Lưu ý khi chăm sóc trẻ nhỏ trong những ngày trời rét đậm, rét hại
Thời tiết rét đậm, rét hại như hiện nay làm trẻ nhỏ dễ bị nhiễm lạnh nếu không được bố mẹ, người thân chăm sóc tốt.
Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ đang bước vào đợt rét hại nhất kể từ đầu mùa đông năm 2024. Nhiệt độ cập nhật lúc 6h sáng nay ngày 23/1 tại Hà Nội và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng là dưới 10 độ C. Trong điều kiện thời tiết như vậy, trẻ nhỏ dễ bị nhiễm lạnh nếu không được chăm sóc tốt.
Giữ ấm cơ thể cho trẻ khi ra ngoài trời hoặc khi đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế là điều vô cùng quan trọng. Đã có không ít trẻ, đặc biệt trẻ sơ sinh bị hạ thân nhiệt khi đến bệnh viện, khiến tình trạng của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc trẻ và đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế trong thời tiết lạnh giá, rét đậm, rét hại như hiện nay.
Chăm sóc trẻ sơ sinh trong những ngày trời rét đậm, rét hại
Trong những ngày trời rét đậm, rét hại, nhiệt độ môi trường xuống thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Theo Bệnh viện Nhi Trung Ương, do không có lượng mỡ cơ thể cần thiết để giữ ấm nên trẻ sơ sinh dễ bị hạ thân nhiệt với các biểu hiện như: da đỏ hoặc nhợt nhạt, lạnh toàn thân, phù cứng bì vùng lưng, chi; Thở nhanh nông giai đoạn đầu, sau thở không đều, ngừng thở; Nhịp tim chậm, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp; Trẻ ít cử động, lơ mơ, khóc yếu, bú kém; Có thể kèm hạ đường máu.
Theo các chuyên gia tại Trung tâm Sơ sinh-Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ sơ sinh dễ bị hạ thân nhiệt nhất và có nguy cơ tử vong khi ngủ trong phòng lạnh. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng nếu nhiệt độ quá ấm có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Chăm sóc trẻ lớn hơn trong những ngày trời rét đậm, rét hại
Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp, trẻ lớn hơn vẫn có thể ra ngoài trời được. Trẻ em trên một tuổi có thể an toàn chơi ngoài trời lạnh. Tuy nhiên, bố mẹ cần cho con mặc quần áo ấm, đội mũ, đeo găng tay, đi giày ấm và chỉ nên ở ngoài trời khoảng 20-30 phút mỗi lần. Nếu nhiệt độ dưới 5 độ C, không nên cho trẻ ra ngoài.
Đặc biệt, cần chú ý những dấu hiệu sớm của hạ thân nhiệt ở trẻ lớn như: run rẩy tay chân, mất phương hướng, nói lắp, da trắng hoặc xám tái…
Đề phòng nguy cơ hạ thân nhiệt ở trẻ em trong những ngày trời rét đậm, rét hại
Trong những ngày trời lạnh, đặc biệt là rét đậm, rét hại như hiện nay, đối tượng có nguy cơ hạ thân nhiệt nhất là:
Trẻ sinh non, đẻ ngạt
Trẻ có bệnh lý nhiễm trùng nặng.
Trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi
Trẻ được chăm sóc trong môi trường có nhiệt độ thấp, gió lùa, quần, áo, tã ướt không được thay thường xuyên. Trẻ được tắm lâu, tắm bằng nước lạnh.
Các biện phòng ngừa hạ thân nhiệt ở trẻ em trong những ngày trời rét đậm, rét hại
Để phòng ngừa hạ thân nhiệt ở trẻ em trong những ngày nhiệt độ xuống thấp như hiện nay, bố mẹ và người chăm sóc trẻ cần lưu ý:
Cho trẻ ăn đúng giờ, đủ bữa, đầy đủ chất dinh dưỡng.
Đặt giường của trẻ ở nơi ấm, không có gió lùa và trẻ cần được mặc ấm.
Tránh làm cho trẻ lạnh sau khi tắm hoặc trong quá trình thăm khám.
Thay tã, quần áo, giường ướt để giữ trẻ và giường luôn khô ráo. Đối với trẻ sơ sinh, có thể sử dụng phương pháp ủ ấm da kề da.
Lau khô trẻ sau khi tắm.
Sử dụng đèn sưởi cẩn thận, không sử dụng chai nước nóng hoặc đèn huỳnh quang.
Lưu ý khi đưa trẻ đi khám bệnh trong những ngày trời rét đậm, rét hại
Khi đưa trẻ đi khám bệnh tại các cơ sở y tế trong thời tiết lạnh giá, bố mẹ và người thân của trẻ nên dùng xe ô tô kín gió, có điều hòa (25-28°C). Cho trẻ mặc quần áo ấm phù hợp. Nếu trẻ dưới 2 tuổi, nên cho trẻ thường xuyên bú mẹ.
Nếu trẻ bị hạ thân nhiệt dưới 36°C hoặc thuộc đối tượng nguy cơ hạ nhiệt độ (sơ sinh, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ bệnh nặng), cần có xe vận chuyển cứu thương chuyên dụng có lồng ủ ấm, nhiệt độ trong lồng từ 35-36°C. Tiếp tục cho trẻ ăn qua ống thông dạ dày để cung cấp đủ năng lượng. Trường hợp trẻ cần duy trì truyền tĩnh mạch, dịch truyền cần được làm ấm trước khi sử dụng.
Trên đường vận chuyển, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cho trẻ (1 giờ/lần), thay quần, áo, tã bị ướt.
Diễn biến mới nhất của đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Hiện nay (23/1), không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Trên vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Ngày và đêm 23/1, không khí lạnh tăng cường mạnh sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6-7.
Khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An trời rét hại; khu vực Hà Tĩnh trời rét đậm, rét hại; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế trời rét, có nơi rét đậm.
Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 8-10 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 3-6 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ; khu vực Bắc Trung Bộ từ 9-11 độ; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế từ 13-16 độ.
Đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể kéo dài trong nhiều ngày tới. Trong đợt rét đậm, rét hại diện rộng này vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá.
Từ ngày 23-24/01, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/luu-y-khi-cham-soc-tre-nho-trong-nhung-ngay-troi-ret-dam-ret-hai-179240123143540561.htm