Lưu ý khi trẻ ở nhà một mình và 7 kỹ năng sinh tồn cần nhớ khi xảy ra cháy nổ
Trẻ nhỏ ở nhà một mình có thể xảy ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn như: hỏa hoạn, điện giật, va đập gây thương tích... Trong trường hợp buộc phải để con ở nhà một mình không có ai theo dõi, phụ huynh cần dạy trẻ 7 kỹ năng sinh tồn khi gặp sự cố cháy nổ và ghi nhớ những lưu ý quan trọng dưới đây.
Nguy cơ dẫn đến cháy nổ khi trẻ ở nhà một mình
Mùa hè là giai đoạn cao điểm xảy ra cháy, nổ. Đây cũng là thời điểm mà các em học sinh, trẻ nhỏ bắt đầu thời gian nghỉ hè tại nhà. Trong khi đó, vì người lớn bận đi làm nên nhiều gia đình buộc phải để trẻ ở nhà một mình tự quản, tự sinh hoạt mà không có ai trông nom, theo dõi.
Theo Công an thành phố Hà Nội, khi trẻ ở nhà, sự chủ quan của người lớn có thể khiến các em gặp nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn cháy nổ, thương tích. Đã có nhiều vụ cháy, vụ tai nạn do trẻ nhỏ gây ra, khi người lớn vắng nhà.
Trẻ em thường tò mò, bắt chước người lớn sử dụng ngọn lửa trần, nghịch các thiết bị điện gây cháy, hoặc đôi lúc do hiếu động nên trẻ còn tự làm bị thương mình để bị bỏng, chảy máu chân tay. Nghiêm trọng hơn, đã từng xảy ra rất nhiều vụ cháy làm chết người và gây thiệt hại lớn về tài sản. Quá trình điều tra, có những vụ việc nguyên nhân do người thân khóa trái cửa để trẻ trong nhà dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Lưu ý đối với phụ huynh khi để trẻ ở nhà một mình
Trong trường hợp buộc phải để con ở nhà một mình mà không có ai bên cạnh, phụ huynh cần đảm bảo:
Tuyệt đối không được khóa trái cửa nhốt trẻ ở nhà một mình với bất kỳ lý do nào. Cần đặt chìa khóa cửa chính tại một nơi quy định hoặc trong tầm tay của các em nhỏ khi đi ngủ để các em nhỏ có thể tìm được chìa khóa nhanh chóng và mở cửa trong trường hợp có hỏa hoạn hay các sự cố khác. Trường hợp có việc gấp hay cần phải ra ngoài trong thời gian ngắn, có thể nhờ người thân, hàng xóm trông chừng trẻ giúp, không nên khóa trái cửa.
Luôn chuẩn bị đồ ăn cho trẻ trước khi ra khỏi nhà, hạn chế hoặc không cho trẻ tự đun nấu và tiếp xúc với thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt để đề phòng nguy cơ hỏa hoạn và bị bỏng. Nhắc nhở trẻ tắt các thiết bị điện không cần thiết và trước khi đi ngủ.
Gọi điện về cho trẻ ít nhất 2 tiếng một lần, nhà có camera thì thường xuyên theo dõi trẻ qua camera.
Dặn trẻ tuyệt đối không ra hoặc chơi đùa khu vực ban công, khu vực có độ cao nguy hiểm.
Chủ động kiểm tra, khóa bình ga, tắt bình nóng lạnh, bếp điện đun nấu và các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. Dùng băng keo dán các ổ cắm điện mà trẻ dễ tiếp cận trong nhà. Dạy trẻ nhận biết các thiết bị điện và các vật gây nguy hiểm, đồng thời nghiêm cấm trẻ không được sờ vào.
Thường xuyên huấn luyện, chỉ dạy cho trẻ những kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố nguy hiểm, cháy nổ. Hướng dẫn con cách tự cầm máu và chuẩn bị sẵn băng, gạc…
Đồng thời chủ động tạo điều kiện cho trẻ nhỏ tham gia các lớp tập huấn rèn luyện kỹ năng sống, các lớp tập huấn, khóa đào tạo, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ do các đơn vị, cơ quan chức năng tổ chức.
Công an thành phố Hà Nội vừa ra mắt và đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục Cộng đồng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ từ đầu tháng 5/2024 (tại số 166 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội).
Tại đây, mọi người sẽ trải nghiệm, thực hành kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, tăng khả năng tự bảo vệ và sinh tồn khi gặp sự cố cháy, nổ, tai nạn, đuối nước,...
Tất cả các hoạt động tại Trung tâm hoàn toàn miễn phí. Phụ huynh có thể đưa con đến tham quan trải nghiệm thực tế để giáo dục trẻ thực hiện tốt kỹ năng phòng cháy, đảm bảo an toàn cho chính bản thân và gia đình.
7 kỹ năng sinh tồn cho trẻ khi có cháy nổ
Trong trường hợp trẻ ở nhà một mình, chẳng may xảy ra cháy, nổ, cha mẹ cần dạy trẻ phải bình tĩnh xử lý tình huống, nhanh chóng tìm sự giúp đỡ của người lớn và tìm cách thoát ra khỏi khu vực có đám cháy. Cụ thể, 7 kỹ năng cần phải dạy cho trẻ nhỏ khi gặp sự cố cháy nổ, như sau:
Kỹ năng 1: Khi ngửi thấy mùi khét, khói hoặc trông thấy lửa cháy phải chạy ngay ra vùng khói khí, hô hoán báo cho người lớn và gọi ngay cho lính cứu hỏa qua số điện thoại 114.
Kỹ năng 2: Nếu bị kẹt trong đám cháy có người lớn ở cạnh, phải bình tĩnh nghe theo sự chỉ dẫn của người lớn có mặt ở đó.
Kỹ năng 3: Ghi nhớ những lối có thể thoát ra ngoài khi có hỏa hoạn xảy ra. Cố gắng thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt. Tuyệt đối không chần chừ nán lại mang theo đồ hoặc nán lại gọi điện cho lính cứu hỏa trong khi đám cháy đang phát triển mạnh.
Kỹ năng 4: Nếu gia đình đang sống trong tòa nhà cao tầng hoặc khu chung cư, không bao giờ được di chuyển xuống dưới đất bằng thang máy vì khi đó thang máy có thể ngừng do ngắt điện khi có hỏa hoạn. Trường hợp ở gần tầng thượng hơn, hãy di chuyển lên tầng thượng thay vì di chuyển xuống dưới.
Kỹ năng 5: Để tránh bị ngạt vì khói, di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất, bịt khăn hoặc vải thấm nước lên miệng, mũi; hoặc khoác thêm một chiếc áo khoác được nhúng nước nếu có thể.
Kỹ năng 6: Khi tóc hoặc quần áo bị bén lửa, phải dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại hoặc lăn tròn để dập tắt lửa.
Kỹ năng 7: Nếu bị kẹt trong phòng không thể thoát ra ngoài, hãy lấy vải, khăn ướt bịt chặt các khe cửa không để khói vào, sau đó chui xuống gầm giường và nằm sát xuống sàn nhà. Bởi gầm giường là nơi đầu tiên những người lính cứu hỏa để mắt đến khi tìm kiếm những người còn kẹt lại trong một vụ hỏa hoạn.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/luu-y-khi-tre-o-nha-mot-minh-va-7-ky-nang-sinh-ton-can-nho-khi-xay-ra-chay-no-179240606115354348.htm