Lý do tỷ lệ học sinh Mỹ tham gia chương trình giáo dục đặc biệt cao kỷ lục
Chương trình giáo dục thường xuyên thiếu linh hoạt, học sinh bị khuyết tật học tập tăng và việc phát hiện, nhận thức của phụ huynh về tình trạng sức khỏe của con mình là những lý do khiến số lượng học sinh Mỹ tham gia chương trình giáo dục đặc biệt cao kỷ lục.
Nhu cầu tham gia chương trình giáo dục đặc biệt của học sinh Mỹ tăng
Trong 4 thập kỷ qua, số lượng học sinh theo học chương trình giáo dục đặc biệt ở Mỹ đã tăng gấp đôi. Điều này kéo theo các trường học cần phải chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ đặc biệt cho bộ phận học sinh ngày càng tăng của họ.
Vào năm học 1976-1977 - năm học đầu tiên Bộ Giáo dục Mỹ thu thập dữ liệu này sau khi Đạo luật Giáo dục người khuyết tật được thông qua vào năm 1975 thì số lượng học sinh trong chương trình giáo dục đặc biệt chiếm 8% tổng số học sinh.
Theo Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia, năm học 2021-2022, gần 7,3 triệu học sinh Mỹ (chiếm 14,7% tổng số học sinh các trường công lập) cần các dịch vụ giáo dục đặc biệt.
Con số này đã đánh dấu tỷ lệ học sinh theo học chương trình giáo dục đặc biệt cao ở mức kỷ lục kể từ khi Đạo luật Giáo dục người khuyết tật quy định phải đảm bảo tất cả học sinh khuyết tật có quyền được hưởng nền giáo dục công phù hợp, miễn phí.
Theo Đạo luật Giáo dục Người khuyết tật, mọi học sinh trong chương trình giáo dục đặc biệt phải được phục vụ bởi một chương trình Giáo dục cá nhân, còn được gọi là IEP.
Trong đó, nhà trường và phụ huynh cần hợp tác để phát triển IEP nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục riêng của mỗi học sinh. Có thể có hàng tá lý do khiến học sinh cần IEP, bao gồm tình trạng sức khỏe thể chất hoặc tinh thần, khuyết tật học tập và chậm phát triển.
Chương trình Giáo dục cá nhân (IEP) là chương trình giáo dục dành cho học sinh khuyết tật ở độ tuổi từ 3-22. Chương trình giáo dục này phải được cung cấp cho học sinh trong môi trường ít hạn chế nhất có thể. Điều đó có nghĩa là, trong phạm vi cho phép, học sinh mắc khuyết tật phải được giáo dục cùng với trẻ không mắc khuyết tật. Ngoài ra, những học sinh này cũng được cung cấp mọi dịch vụ bổ sung (như trị liệu giọng nói hoặc trị liệu nghề nghiệp) cần thiết để đạt kết quả tốt tốt nhất từ chương trình giáo dục của mình.
Số lượng học sinh tham gia chương trình giáo dục đặc biệt tăng không phải là một điều tiêu cực?
Theo các chuyên gia, việc tăng tỷ lệ học sinh tham gia IEP không hẳn là một điều xấu. Bà Tessie Bailey, chuyên gia tư vấn chính của IEP cho rằng, một lý do tích cực khiến học sinh tham gia IEP ngày càng gia tăng là các nhà giáo dục đã trở nên giỏi hơn trong việc xác định khi nào học sinh cần các dịch vụ đặc biệt.
Cụ thể, khả năng nhận biết và chẩn đoán của giáo viên về việc học sinh của mình mắc phải các tình trạng phổ biến như: rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý đã nhạy bén và chính xác hơn.
Đồng thời, sự kỳ thị đối với những bậc phụ huynh tìm kiếm các dịch vụ đặc biệt cho con mình cũng đã giảm đi.
"Nếu như trước đây, học sinh khuyết tật có thể bỏ học vì không được hỗ trợ, thì giờ đây họ đã được can thiệp sớm. Bởi trách nhiệm lớn hơn đang làm cho các trường học nhận thức được rằng trẻ em đang gặp khó khăn", bà Bailey nói.
