Lương y 84 tuổi được trao Học bổng "Học không bao giờ cùng"
Trong 463 cá nhân tiêu biểu được xét trao Học bổng "Học không bao giờ cùng" lần thứ 4, có 290 học sinh và 173 người lớn. Nhỏ tuổi nhất là học sinh học lớp 1, lớn tuổi nhất có cụ ông 84 tuổi là lương y.
Tại Lễ trao Học bổng "Học không bao giờ cùng" lần thứ 4, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đã trình bày Báo cáo Kết quả xét Học bổng "Học không bao giờ cùng" lần thứ 4 của các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng.
Theo đó, lần trao học bổng thứ 4 có 463 cá nhân tiêu biểu được bình chọn từ địa phương và các cơ quan đơn vị của Trung ương. Trong đó, có 290 học sinh, sinh viên và 173 người lớn. Trong 173 người lớn có 88 nông dân và 77 công nhân, cán bộ, viên chức và 8 cán bộ thuộc lực lượng vũ trang.
Về độ tuổi, nhỏ tuổi nhất là em Phạm Thị Hoài An, học sinh học lớp 1 ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai và em Nguyễn Thanh Hằng, lớp 1 tỉnh Vĩnh Phúc. Lớn tuổi nhất là cụ Nguyễn Huy Kỳ, 84 tuổi (sinh năm 1940, tại thành phố Hà Nội).
Trong 290 học sinh, có 36 em là học sinh tiểu học, 147 em là học sinh trung học cơ sở, 52 em học sinh trung học phổ thông và 10 em sinh viên.
Một số gương học sinh điển hình cho tinh thần vượt khó, ý chí quyết tâm vươn lên trong học tập được trao Học bổng "Học không bao giờ cùng" lần thứ 4:
1. Em Giàng Nguyễn Khánh Sơn, dân tộc Mông, học sinh lớp 8A5, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, thành phố Sơn La. Khánh Sơn đã đạt nhiều thành tích trong học tập, giành nhiều giải cao của các kỳ thi trong nước và quốc tế.
Tính đến nay, em đã giành khoảng 60 chiếc huy chương từ các cuộc thi (30 Huy chương Vàng, 19 Huy chương Bạc, còn lại là Huy chương Đồng).
Đặc biệt, trong cuộc thi Olympic Intelligence Quotient FISO (IQ FISO), em đứng đầu danh sách các thí sinh đạt giải trên thế giới và em nhận được 150USD từ ban tổ chức.
Với những thành tích đã đạt được, Khánh Sơn vinh dự được nhận nhiều bằng khen của Hội đồng đội Trung ương, Bằng khen của Bộ trưởng Chủ nhiệm ủy ban dân tộc, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La…
2. Em Nguyễn Thành Văn, lớp 9A, Trường Tiểu học & Trung học cơ sở Đồng Tân, Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Thành Văn là học sinh khuyết tật, là học sinh giỏi toàn diện và đạt giải Nhất môn Hóa học cấp huyện, giải Ba môn Hóa học cấp tỉnh.
3. Em Nông Thị Thu Hà, là học sinh nghèo, sinh năm 2006, dân tộc Tày, ở thôn Khuổi Slẳng, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Em học lớp 12A1, Trường Trung học phổ thông Ba Bể. Gia đình em thuộc hộ nghèo nhưng 3 năm học (từ năm 2021-2024), Thu Hà đều đạt giải Ba và giải Khuyến khích môn Giáo dục công dân của tỉnh.
4. Em Nguyễn Mạnh Tuấn, học sinh nghèo, mồ côi bố, học lớp 12A0, Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thịnh, tỉnh Bắc Ninh. Mạnh Tuấn là học sinh giỏi toàn diện, năm học 2023-2024 em đạt giải Ba môn Toán học sinh giỏi cấp tỉnh.
5. Em Triệu Thị Hồng, sinh năm 2009, dân tộc Tày, học sinh lớp 9A, Trường Trung học cơ sở Pác Miầu, tỉnh Cao Bằng. Gia đình nghèo nhưng nhiều năm liền em đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Năm học 2022-2023, Hồng đạt giải Khuyến khích môn Địa lí cấp tỉnh, giải Khuyến khích Triển lãm Hội họa Thanh thiếu niên Trung quốc - Asean. Năm học 2023-2024, em đạt giải Ba môn Địa lí cấp tỉnh.
6. Em Phan Tà Khé, sinh năm 2010, dân tộc Dao, học sinh lớp 8A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tiên Nguyên, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Từ nhà đến trường đường sá đi lại khó khăn nhưng em đã cố gắng vượt khó học tập. Năm học 2023-2024, em đạt giải Nhì môn Khoa học tự nhiên kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện.
