Xuân Quý Mão 2023: Du Xuân lễ hội - Nét truyền thống tốt đẹp của Người Việt Nam

13:29 - 24/01/2023

Tạm khép 3 ngày Tết, những lượt người nô nức trảy hội khắp nơi. Người người, nhà nhà lại xuôi ngược khắp miền để đi lễ đền, chùa cầu may, đi du Xuân ngắm đất trời tươi đẹp, đi thật xa để có những trải nghiệm đầu tiên cho Năm mới thật ấn tượng, vui tươi.

Du Xuân lễ hội - Nét truyền thống tốt đẹp của Người Việt Nam. Ảnh: TT.

Du Xuân lễ hội - Nét truyền thống tốt đẹp của Người Việt Nam. Ảnh: TT.

Năm nay, tiết trời Miền Bắc rét đặc trưng Tết, ngày mồng 3 trời trở lạnh nhưng tới giờ hoàng đạo, ánh nắng mặt trời đã xuất hiện, phá tan những giá băng, lạnh lẽo của đất trời. Năm nay, thời tiết mưa gió thuận hòa, cây cối vào mùa Xuân đâm hoa, nảy lộc hứa hẹn một năm mới thật bình an và nhiều tài lộc cũng là ước mong của muôn người, mọi nhà. 

Những ngày Xuân Quý Mão 2023, các lễ hội trên cả nước đã được tưng bừng hoạt động trở lại sau thời gian dài im lìm vì dịch bệnh COVID-19. Thời tiết thuận lợi, lòng người phơi phới là dịp thuận tiện để cùng nhau du Xuân khắp đó đây. Chắc chắn năm nay, các lễ hội sẽ thu hút rất đông du khách thập phương, nhân dân cùng tham gia. 

Những ngôi đền, chùa vẫn là điểm đến hấp dẫn cho du khách chơi Xuân

Xuân Quý Mão 2023: Du Xuân lễ hội - Nét truyền thống tốt đẹp của Người Việt Nam - Ảnh 1.

Các cơ sở thờ tự "hút" khách từ ngày đầu năm 2023. Ảnh: NTHL.

Lễ hội khai ấn Đền Trần - Nam Định thường diễn ra dịp đầu Xuân nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm và tưởng nhớ công đức của bậc tiền nhân. Được biết, năm nay Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 1- 6/2/2023 (tức ngày 11 - 16 tháng Giêng, năm Quý Mão), trong đó từ 23 giờ 15 phút ngày 14 tháng Giêng sẽ diễn ra nghi thức khai ấn.

Cũng như truyền thống hàng năm, Lễ hội khai ấn Đền Trần sẽ là điểm hẹn hấp dẫn của nhiều du khách. Đặc biệt, sau thời gian 2 năm không được mở cửa, chắc chắn sẽ có rất nhiều Phật tử mong muốn được tụ hội về dự lễ khai ấn Đền Trần năm nay. 

Tiên lượng du khách sẽ tăng đột biến trong dịp này, Ban tổ chức Lễ hội và UBND thành phố Nam Định cũng đã chuẩn bị bố trí điểm phát ấn, lượng ấn để đáp ứng nhu cầu của du khách tham gia xin lộc đầu Xuân. Các lực lượng an ninh trật tự, công an của địa phương cũng đã tập dượt, triển khai các phương án đảm bảo an ninh lễ hội. Sẽ có 5 vòng an ninh được thực hiện trong lễ khai ấn nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, du khách thập phương dự lễ hội đầu Xuân.

Lễ hội Xuân Yên Tử năm 2023 sẽ khai hội vào ngày 10 tháng Giêng, năm Quý Mão (ngày 31/1/2023) tại thành phố Uông Bí và kéo dài suốt 3 tháng đầu năm. Dự kiến, năm nay sẽ có hơn 1 triệu phật tử, nhân dân và khách du lịch về Yên Tử trong thời gian lễ hội. Mọi công tác chuẩn bị khai hội Xuân Yên Tử năm 2023 đã hoàn tất. Đây được coi là lễ hội lớn nhất dịp đầu Xuân trong cả nước, trở thành điểm hẹn của du khách đến tham quan, chiêm bái, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị, quảng bá hình ảnh của Khu di tích và danh thắng Yên Tử.

