Luật Khám bệnh sửa đổi: Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh của người dân
Sáng 3/2, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Quyền Chủ tịch nước về Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 thông qua ngày 9/1/2023. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì Họp báo.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chính thức có hiệu lực vào năm 2024
Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định mở rộng đối tượng hành nghề, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…
Giới thiệu về một số nội dung cơ bản của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 gồm 12 chương và 121 điều quy định quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng; sai sót chuyên môn kỹ thuật; điều kiện bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…
Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Nâng cao chất lượng và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh của người dân
Luật quy định Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Để tăng cường việc quản lý chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề và thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác khám bệnh, chữa bệnh, Luật quy định: Mở rộng đối tượng hành nghề: Thay đổi từ việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn. Nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề: (1) Thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề; (2) Quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề; (3) Quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo; (4) Quy định áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng với đó, nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Luật bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự phải đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hằng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người bệnh, đồng thời cũng là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân.
Về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn; Cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ; Phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa để góp phần đạt được việc bao phủ sức khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch vụ y tế có chất lượng, hiệu quả về chi phí, mọi lúc mọi nơi, đặc biệt đối với các bệnh ít nghiêm trọng, mạn tính cần được chăm sóc lâu dài và thường xuyên.
Về các quy định liên quan đến người hành nghề, bổ sung thêm 3 chức danh phải có giấy phép hành nghề (dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng); điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề là phải được Hội đồng Y khoa quốc gia đánh giá đủ năng lực hành nghề tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề; quy định cụ thể các trường hợp và phân cấp thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề; thời hạn của Giấy phép hành nghề (5 năm kể từ ngày cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh)...
Luật cũng bổ sung quy định về các hình thức huy động nguồn lực, trong đó khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được: Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy…
Về Hội đồng Y khoa Quốc gia, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, Điều 25 của luật quy định hội đồng là tổ chức do Thủ tướng thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng. Cũng theo Thứ trưởng, Hội đồng Y khoa Quốc gia do Bộ trưởng Bộ Y tế làm chủ tịch. Tuy nhiên, được sự đồng ý của Thủ tướng, ông tạm thời sẽ đảm nhiệm vị trí này.
Hội đồng Y khoa Quốc gia có các nhiệm vụ sau:
- Chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
- Ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
- Chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
- Tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại hoặc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia.