Lý do giới trẻ Trung Quốc quay lưng với việc học Thạc sĩ
Nhận thấy giá trị của tấm bằng Thạc sĩ không còn có giá trị do tỷ lệ thạc sĩ có việc làm ngày càng thấp, nhiều sinh viên Trung Quốc đã từ bỏ giấc mơ học cao học để tìm kiếm việc làm trong khu vực công.
Thi công chức là lối thoát cho "thế hệ thất nghiệp" ở Trung Quốc?
Mindy Li, sinh viên năm thứ hai tại một trường đại học ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, đã từ bỏ ý định học Thạc sĩ sau khi sẽ tốt nghiệp đại học bất chấp sự thúc giục liên tục của cố vấn học tập. Cô không thấy có lợi ích gì nhiều khi học lên cao học.
Học chuyên ngành Văn học Trung Quốc - một môn học có rất ít cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp trong thời kỳ hiện nay, đặc biệt khi nền kinh tế đang phục hồi một cách chậm chạp, Li đã bắt đầu nghĩ rằng lối thoát duy nhất của mình là thi công chức.
Li nói: "Ngày nay có quá nhiều người sở hữu bằng Thạc sĩ khiến tấm bằng này không còn có giá trị như trước đây. Mất 3 năm nữa ở trường để làm gì khi cuối cùng tôi vẫn phải tham gia kỳ thi công chức?".
Thay vì tiếp tục học lên cao học - một mục tiêu từng được coi là sẽ giúp sinh viên mở rộng cơ hội việc làm thì nhiều người như Li đang quay lưng lại với kỳ thi tuyển sinh sau đại học khắc nghiệt của Trung Quốc do cảm thấy bằng Thạc sĩ không còn nhiều giá trị.
Trong thời điểm hiện nay, hầu hết sinh viên Trung Quốc đều mong muốn có được việc làm trong cơ quan nhà nước để bảo đảm được sự ổn định. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, sau 8 năm tăng liên tiếp, số lượng thí sinh đăng ký kỳ thi sau đại học năm nay đã giảm 360.000 người. Mặc dù tổng số vẫn ở mức cao là 4,38 triệu, nhưng con số này đã giảm 7,6% so với năm ngoái.
Trong khi đó, vào tháng 11, Trung Quốc đã lập kỷ lục khi có tới 2,25 triệu người đã tham dự kỳ thi công chức quốc gia với 39.600 vị trí tuyển dụng tại các cơ quan chính phủ trung ương và các tổ chức trực thuộc. Tỷ lệ cạnh tranh là cứ 57 người nộp đơn thì chỉ có 1 người sẽ trúng tuyển.
Theo Cục Quản lý Dịch vụ Dân sự Quốc gia Trung Quốc, mặc dù mức lương tương đối thấp nhưng việc làm trong các bộ, ban, ngành chính phủ rất được coi trọng. Thế hệ trước gọi đó là "bát cơm sắt" vì tính ổn định và chế độ phúc lợi đầy đủ.
Khi các công ty nước ngoài rút lui và các doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế phục hồi hậu COVID-19, việc có một công việc phù hợp trong khu vực tư nhân cũng trở thành một thách thức đối với những sinh viên mới tốt nghiệp.
Chính quyền Trung Quốc đã tạm dừng công bố số liệu thất nghiệp của thanh niên vào tháng 7 sau khi số liệu này phá kỷ lục trong những tháng trước. Trước đó, hồi tháng 6, báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đối với những người trong độ tuổi từ 16-24 lên tới 21,3%, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu công bố dữ liệu vào năm 2018.
Sinh viên Trung Quốc quay lưng với việc học Thạc sĩ
Chen Zhiwen, một nhà nghiên cứu giáo dục và là thành viên của Hiệp hội Chiến lược Phát triển Giáo dục Trung Quốc, cho biết số lượng ứng viên đăng ký học sau đại học ngày càng thu hẹp cho thấy giới trẻ Trung Quốc đang trở nên lý trí hơn khi họ nhận ra rằng, bằng Thạc sĩ không còn có thể đảm bảo cho họ một công việc tốt hơn.
Đề cập đến các bản tin đầu năm nay về việc những người có bằng Thạc sĩ được thuê làm quản lý ký túc xá và giám sát việc phân loại rác, ông Zhiwen nói: "Đây có thể là những trường hợp cực đoan khiến mọi người hạ thấp kỳ vọng vào giá trị của việc nghiên cứu sau đại học".
