Lưu ý dành cho người chơi chim vành khuyên
Chim vành khuyên còn được gọi tắt là chim khuyên. Đây là giống chim cảnh đẹp, nhỏ nhắn, tiếng hót líu lo, được nuôi nhiều ở Việt Nam nhờ mầu lông đẹp và tiếng hót hay. Loài chim này khá khó nuôi và chăm sóc nhưng lại có sức hút người chơi chim một cách đặc biệt.
Một hội chơi chim vành khuyên ở Hà Nội. Ảnh: Thành Vinh
Tại Việt Nam chủ yếu có hai loài vành khuyên phổ biến là khuyên xanh phân bố tại các vùng phía bắc và khuyên vàng phân bố tại các vùng phía nam. Những người chơi chim vành khuyên yêu thích nuôi dưỡng dòng chim khuyên xanh do có tiếng hót hay, trong trẻo.
Đặc điểm của chim vành khuyên
Chim vành khuyên là loài chim nhỏ bé. Chiều dài cơ thể của chúng chỉ khoảng 10cm. Chim có bộ lông vàng hoặc xanh, bụng trắng đầu cánh và đuôi có mầu đen, đầu to tròn, đôi mắt đen đặc biệt xung quanh mắt của chúng có một vòng tròn màu trắng.
Loài chim này có thân hình nhỏ nhắn với đôi cánh thuôn tròn và chúng có đôi chân rất chắc khỏe .
Phân biệt chim vành khuyên trống mái
Chim vành khuyên trống có màu lông tươi hơn và đẹp hơn chim khuyên mái. Lông trên lưng có màu xanh tươi hơn và có ánh vàng ở đầu lông chim. Trong khi chim mái thì có màu lông xỉn hơn nên trông không được tươi tắn. Lông đuôi phía dưới và lông cổ ở chim khuyên trống có màu vàng tươi, trong khi ở chim mái lại có màu vàng nhạt gần giống màu nõn chuối.
Lông bụng phía dưới ở chim khuyên mái có màu trắng sáng như cục bông, trong khi chim khuyên mái lại có màu trắng hơi xỉn.
Dựa vào tiếng kêu chỉ có chim đực mới hót chuyện và líu, giọng điệu luyến láy trầm bổng như có nhạc điệu. Chim mái có tiếng kêu rè rè không biết hót chuyện và líu, tiếng kêu không có giai điệu.
Để lựa chọn một chú chim hay người chơi chim thường chọn các chú chim đực theo hình dáng, màu sắc đẹp, bắt mắt. Mỏ chim phải mỏng thì mỏ nhẹ, mỏ nhẹ thì sẽ dễ mở miệng ra hót. Tiếp đến mỏ phải đóng sâu vào mặt, càng sâu càng tốt. Nếu nhìn thẳng mặt con chim thì mỏ phải có độ mở, độ rộng hay còn là hàm rộng. Hầu phải nở. Có nghĩa là phần cổ họng phải to. Hầu nở trước hết là khi nhìn nó hót thì đẹp, thứ đến là con chim có hơi tốt, hầu thắt thường không đủ hơi.
Chọn chim mắt treo cao lên trán, có độ lồi, nếu được họa kép, vòng tròn trắng quanh mắt to rộng thì càng tốt. Ngực con chim phải có bộ ngực đầy đặn, nở nang, sáng mầu.
Chọn lưng chim nhìn nghiêng có độ cong. Chim lưng gù đuôi cụp là bộ chim quý. Những con chim như vậy hay cả trăm con. Trung bình giá của mỗi chú chim vành khuyên từ một trăm nghìn đến vài chục triệu đồng một con. Và giá của mỗi chú chim còn tùy thuộc vóc dáng, màu lông, điệu bộ và giọng hót của mỗi con.
Giống như các loài chim cảnh khác, chim khuyên khi mới bắt về nuôi cần phải treo lồng chim ở nơi yên tĩnh, ít người qua lại để chim làm quen với điều kiện nuôi nhốt. Ảnh: Thành Vinh
Thực hiện trùm áo lồng cho chim và mở to dần khe hở của áo lồng vào những thời gian tiếp theo tương ứng. Vào mùa hè nên thay nước uống cho chim 2 lần/ngày và tránh treo lồng chim ở nơi nắng gắt. Ngoài ra, người nuôi cũng cần đều đặn tắm cho chim vệ sinh lồng cóng đựng thức ăn, cầu đậu.
Nuôi chim vành khuyên qua các giai đoạn
Nuôi chim khuyên rụng lông: chú ý thời kì rụng lông vì lúc này chim rất yếu và ăn ít. Người nuôi cần có biện pháp tránh gió cho chim và cho chim ăn càng nhiều càng tốt, nhất là các loại hoa quả, chất đạm tươi như dế, châu chấu.
Nuôi chim khuyên mọc lông: thời kì này chim khuyên cần nhiều chất dinh dưỡng. Người nuôi cần tăng cường thêm các thức ăn như trứng, nhộng, hoa quả có màu sắc sặc sỡ để chim có màu lông đẹp hơn. Ngoài ra có thể bắt đầu cho chim tắm nắng.
Nuôi chim khuyên chưa căng lửa (khoảng 1 tháng sau khi mọc lông): đây là thời kì nuôi dễ nhất vì chim đang đạt trạng thái cân bằng. Tuy nhiên người nuôi cũng lưu ý tăng cường các thành phần có tính nóng trong cám như bột tép, đường, bột sâu, mật ong để chim có lửa.
Nuôi chim khuyên đang căng lửa: đây là thời kì khó nuôi nhất, người nuôi cần đặc biệt lưu ý đến chế độ dinh dưỡng của chim; đồng thời cũng không nên cho chim đi dãi dợt tại các câu lạc bộ chơi chim trên địa bàn. Tuần khoảng 3 lần dãi đều đặn sẽ làm cho chim có tính ganh đua với các chú chim khác, tạo ra sự bạo dạn cho mỗi chú chim.
Chim khuyên rất hay bị bệnh tiêu chảy, bệnh về chân, bệnh ký sinh trùng, tụ huyết trùng... Vì vậy người nuôi cần đặc biệt lưu ý để phòng ngừa và chữa trị cho chim kịp thời và đúng cách.
Nuôi chim vành khuyên mang lại nhưng phút giây thật thư giãn sảng khoái sau những thời gian làm việc căng thẳng. Thú chơi giản dị, tao nhã nhưng cũng khá kỳ công chăm dưỡng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/luu-y-danh-cho-nguoi-choi-chim-vanh-khuyen-179220520145049412.htm