Mở tài khoản ngân hàng được không nếu chứng minh nhân dân bị mờ?
Hiện nay, để mở tài khoản ngân hàng, khách hàng cần mang theo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân còn thời hạn sử dụng. Vậy trường hợp chứng minh nhân dân của công dân bị mờ thì ngân hàng có cấp tài khoản ngân hàng hay không?
Công dân làm thủ tục đổi chứng minh nhân dân mờ, cũ, hỏng, hết hạn sử dụng trước khi mở tài khoản ngân hàng
Khoản 7 Điều 1 Thông tư số 02/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, có quy định về hồ sơ mở tài khoản ngân hàng như sau:
"1. Đối với tài khoản thanh toán của cá nhân:
a) Giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán lập theo mẫu của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản và phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này;
b) Thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi), thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh (đối với cá nhân là người nước ngoài) của chủ tài khoản;
c) Trường hợp cá nhân mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật thì ngoài các giấy tờ nêu tại điểm a và b khoản 1 Điều này, hồ sơ mở tài khoản thanh toán phải có thêm thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người giám hộ, người đại diện theo pháp luật và các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp của người đó đối với chủ tài khoản".
Ngoài ra, căn cứ Điều 5 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP về chứng minh nhân dân, những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi chứng minh nhân dân:
- Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;
- Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;
- Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;
- Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Thay đổi đặc điểm nhận dạng.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, cá nhân đủ 14 tuổi khi mở tài khoản ngân hàng phải có thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân còn thời hạn. Hiện pháp luật không có quy định cụ thể chứng minh nhân dân hay căn cước công dân như thế nào mới được mở tài khoản tại các ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu chứng minh nhân dân bị mờ số và không đảm bảo tính bảo mật cũng như sự chính xác thì ngân hàng có quyền từ chối. Bởi bị mờ số trên chứng minh nhân dân có thể được xem là trường hợp chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được.
Trong trường hợp này, người có nhu cầu mở tài khoản ngân hàng cần phải làm thủ tục đổi lại chứng minh nhân dân, sau đó mới tiến hành làm hồ sơ mở tài khoản ngân hàng. Nếu trường hợp cần mở tài khoản ngân hàng gấp thì có thể sử dụng hộ chiếu (nếu có).
Mức thu lệ phí làm căn cước công dân gắn chip từ ngày 1/7/2022 trở đi được quy định như sau:
- Chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ căn cước công dân là 30.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
- Đổi thẻ căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
- Cấp lại thẻ căn cước công dân khi bị mất thẻ căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, công dân đã đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi nếu đang sử dụng chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân cũ thì bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip nếu đã hết thời hạn sử dụng 15 năm đối với chứng minh nhân dân.
Theo khuyến cáo của Bộ Công an, thẻ căn cước công dân gắn chip có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm. Do đó, việc sử dụng căn cước công dân gắn chip sẽ thuận lợi hơn trong các giao dịch hành chính của công dân cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/mo-tai-khoan-ngan-hang-duoc-khong-neu-chung-minh-nhan-dan-bi-mo-179240109165332638.htm