Lý do học sinh Mỹ tham gia chương trình giáo dục đặc biệt ngày càng nhiều:
1. Chương trình giáo dục thường xuyên thiếu linh hoạt, quá chú trọng vào học thuật
Theo bà Bailey, chương trình giáo dục thường xuyên đã tập trung quá mức vào vấn đề học thuật, trong khi các kỹ năng xã hội và kỹ năng mềm - những kỹ năng cần thiết để học sinh có thể tham gia vào các hoạt động ở trường lại không được chú trọng đào tạo.
Do đó, việc không đáp ứng về nhu cầu tình cảm xã hội của học sinh có thể làm gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Mặt khác, theo Doug Fuchs - Giáo sư Tâm lý và Giáo dục đặc biệt tại Đại học Vanderbilt, tỷ lệ học sinh cần giáo dục đặc biệt ngày càng tăng là tín hiệu cho thấy chương trình giáo dục phổ thông đã trở nên ít phù hợp hơn để đáp ứng nhu cầu học tập của một bộ phận học sinh ngày càng tăng ở Mỹ.
Theo đó, tiêu chuẩn để học sinh có thể đạt được thành tích trong học tập hiện khó hơn so với 2-3 thập kỷ trước. Trong khi đó, các nguồn lực và cơ chế hỗ trợ để họ nâng cao kết quả lại không tăng lên tương ứng. Vậy nên nhiều học sinh phải tìm kiếm sự hướng dẫn chuyên biệt.
2. Nhiều học sinh Mỹ mắc bệnh tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý
Tự kỷ là một trong 13 loại khuyết tật mà học sinh có thể tham gia chương trình IEP. Trong năm học 2021-20222, học sinh mắc tự kỷ chiếm hơn 12% tổng số học sinh tham gia IEP.
Tuy nhiên trước đó, theo Đạo luật Giáo dục người khuyết tật, chứng tự kỷ không được cho là khuyết tật. Cho đến năm 1990 - khi tự kỷ được thêm vào danh mục khuyết tật thì số lượng học sinh mắc chứng tự kỷ tham gia IEP đã tăng đều đặn.
Cụ thể, năm học 2021-2022, có khoảng 882.000 học sinh tham gia IEP vì rối loạn phổ tự kỷ, tăng từ khoảng 93.000 học sinh trong năm 2001-2002.
"Trước năm 1990, những học sinh có dị tật thần kinh sẽ không đủ điều kiện tham gia IEP, nhưng bây giờ họ đã làm được", Bailey cho biết.
Ngoài ra, mặc dù rối loạn tăng động giảm chú ý không có danh mục riêng nhưng học sinh được chẩn đoán mắc chứng này thuộc danh mục "suy giảm sức khỏe khác" nên vẫn có thể tham gia IEP.
Bên cạnh đó, chuyên gia tư vấn Bailey cũng cho rằng, chẩn đoán y tế và nhận thức của phụ huynh về tình trạng sức khỏe của con cái đã tăng lên trong những năm qua và giúp học sinh được can thiệp sớm.
3. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật đã giảm
Theo bà Bailey và Giáo sư Fuchs, trong vài thập kỷ qua, sự kỳ thị của xã hội đối với người khuyết tật đã giảm bớt. Các bậc cha mẹ giờ đây có nhiều khả năng phát hiện và thừa nhận rằng, con họ có thể gặp khó khăn ở trường. Sau đó họ sẵn sàng tìm kiếm IEP để giúp con được hưởng sự giáo dục chuyên biệt.
Chuyên gia tư vấn IEP nói: "Trong một thời gian dài, các bậc cha mẹ từng rất miễn cưỡng khi xác định rằng, con họ đang gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần. Họ không sẵn sàng thừa nhận con mình có dị tật thần kinh và cảm thấy cho con tham gia IEP là một điều tiêu cực. Nhưng hiện nay, nhận thức của phụ huynh đã thay đổi rất nhiều".
Đồng thời, Giáo sư Fuchs cũng cho biết, việc nâng cao nhận thức và giảm bớt sự kỳ thị đã thúc đẩy phụ huynh tìm kiếm sự giúp đỡ khi con mình mắc phải những chứng như: khuyết tật học tập, rối loạn hành vi cũng như khiếm khuyết về khả năng nói và ngôn ngữ.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ly-do-ty-le-hoc-sinh-my-tham-gia-chuong-trinh-giao-duc-dac-biet-cao-ky-luc-179231018133414967.htm