Phần hội năm nay hứa hẹn mang đến cho du khách không khí Xuân mới, vui tươi, phấn khởi với nhiều hoạt động đặc sắc như: Đêm hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền; các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ, văn hoá ẩm thực…

Thủ đô Hà Nội là nơi diễn ra hàng ngàn lễ hội, chủ yếu là vào mùa Xuân, đây cũng là nơi diễn ra nhiều lễ hội nhất cả nước. Đáng chú ý nhất là Lễ hội chùa Hương năm 2023 (diễn ra từ ngày 23/1 đến ngày 23/4 tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày mùng 4/3 âm lịch) với chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện”. Lễ khai hội sẽ diễn ra vào ngày 27/1, tức mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão…

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2023. Sở đề nghị Ban Tổ chức lễ hội không tổ chức tốn kém, lãng phí; không lợi dụng lễ hội để trục lợi. Ban Tổ chức lễ hội cần nghiêm cấm các hoạt động mê tín, dị đoan; tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phẩm cấm lưu hành; tổ chức trò chơi có tính chất cá cược, đánh bạc dưới mọi hình thức và hình thức đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực lễ hội. Khu vực lễ hội không quảng cáo bằng loa, đài gây tiếng ồn quá mức quy định…

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn số 1240/VHCS-NSVH gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão.

Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các Sở Văn hóa - Thông tin; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố chỉ đạo ban tổ chức lễ hội thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, biến tướng trong dâng sao giải hạn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội…

Ban Tổ chức lễ hội cần xây dựng, triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội. Trường hợp xảy ra ẩu đả, mất an ninh, trật tự trong lễ hội, phải yêu cầu dừng tổ chức cho đến khi ổn định tình hình; có phương án an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch COVID-19. Cục Văn hóa cơ sở đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền về nét đẹp văn hóa, ý nghĩa biểu trưng của các thực hành lễ hội tới cộng đồng và công chúng…

Đồng bào Công giáo vui Xuân với nhiều Thánh lễ tân niên ý nghĩa

Đối với đồng bào Công giáo Việt Nam, ngoài dịp Giáng sinh, Phục sinh và những ngày Lễ lớn của Tôn giáo này, thì Dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc cũng là dịp các chức sắc và đồng bào Công giáo cùng nhau tổ chức những Thánh lễ ý nghĩa trong dịp Năm mới. Những thánh lễ này cũng thu hút khá đông đảo bà con giáo dân và du khách khắp nơi về dự lễ và cầu ơn bình an. 

Mùa du Xuân Quý Mão 2023: Du Xuân lễ hội - Nét truyền thống tốt đẹp của Người Việt Nam - Ảnh 2.

Thánh lễ Thánh hóa công ăn việc làm ngày Mồng 3 Tết tại Nhà thờ Thái Hà, Hà Nội do Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên chủ sự đã thu hút hàng ngàn người tham dự. Ảnh: TT.

Kể từ chiều 30 Tết, các nhà thờ đã trang trí cành đào, cây quất, các loại hoa đẹp mắt tưng bừng để chào đón Chúa Xuân. Thánh lễ giao thừa thường được giáo hội cử hành vào khoảng 22h-23h đêm Giao thừa để bà con giáo dân có thể tham dự Thánh lễ sau đó về đoàn tụ trong các gia đình để đón Giao thừa với nhau. 

Trong 3 ngày đầu năm, các Nhà thờ Lớn, các nhà thờ giáo xứ, giáo họ đều tổ chức Thánh lễ ngày Mồng 1, Mồng 2 và Mồng 3 Tết với những ý nghĩa đặc biệt riêng. Trong đó, Ngày Mồng 1, người Công giáo trên cả nước sẽ có Thánh lễ sáng sớm để Cầu bình an cho Năm Mới. Ngày mồng 2 Tết, toàn thể người Công giáo Việt Nam sẽ trang trọng tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho Ông bà tổ tiên, và Ngày Mồng 3 Tết, các linh mục sẽ cử hành Thánh lễ đặc biệt để Thánh hóa Công ăn việc làm cho các giáo dân trong toàn đất nước. 