7. Em Hồ Nhật Hào, sinh năm 2010, là học sinh Lớp 8A1, Trường Trung học cơ sở Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
8. Em Nguyễn Thùy Anh, sinh năm 2012, học sinh Lớp 6A5, Trường Trung học cơ sở An Hưng, An Dương, thành phố Hải Phòng.
9. Em Đặng Hồng Hạnh, học sinh lớp 9, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cửu Long, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Bố em mất cách đây 2 năm, bản thân em bị bệnh hiểm nghèo, hiện trong thời gian điều trị nhưng em vẫn khắc phục khó khăn, vừa duy trì chữa bệnh, vừa quyết tâm học tập. Năm học vừa qua, Hồng Hạnh đạt giải Nhất môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
10. Em Bàng Thị Vương, sinh năm 2009, dân tộc Nùng, học sinh lớp Lớp 9A1, Trường Trung học cơ sở xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Gia đình thuộc hộ nghèo, một mình bố không có công ăn việc làm ổn định nuôi 4 anh chị em ăn học nhưng em đã có ý chí vươn lên đạt học sinh giỏi toàn diện. Em đạt giải Ba môn Văn kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện, giải Nhì môn Văn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2023-2024.
11. Em Giàng Cồ Quân, học sinh lớp 6, Trường Tiểu học & Trung học cơ sở Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Gia đình thuộc hộ nghèo, do điều kiện kinh tế khó khăn nên bố phải thường xuyên đi làm ăn xa, em sống cùng bác. Ở cấp tiểu học, Cồ Quân liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi, đạt giải Ba và giải Khuyến khích cuộc thi viết đúng, viết đẹp cấp huyện 3 năm liền.
12. Em Phan Hà Châu, sinh năm 2009, học sinh lớp 9A5, Trường Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ, tỉnh Nam Định. Bố mẹ em bị khuyết tật và được hưởng trợ cấp xã hội, gia đình thuộc diện hộ nghèo nhưng em đã cố gắng vươn lên trong học tập. Năm học 2022-2023, Hà Châu đạt giải Khuyến khích môn Ngữ văn 8 trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
13. Em Nguyễn Thị Ngọc Linh, học sinh lớp 9A, Trường Trung học cơ sở Văn Khúc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ngọc Linh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, em mồ côi bố mẹ. Hiện, em đang ở với ông nội gần 90 tuổi nhưng em đã có ý chí vươn lên trong học tập, đạt học sinh giỏi, đạo đức tốt. Năm học vừa qua, em đạt giải Ba môn Hóa học trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh.
14. Em Sài Khánh Toàn, sinh năm 2009, dân tộc Tày, học sinh lớp 9, Trường Tiểu học & Trung học cơ sở Bắc Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Em đã vượt qua khó khăn vươn lên trong học tập, là tấm gương sáng xứng đáng được nêu danh trong cộng đồng dân tộc Tày cũng như các bạn bè cùng trang lứa, nhiều năm liền em đều đạt học sinh giỏi.
Năm học 2022-2023, em đạt giải Khuyến khích Giao lưu tiếng Anh cấp thành phố. Năm học 2023-2024, đạt giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố, giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.
15. Em Nguyễn Quang Vinh, sinh năm 2010, dân tộc Sán Dìu, học sinh lớp 8A2, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Quang Vinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng em luôn nỗ lực cố gắng vươn lên trong học tập, từ lớp 6 đến nay luôn đạt học sinh giỏi và đạt nhiều giải trong các cuộc thi cấp tỉnh và toàn quốc.
16. Em Phạm Tùng Dương, học sinh Lớp 9, Trường Tiểu học & Trung học cơ sở Liễu Đô, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Em mắc bệnh hiểm nghèo, mẹ sức khỏe yếu, bố mẹ không có việc làm ổn định, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Em đã vươn lên khắc phục khó khăn, quyết tâm học tập nên các năm học từ lớp 6, 7, 8 em đều đạt học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt. Năm học 2023-2024, em đạt giải Ba môn Lịch sử thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Các tấm gương người lớn tiêu biểu trong học tập, học tập thường xuyên và đã vận dụng tốt kiến thức đã học vào sản xuất, kinh doanh được trao Học bổng "Học không bao giờ cùng" lần thứ 4:
1. Ông Nguyễn Huy Kỳ, 84 tuổi. Chủ tịch Hội Đông y phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Dù tuổi cao, sức yếu, là thương binh đi lại khó khăn nhưng ông rất ham học.
Ông đã nỗ lực học tập nhiều năm tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân, năm 2022 thi đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông khi đã 82 tuổi.
Không ngừng học tập nâng cao trình độ nghề nghiệp. Ông là lương y đa khoa. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông tiếp tục theo học chuyên khoa y sĩ Trung học Y dược Lê Hữu Trác, Hà Nội. Đồng thời, ông vẫn tiếp tục nghề lương y, đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Đông y phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
2. Anh hùng lao động Nguyễn Quang Mâu, sinh năm 1950, quê ở Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổ hợp Công ty cổ phần Gốm Đất Việt.
Ông là người thổi hồn, đưa Gốm Đất Việt trở thành Nhà sản xuất gạch ngói đất sét nung cao cấp số 1 Việt Nam, đồng thời ông đã không ngừng học tập, tìm tòi học hỏi góp phần thay đổi cách thức sản xuất gạch ngói Việt Nam đương đại.
Sau nhiều năm đi vào sản xuất, kinh doanh, sản phẩm Gốm Đất Việt đã có mặt tại 63 tỉnh, thành trong cả nước, xuất khẩu đến 51 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ông được Đảng và Nhà nước, các bộ ngành, các tổ chức xã hội và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao tặng hơn 70 giải thưởng, tổ chức Quốc tế tặng 43 giải thưởng với 6 kỷ lục thế giới, 35 kỷ lục Việt Nam, nhiều bằng sáng chế độc quyền, giải pháp hữu ích.
Năm 2020, ông đã vinh dự đón nhận danh hiệu Tiến sĩ danh dự của Viện Đại học Kỷ lục Thế giới.
Năm 2022 đã vinh dự đón nhận danh hiệu Giáo sư danh dự của Viện Đại học Kỷ lục Thế giới (World Records University - WRU) - Trực thuộc Liên minh Kỷ lục Thế giới (Worldkings) là một trong những người đầu tiên của Việt Nam vinh dự được đón nhận danh hiệu cao quý này.
Ông và tổ hợp công ty luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng, là mạnh thường quân hỗ trợ, trao học bổng cho nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
3. Ông Đỗ Mạnh Hùng, sinh năm 1993, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi nghiên cứu thông tin trên mạng xã hội, bản thân đã tìm hiểu về con hươu sao.
Năm 2023, ông bắt đầu đưa con hươu sao về tại gia đình nuôi. Đến nay đã có 20 hội viên tham gia hợp tác xã và cùng chăn nuôi hươu sao.
Ông tổ chức nhiều lớp tập huấn trong và ngoài tỉnh và tổ chức đi tham quan cho hội viên đi học hỏi thêm nhiều về kinh nghiệm nuôi hươu, tạo công ăn việc làm cho 20 hộ gia đình và có thu nhập ổn định từ việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi trâu, bò, lợn sang chăn nuôi con hươu.
Đến nay, hợp tác xã đã hoạt động khá ổn định, bước đầu đã đem lại nguồn thu nhập tốt. Tính đến hết tháng 12/2023 (trong vòng 6 tháng), hợp tác xã đã đem lại nguồn thu từ cắt nhung hươu là trên 500.000.000 đồng và dự kiến trong năm 2024 sẽ phát triển thêm mô hình nhân rộng con giống và tiến tới phấn đấu làm sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.
4. Ông Hoàng Văn Chinh, sinh năm 1955, dân tộc Tày, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
Sau khi xuất ngũ về địa phương, ông tiếp tục nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, đi tham quan học tập ở các địa phương khác, học tập cách chiết ghép, uốn cây tạo thế trong việc trồng, chăm sóc đào cảnh về áp dụng tại địa phương; đến nay đã xây dựng được mô hình sản xuất trồng đào cảnh với diện tích trên 6000m2; các loại cây ăn quả, vườn rau sạch chủ yếu sử dụng các loại chế phẩm sinh học an toàn phục vụ nhu cầu địa phương, thu nhập trên 300-400 triệu đồng/năm; tạo công ăn việc làm cho 10-15 lao động và đạt kết quả tốt.
5. Ông Lê Xuân Nam, sinh năm 1977, ở phường Tự Lạn, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông đã tích cực học tập, lao động hăng say, mạnh dạn áp dụng các kiến thức đã được học tập ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Ông đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình vật nuôi nên mỗi năm thu lãi gần 2-3 tỉ, có nhiều sáng kiến đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Năm 2023, tại Hội thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ X" , ông đạt giải nhì và đạt giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ X.
6. Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed. Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Xây dựng và đưa Tập đoàn ThaiBinh Seed trở thành doanh nghiệp KHCN hàng đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam.
Năm 2020, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2023, nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh và nhận Tiến sỹ danh dự của Đại học Apollos Hoa Kỳ.
7. Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ao Vua - xã Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội.
Là người đứng đầu công ty, ông luôn xây dựng ý thức học tập của mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động để nâng cao năng lực, trình độ, nghiệp vụ công tác, quan tâm đến việc học của con, em cán bộ trong công ty để xây dựng công ty trở thành đơn vị học tập.
Đồng thời, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, luôn cải thiện điều kiện làm việc và chăm lo đến lợi ích của người lao động; tích cực tham gia hoạt động của nhiều tổ chức xã hội từ Trung ương đến địa phương, tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội, đặc biệt là hoạt động khuyến học, khuyến tài.
Trong dịp trao Học bổng "Học không bao giờ cùng" lần thứ 4 còn có các ông bà tiêu biểu cho các lĩnh vực văn hóa, xã hội như: Bà Mai Thị Nhung, ở phường Lộc Hạ, thành phố Nam Định; ông Hoàng Văn Hởi, sinh năm 1946, ở xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Các đại biểu tiêu biểu của lực lượng vũ trang, công nhân lao động, thầy cô giáo... được trao Học bổng "Học không bao giờ cùng" lần thứ 4:
1. Đại úy Trần Hữu Kiên, sinh năm 1991, Cán bộ Phòng PX05 Công an tỉnh Hà Nam. Đại úy Kiên sinh ra trong gia đình thuần nông tại tỉnh Hà Nam, gia đình thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ không có nghề nghiệp ổn định. Ý thức được hoàn cảnh gia đình, Đại úy Kiên luôn nỗ lực cố gắng vươn lên, đạt nhiều thành tích trong học tập, công tác.
Đại úy Kiên từng đỗ thủ khoa khối D (hệ nghiệp vụ) Học viện Cảnh sát Nhân dân, được xét tuyển vào học tại lớp Chất lượng cao khóa D35, chuyên ngành cảnh sát điều tra. Trong 5 năm học tại Học viện Cảnh sát Nhân dân có nhiều năm liền đạt danh hiệu Học viên Giỏi.
Đặc biệt, năm 2012-2013, anh là học viên duy nhất của Khóa D35 đạt danh hiệu "Học viên xuất sắc", và là 1 trong 10 học viên toàn khóa được vinh danh "Gương mặt tiêu biểu xuất sắc". Khi tốt nghiệp, đạt danh hiệu "Học viên Giỏi toàn khóa học". Đồng thời, đạt nhiều giải về công tác nghiên cứu khoa học trong quá trình học tại Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Nhiều năm liên tục, Đại úy Kiên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến và được lãnh đạo các cấp tặng nhiều Giấy khen.
2. Ông Nguyễn Văn Bắc, sinh năm 1971, Giám đốc Nhà khách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Do tính chất, nhiệm vụ được giao nên Ông có kỹ năng và thường xuyên tự cập nhật thông tin, kiến thức trên sách báo, tivi, internet để phục vụ công tác.
Chủ động tìm hiểu các quy định của Nhà nước, cơ quan, ông xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân để trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, văn bằng, chứng nhận phục vụ yêu cầu nhiệm vụ công tác đảm nhận.
Ông Bắc thành thạo kỹ năng sử dụng máy tính và các thiết bị công nghệ số phục vụ học tập, làm việc, trao đổi thông tin, sử dụng các dịch vụ trực tuyến đảm bảo an toàn. Đồng thời, tự trang bị kỹ năng sử dụng ngoại ngữ (có thể giao tiếp cơ bản tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc) để phục vụ công việc.
Ông có khả năng tính toán, sắp xếp công việc một cách hợp lý, có sáng kiến, đổi mới sáng tạo để công việc đạt chất lượng và hiệu quả cao, đóng góp tích cực cho cơ quan, đơn vị. Ông được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các danh hiệu khác.
3. Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, sinh năm 1975. Giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Tuyên Quang.
Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Văn học năm 1996. Năm 1999, thi đỗ Cao học. Năm 2001, tốt nghiệp Cao học chuyên ngành Văn học Phương Tây, bà luôn yêu nghề, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trên mọi cương vị công tác.
Bà Hải có nhiều thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia: Năm học 2022-2023 có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 7 giải Ba cấp tỉnh, 1 giải Khuyến khích cấp Quốc gia; năm học 2023-2024 có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba cấp tỉnh. Bà Hải tham gia cùng đồng nghiệp dạy đội tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia đạt 6 giải, gồm 5 giải Ba và 1 giải Khuyến khích.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/luong-y-84-tuoi-duoc-trao-hoc-bong-hoc-khong-bao-gio-cung-179240712163706692.htm