chuyển khoản 50% để cọc cho chuyến đi vào tháng 5/2023.

Khi đối tượng gửi thông tin tài khoản, anh mất cảnh giác khi thông tin tài khoản có tên chủ tài khoản là "Du thuyen Ha Long" mở tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Không nghi ngờ vì thấy tên chủ tài khoản được định danh rõ ràng như một tổ chức doanh nghiệp, anh Ngọc Linh đã chuyển ngay 7 triệu đồng vào tài khoản đó.

Vài ngày sau, anh Ngọc Linh phát hiện tải khoản mạng xã hội của mình bị trang Du thuyền Hạ Long chặn. Lập tức tìm hiểu, liên hệ với đơn vị cung cấp loại hình dịch vụ tương tự thì anh Linh được biết, không có đơn vị nào bán voucher với mức giá giá mà anh đã mua.

Anh Linh cũng gửi email (thư điện tử) phản hồi email đã xác thực thanh toán trước đó, yêu cầu hoàn trả lại tiền thì thấy email đó cũng đã bị xóa.

Về phía Ngân hàng VPBank, anh Ngọc Linh cũng đã gọi điện để xác nhận đã chuyển khoản vào tài khoản trên. Anh Linh được nhân viên ngân hàng thông tin tài khoản "Du thuyen Ha Long" có dấu hiệu lừa đảo nên ngân hàng đã khóa lại. Đồng thời, ngân hàng không thể cung cấp thông tin người thụ hưởng vì đó là nguyên tắc bảo mật giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng. 

Muôn kiểu lừa đảo du lịch dịp nghỉ lễ - Ảnh 1.

Anh Phạm Ngọc Linh cũng cấp toàn bộ quá trình mình bị lừa đảo nộp tiền đặt cọc tour du lịch.

Anh Ngọc Linh rất bức xúc vì chủ quan, ham rẻ nên đã bị lừa đảo trên mạng. Anh Linh đã đăng cảnh báo trên trang cá nhân của mình để mọi người tránh gặp phải tình huống tương tự. Phản hồi với bài viết này, nhiều người cho biết cũng bị lừa đảo như vậy. Hiện anh Ngọc Linh đã gửi đơn tố giác tới cơ quan Công an.

Lừa đảo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài

Đối với thủ đoạn này, kẻ gian tấn công những khách hàng đang có nhu cầu muốn đi du lịch nước ngoài.

Muôn kiểu lừa đảo du lịch dịp nghỉ lễ - Ảnh 2.

Nhóm đối tượng nhận làm visa du lịch Hàn Quốc, lừa đảo chiếm đoạt trên 3 tỉ đồng bị Cơ quan Công an bắt giữ. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an

Chiêu trò của các đối tượng này là sử dụng các tài khoản Facebook "ảo" để đăng các bài quảng cáo liên quan đến thủ tục đi du lịch nước ngoài, đính kèm các số điện thoại sim rác.

Khi có khách hàng liên hệ qua các tài khoản Facebook "ảo", các sim rác hoặc các tài khoản Zalo được đăng ký bằng các số điện thoại sim rác thì kẻ gian sẽ quảng cáo dịch vụ làm visa. Chúng cam kết làm visa thành công 100%. Đồng thời, nếu không thành công thì sẽ hoàn lại tiền cho khách hàng.

Sau khi được tư vấn, khách hàng nào tin tưởng sẽ bị các đối tượng yêu cầu chuyển khoản tiền cọc làm visa vào các tài khoản ngân hàng "rác". 

Để khiến khách hàng tin tưởng, chúng tiếp tục yêu cầu khách hàng gửi các ảnh chụp chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu, ảnh chân dung... và hẹn khách khoảng 15-20 ngày sẽ làm visa xong rồi gửi cho họ.

Từ ảnh chụp thông tin cá nhân mà khách cung cấp, các đối tượng sẽ sử dụng máy tính cá nhân để dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh để tạo ra ảnh visa giả. Đến ngày hẹn trả visa, chúng sẽ câu kéo bằng được khách hàng chuyển thêm tiền rồi mới gửi visa về địa chỉ mà khách hàng đã cung cấp. Khi khách hàng "sập bẫy", các đối tượng sẽ "cao chạy xa bay".

Lừa đảo bán vé máy bay giả

Vé máy bay đắt đỏ nên thời gian qua đã xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo bán vé máy bay giả.

Muôn kiểu lừa đảo du lịch dịp nghỉ lễ - Ảnh 3.

Các đối tượng mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra trang mạng xã hội với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức. Sau đó chúng quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng. Ảnh: Minh Ngọc

Phương thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các đối tượng mạo danh đại lý máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức.

Tiếp theo, chúng quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng. Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi khách mã đặt chỗ để làm tin. Đồng thời, chúng yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, kẻ gian sẽ ngắt liên lạc.

Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay, nên sẽ tự hủy sau một thời gian. Vì thế, rất nhiều khách hàng khi đến sân bay mới tá hỏa phát hiện là mình bị lừa.

Lừa đảo mạo danh tổ chức, doanh nghiệp

Muôn kiểu lừa đảo du lịch dịp nghỉ lễ - Ảnh 4.

Một công ty du lịch cảnh báo về việc đối tượng mạo danh công ty của mình để lừa đảo. Ảnh: Danangopentour.vn

Với chiêu trò này, các đối tượng lừa đảo vô cùng tinh vi khi làm giả website hoặc trang thông tin của công ty du lịch uy tín. Các đối tượng làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch.

Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, các đối tượng sẽ chặn liên lạc, xóa mọi dấu vết rồi âm thầm biến mất.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/muon-kieu-lua-dao-du-lich-dip-nghi-le-30-4-1-5-17923042714354182.htm