"Học phí của các trường đại học ở Trung Quốc hầu hết có giá cả phải chăng, thậm chí còn rẻ hơn so với trường mẫu giáo. Nhưng học phí cho các chương trình sau đại học, đặc biệt là các chương trình cấp bằng chuyên nghiệp đòi hỏi số tiền khá lớn", nhà nghiên cứu giáo dục Zhiwen lưu ý.
Tuyển sinh giáo dục đại học của Trung Quốc đã tăng vọt kể từ cuối những năm 1990. Trong khi số lượng sinh viên đại học tăng gần gấp 3 lần giai đoạn từ năm 2000-2022, thì số sinh viên trúng tuyển kỳ thi sau đại học lại tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ, đạt mức 1,24 triệu vào năm ngoái.
Rose Ni, người đã hoàn thành chương trình học đại học vào năm 2021 và hiện đang làm việc tại một cơ quan chính phủ ở Cám Châu, một thành phố phía Đông tỉnh Giang Tây, cho biết việc giành được một vị trí trong một cơ quan cấp thành phố đã đưa cô lên trên nhiều đồng nghiệp với những thành tích ấn tượng hơn.
Ni học chuyên ngành Luật và hiện đang xử lý các vấn đề pháp lý cơ bản, cho biết: "Theo những gì tôi biết, có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp Thạc sĩ đã đảm nhận các vị trí tại các tổ chức chính quyền cấp huyện hoặc thị trấn".
Cô có tham vọng trở thành một luật sư, điều này đòi hỏi phải học thêm, nhưng điều đó có nghĩa là cô sẽ phải từ bỏ vị trí được nhiều người săn đón của mình. Dù đã nộp đơn đăng ký tham gia kỳ thi sau đại học vào cuối tháng này nhưng Ni vẫn đang phân vân không biết có nên tham dự hay không.
"Tôi không cần lo lắng bị sa thải hay phải đấu tranh để đạt được thành tích khi làm việc trong chính phủ, trong khi các bạn cùng lớp làm việc ở công ty luật có áp lực công việc lớn hơn nhiều mà vẫn chưa ổn định", cô nói.
Li Feng, một giáo viên 26 tuổi ở tỉnh Sơn Đông, cho biết anh đã tham gia kỳ thi công chức được 5 năm kể từ năm 2018 và vừa kết thúc kỳ thi công chức vào tháng trước.
"Tôi từng ứng tuyển vào một vị trí có hàng trăm đối thủ cạnh tranh, về cơ bản đây là một trò chơi không thể giành chiến thắng. Năm nay, tôi đã đăng ký thi vào vị trí có chỉ tiêu 11 người. Việc vượt qua kỳ thi sẽ ngày càng khó khăn hơn khi tình hình kinh tế thay đổi", anh nói.
Theo Giám đốc Xiong Bingqi của Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 có trụ sở tại Bắc Kinh: "Khu vực tư nhân cung cấp ít việc làm là do hoạt động kém hiệu quả và sự rút lui của các công ty nước ngoài".
Ông Xiong Bingqi cảnh báo rằng, nếu các doanh nghiệp tư nhân không phát triển và Trung Quốc ngừng mở cửa với thế giới bên ngoài thì việc làm của sinh viên sẽ ngày càng khó khăn trong tương lai.
"Nếu không phát triển khu vực tư nhân, làm sao trả lương cho công chức khi mọi người đổ xô làm việc trong chính phủ và sống bằng tiền công?", Giám đốc Xiong nói.
Việc tiếp tục học lên cao học đã được chứng minh là một cách để giảm bớt gánh nặng thất nghiệp cho thanh niên và tỷ lệ người có bằng Thạc sĩ vẫn là tiêu chí hàng đầu để đánh giá chất lượng đại học.
Ông Xiong lưu ý rằng, mặc dù số lượng người nộp đơn học cao học giảm vừa phải nhưng con số này vẫn ở mức khá cao.
"Vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử về bằng cấp là một lời nhắc nhở rằng chúng ta cần khẩn trương chuyển đổi từ một xã hội định hướng bằng cấp sang một xã hội dựa trên kỹ năng", ông Xiong nói thêm.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ly-do-gioi-tre-trung-quoc-quay-lung-voi-viec-hoc-thac-si-179231224191125835.htm