Ở Hà Nội, Đức Tổng Giám Mục là người sẽ chủ sự Thánh lễ Chào Năm mới tại Thánh đường Nhà Thờ Chính tòa Hà Nội để cầu bình an cho Năm mới. Giao dân tham dự thánh lễ sáng tại các nhà thờ trong thời khắc này đều được lì xì và đón nhận lộc Xuân là lời Chúa được trích từ các câu nói ý nghĩa trong Kinh Thánh trao cho mỗi người tự suy ngẫm về thông điệp Thiên Chúa ban riêng.  

Ngoài ra, Đức Tổng Giám mục cũng sẽ cử hành Thánh lễ đồng tế vào Ngày mồng 3 Tết tại Nhà thờ giáo xứ được lựa chọn để giáo dân có cơ hội hành hương từ khắp nơi về tham dự để cầu xin mọi ơn lành cho công ăn việc làm trong Năm mới được thuận lợi, thành công. 

Gìn giữ những nét văn hóa truyền thống đẹp trong phong tục du Xuân

Việt Nam vừa trải qua một thời gian "ảm đạm" bởi tác động và ảnh hưởng của dịch COVID-19, có lẽ năm 2023 này, đã mở sang một trang mới cho nhịp sống văn hóa diễn ra tưng bừng trở lại. Để những lễ hội được diễn ra trang trọng, tưng bừng, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, thuận lợi, cần nhiều nỗ lực từ các thành phần tham gia chuẩn bị tổ chức lễ hội. 

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý về Văn hóa Cơ sở đã làm việc với một số địa phương có hoạt động lễ hội để có những biện pháp, kế hoạch phương án kịch bản để tổ chức sao cho tốt nhất. Các địa phương có nhiều hoạt động lễ hội như Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình… đều phải cùng nhau vào cuộc chuẩn bị các khâu xử lý, đề phòng, bảo đảm an toàn cho các Lễ hội Mùa Xuân được diễn ra an toàn, ý nghĩa. 

Lễ hội mùa Xuân là nét văn hóa truyền thống lâu đời của Việt Nam, đặc biệt là các vùng đất có nhiều truyền thống. Đây cũng là phần cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy để mỗi người dân các thế hệ người Việt Nam đều có thể được trải nghiệm, lưu truyền từ thế hệ này tới thế hệ khác những nét đẹp và tục lệ tốt đẹp ấy trong những ngày đầu Năm mới...

Được biết, năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2139/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, để thu thập các thông tin cơ bản nhằm rà soát, đánh giá thực trạng lễ hội ở nước ta, phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Việt Nam.

Giai đoạn I từ 2021 - 2022, cơ quan chức năng tiến hành điều tra, thống kê các loại hình lễ hội tại Việt Nam; đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam; số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội truyền thống.

Giai đoạn II từ 2023 - 2025, các bên liên quan sẽ tiến hành số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài; hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và Cổng thông tin về Lễ hội Việt Nam; đào tạo tập huấn khai thác sử dụng phần mềm; duy trì, vận hành. Mục tiêu cụ thể của Đề án nhằm số hóa 100% dữ liệu các loại hình lễ hội truyền thống…

Trước đó, vào tháng 12/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành công văn số 5256/ BVHTTDL-VP về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch mừng Xuân Quý Mão 2023. Công văn nêu rõ: địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui Xuân, kỷ niệm ngày truyền thống... thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.

Việc tổ chức lễ hội truyền thống phải theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển. Mặt khác, các đơn vị chức năng cần phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội, di tích; vận động, thuyết phục người dân, du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội…


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/mua-du-xuan-quy-mao-2023-du-xuan-le-hoi-net-truyen-thong-tot-dep-cua-nguoi-viet-nam-179230124135842498.htm