Mưa lớn, Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học

10:13 - 13/11/2023

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, trường học thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến tình hình mưa lớn hiện nay; giữ liên lạc qua nhiều kênh thông tin để chủ động ứng phó một cách an toàn, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra.

Thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến mưa lớn

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng ban hành văn bản thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, học viên trên toàn thành phố nghỉ học ngày 13/11. Các trường đại học tư thục căn cứ tình hình thực tế, chủ động quyết định việc đi học của sinh viên.

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, trường học thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến tình hình mưa lớn hiện nay; giữ liên lạc qua nhiều kênh thông tin để chủ động ứng phó một cách an toàn, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra; đảm bảo liên lạc thường xuyên, thông suốt hai chiều giữa lãnh đạo Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo – Thủ trưởng các đơn vị, trường học – Giáo viên chủ nhiệm – Phụ huynh (học sinh, học viên).

Các trường chủ động, khẩn trương tổ chức dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp khi nước rút, mưa ngớt để trẻ mầm non, học sinh, học viên sớm trở lại trường. Khi có sự cố hoặc vấn đề phát sinh, liên hệ trực tiếp đến lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo địa phương để được hướng dẫn xử lí.

Mưa lớn, Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học- Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, ngập lụt và ngập úng đô thị, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho Nhân dân. Ảnh minh họa: VOV

Sẵn sàng sơ tán dân, đảm bảo an toàn trước mưa lũ

Ngày 12/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 6237/UBND-PCTT về tập trung ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, ngập lụt và ngập úng đô thị, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho Nhân dân; sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn; vận động người dân kê tài sản, khơi thông, không làm cản trở dòng chảy, tiêu thoát nước tại các kênh mương và cửa thu nước trước nhà để nâng cao hiệu quả thoát nước; sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị, xử lý theo phương châm "4 tại chỗ".

Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện,... trên địa bàn thành phố theo dõi diễn biến của thời tiết, mưa lũ trong các ngày tiếp theo để chủ động quyết định cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên nghỉ học để đảm bảo an toàn, nhất là tại các vùng trũng thấp, ngập lũ, nguy cơ sạt lở đất, đá.

Ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất

Trước đó, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai có văn bản số 417/VPTT gửi các tỉnh từ Thanh Hoá đến Phú Yên đề nghị ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nguy cơ cao sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông nếu không bảo đảm an toàn; chủ động triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục tại các khu vực xảy ra ngập lụt.

Sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Kiểm tra, rà soát, vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công, nhất là các công trình trọng điểm, xung yếu hoặc đã xảy ra sự cố do mưa lũ trong thời gian vừa qua.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/mua-lon-da-nang-cho-hoc-sinh-nghi-hoc-179231113094731554.htm