“Lửa nghề” - tác phẩm về nghề báo với thông điệp: Luôn hy vọng về những điều tốt đẹp
Báo chí cách mạng là vũ khí tư tưởng của Đảng, là một trong các lực lượng tuyến đầu đấu tranh bảo vệ quốc gia, dân tộc; là diễn đàn thể hiện tâm tư, ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Và chính vì thế mà hành trình làm nghề báo luôn gian khổ, nhưng cũng rất đỗi tự hào!
Tác phẩm "Lửa nghề" của tác giả Nhà báo Quang Vinh và đồng nghiệp kể chuyện một cách dung dị nhưng sâu sắc về hành trình đầy gian khó nhưng cũng rất đáng tự hào của chính tác giả và đồng đội - những nhà báo công an nhân dân. Tác phẩm hấp dẫn bởi sự tinh tường về nghiệp vụ, sự dũng cảm, tấm lòng nhân ái của các nhà báo công an nhân dân, của lực lượng công an nhân dân.
Tác giả "kể", "giãi bày", "tâm sự", "chia sẻ" những câu chuyện tác nghiệp "thâm cung bí sử", tầng sâu tâm tư của những nhân vật, từ đó giúp cho người đọc thêm tin yêu hơn lực lượng công an nhân dân Việt Nam.
Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Quang Vinh có 40 năm trong nghề. Ông là tác giả kịch bản, đạo diễn, biên tập và viết lời bình khoảng 300 tác phẩm điện ảnh và truyền hình. Đó là chưa kể hàng chục bài lý luận, truyện ngắn, tác phẩm báo chí đăng trên Tạp chí Công an Nhân dân, Văn nghệ Công an, Báo Công an Nhân dân, Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh, Báo An ninh Thủ đô, Truyền hình An ninh Tivi...
Điều này phản ánh sức lao động bền bỉ cùng tình yêu nghề luôn cháy bỏng của nhà báo, nghệ sĩ Nguyễn Quang Vinh.
Tác phẩm "Lửa nghề" gồm 3 phần.
Phần đầu tiên, "Những câu chuyện tình người", đó là những con người chân chính, những tấm gương sáng mà tác giả đã gặp trong quá trình hoạt động báo chí. Họ là những người tận tụy, can đảm, luôn tâm niệm phục vụ nhân dân; họ là những tấm gương hy sinh vì Tổ quốc.
Những câu chuyện như "Quà sinh nhật của cha", "Chuyện sau một trận chiến đấu" giúp người đọc thấy rõ sự dũng cảm của những người chiến sỹ công an nhân dân. Những uẩn khúc, thiệt thòi của những người xứng danh anh hùng thể hiện qua bài viết "Những hy sinh không thể bù đắp" hay "Nửa thế kỷ oan khuất"... Đó là những câu chuyện thấm đượm tình người, chạm đến được trái tim của người đọc.
Trưởng thành trong lực lượng công an nhân dân, gắn bó và hiểu biết sâu sắc về lực lượng, Đại tá, Nhà báo, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Quang Vinh có điều kiện để viết, làm phim, phóng sự truyền hình về đề tài công an nhân dân - những người đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc và nhân dân. Theo ông, đó là nguồn cảm hứng thường trực trong cuộc đời sáng tác của mình. Là một nhà báo lại xuất thân từ lực lương công an nhân dân đã giúp ông có nhiều cơ hội tiếp cận sâu nhiều vụ việc nóng bỏng, khó khăn, phức tạp, gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng.
Phần hai của cuốn sách có tiêu đề "Làm điều tra truyền hình" là những bài viết kể về nhiều vụ trọng án nguy hiểm. Trong các bài viết ở phần này, xuất hiện những tên tội phạm đầu sỏ, ma mãnh mà lực lượng công an nhân dân phải đương đầu, cho thấy tính chất nguy hiểm, quyết liệt của cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại cái ác, cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội.
Những câu chuyện làm nghề giữa lằn ranh sống - chết giúp cho người đọc hiểu rõ hơn những phẩm chất cần có và cần được giữ gìn của những nhà báo mặc sắc phục công an, rộng hơn là lực lượng công an nhân dân, để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Và cũng chính vì vậy, câu chuyện về nghề báo, về các cuộc đấu tranh gian khổ của lực lượng công an nhân dân cũng góp phần tiếp lửa cho đồng nghiệp ở thế hệ tiếp theo.
Phần ba "Những kỷ niệm không thể quên" hấp dẫn người đọc vì cách tiếp cận ở các góc nhìn mới về những sự việc, nhân vật quan trọng, chạm đến những phần khuất sau ánh đèn của máy quay phim. Ở phần này tác giả đã chia sẻ những kỷ niệm trong suốt 40 năm làm nghề báo về những sự việc, những tên tuổi mà ông có cảm nhận sâu sắc từ góc độ của người sỹ quan công an nhân dân.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lua-nghe-tac-pham-ve-nghe-bao-voi-thong-diep-luon-hy-vong-ve-nhung-dieu-tot-dep-179220909135736819.htm