MSB hái "quả ngọt" từ quá trình chuyển đổi số

11:46 - 25/10/2023

Kết thúc 9 tháng năm 2023, MSB tự tin công bố kết quả hoàn thành 83% kế hoạch năm, đây là một trong những "quả ngọt" từ quá trình số hóa mà ngân hàng đã quyết tâm theo đuổi từ trước. Với bước tiến này, MSB tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2023.

Chuyển đổi số giúp 9 tháng năm 2023, MSB hoàn thành 83% kế hoạch

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng 2023 của MSB cho biết, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng đạt 9.567 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.800 tỷ đồng, tăng 9% so với 9 tháng đầu năm trước. 

MSB hái "quả ngọt" từ quá trình chuyển đổi số  - Ảnh 1.

Lợi nhuận hợp nhất trước thuế lũy kế 9 tháng của MSB đạt 5.223 tỷ đồng.

Đẩy mạnh nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng nhằm bù đắp các tác động của thị trường lên tín dụng, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập đạt gần 29%, tăng hơn 6% so với cùng kỳ. 

Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.315 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ 2022, trong đó doanh thu từ dịch vụ thanh toán chiếm tỷ trọng 43% trong tổng doanh thu phí dịch vụ. 

Đây là "quả ngọt" từ quá trình chuyển đổi số của MSB trong gia tăng trải nghiệm khách hàng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt gần 1.031 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục phát huy vị thế tiên phong của MSB trong mảng này.

Nhờ doanh thu tăng cao hơn mức tăng 8% của chi phí hoạt động, tính đến 30/9, tỉ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ghi nhận 31,6%, thấp hơn mức 34,8% cùng kỳ năm ngoái, thể hiện hiệu quả của quy trình số hóa cũng như cách thức quản trị chi phí. Dựa trên chiến lược điều phối nhịp nhàng giữa quản lý chi phí và gia tăng hiệu quả sinh lời, lợi nhuận hợp nhất trước thuế lũy kế 9 tháng của MSB đạt 5.223 tỷ đồng, tương đương đạt 83% kế hoạch năm.

Bảng cân đối tài sản MSB lành mạnh, chất lượng tài sản tốt

Tổng tài sản tại ngày 30/9 của ngân hàng đạt trên 249.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng khách hàng đạt gần 141.244 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng trung bình ngành và tập trung vào những lĩnh vực ít biến động như thương mại công nghiệp nhẹ, hàng tiêu dùng. Tiền gửi khách hàng đạt 129.618 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm trước. Tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi (CASA) đạt 27,71%, đánh dấu sự hồi phục sau 2 quý nghịch chiều, do biến động lãi suất huy động cùng việc triển khai hiệu quả các sản phẩm có hàm lượng số hóa cao, phù hợp thị hiếu khách hàng. 

MSB hái "quả ngọt" từ quá trình chuyển đổi số  - Ảnh 2.

MSB hái "quả ngọt" từ quá trình chuyển đổi số.

Trong quý 3/2023, hưởng ứng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, MSB đã 3 lần hạ lãi suất cho khách hàng vay vốn. Dù điều này tác động trực tiếp tới biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng, MSB vẫn giữ chỉ số này đạt 4,11%, chỉ giảm nhẹ so với năm 2022.

Kết thúc quý 3, tỉ lệ nợ xấu NPL riêng lẻ giữ mức 1,7% trước CIC và 1,96% sau CIC (theo thông tư 02 NHNN), thể hiện sự nỗ lực của ngân hàng trong việc kiểm soát nợ xấu để củng cố sức mạnh bảng cân đối trước tác động của thị trường.

Bên cạnh đó, về các vấn đề vốn và thanh khoản, MSB cũng đạt những kết quả tích cực. Ngân hàng duy trì thanh khoản dồi dào với tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) đạt 68,6%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (MTLT) đạt 29,18%, thấp hơn nhiều so với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Khẳng định vị thế vốn vững chắc và hiệu quả, chỉ số an toàn vốn hợp nhất (CAR) của MSB giữ vững ở mức 12,6%.

MSB bám sát chiến lược phát triển bền vững

Dự án Nhà máy số (Digital Factory - DF) được coi là yếu tố cốt lõi trong định hướng phát triển bền vững của MSB. Tác động trực tiếp vào 3 quá trình: tiếp cận khách hàng, phê duyệt và sau phê duyệt, DF đã triển khai nhiều hành trình khách hàng (Customer journey – CJ) được số hóa gần như tuyệt đối, giúp nâng cao trải nghiệm người dùng, đồng thời giảm thiểu giấy tờ, thủ tục, tiết kiệm nhiên liệu phát sinh từ quy trình nội bộ. 

Theo đó, khách hàng có thể vay mua nhà, vay kinh doanh, vay tín chấp thông qua ứng dụng MSB mBank hoặc website vay vốn. Quá trình đăng ký biểu mẫu được thực hiện online, tiết kiệm thời gian và công sức cho người trải nghiệm. Quy trình phê duyệt và giải ngân cũng được rút ngắn tối đa dựa trên nền tảng công nghệ, cho phép khách hàng tiếp cận khoản vay nhanh hơn nhiều lần so với quy trình truyền thống. 

Tính trên thang điểm 100 của CSAT (mức độ hài lòng), khách hàng đánh giá các CJ của MSB ở mức trên 80 điểm. Về khía cạnh nội bộ, lượng giấy tờ phát sinh từ quá trình vận hành cũng giảm thiểu đáng kể. MSB đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, tỉ lệ paperless (văn phòng không giấy) đạt 50% và đã sớm đạt được trước thời hạn. Đến năm 2024, tỉ lệ này sẽ nâng lên 70%.

Bên cạnh đó, với cam kết cao với định hướng phát triển bền vững, MSB đã hợp tác với Bộ Tài nguyên & Môi trường và nhận tư vấn hỗ trợ trong các vấn đề như quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; chống biến đổi khí hậu, kết nối các dự án xanh tiềm năng; hoàn thiện quy định nội bộ về quản lý rủi ro Môi trường – Xã hội theo chuẩn quốc tế; các hoạt động khác về việc tham gia các hội thảo trong lĩnh vực liên quan. 

Được biết, vừa qua, Cục Biến đổi khí hậu (thuộc Bộ TNMT) và MSB đã phối hợp tổ chức hội thảo, hai bên trao đổi các quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thị trường cac-bon và thích ứng biến đổi khí hậu cũng như kinh nghiệm thực tiễn trong thẩm định dự án vay vốn đạt tiêu chuẩn "xanh"... Đây là nền tảng để MSB tuân thủ và bám sát thực hiện, đồng thời hỗ trợ ngân hàng hoàn thiện việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững trong thời gian sớm nhất.

MSB với các quy trình được số hóa để phát triển bền vững trong tương lai

Liên quan tới hoạt động tín dụng, MSB đã đưa quy trình quản lý rủi ro môi trường - xã hội lồng ghép trong quy trình thẩm định và phê duyệt tín dụng kể từ ngày 1/6/2023. Ngân hàng cũng thực hiện giải ngân 5.394 tỷ đồng cho hạng mục tín dụng xanh và tiếp cận, hỗ trợ 81 khách hàng có dự án, khoản vay thỏa mãn tiêu chí phát triển bền vững, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hạng mục kinh tế xanh khác. 

Gần đây, MSB sau khi nhận 30 triệu USD nguồn vốn tài chính xanh từ tổ chức Proparco, ngân hàng đã hợp tác cùng Tập đoàn tư vấn IBIS (Interactive Business Inclusion Solution – Mỹ) để hoàn thiện, cập nhật các quy chuẩn quản trị rủi ro môi trường xã hội sử dụng nội bộ nhằm đảm bảo thích hợp với các xu thế, tiêu chí quản trị quốc tế. 

Đây là minh chứng cho những nỗ lực của MSB trong quá trình chuyển đổi theo xu thế kinh tế xanh, đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình đưa phát thải ròng về 0 tới năm 2050.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/msb-hai-qua-ngot-tu-qua-trinh-chuyen-doi-so-179231025110400764.htm