Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, "trùm buôn" siêu xe Phan Công Khanh đối diện với mức án nào?

21:07 - 11/07/2023

"Trùm buôn" siêu xe Phan Công Khanh vừa qua đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Vậy trong vụ việc này, Phan Công Khanh sẽ phải chịu hình phạt bao nhiêu năm tù?

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, "trùm buôn" siêu xe Phan Công Khanh đối diện với mức án nào? - Ảnh 1.

Phan Công Khanh tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp

Phan Công Khanh phải đối diện với khung hình phạt nào nếu bị kết luận có tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"?

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua đã thi hành lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phan Công Khanh (sinh năm 1994, quê Bến Tre, hiện trú tại phường Tân Phong, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Với vụ việc này, dư luận đặt câu hỏi: Theo quy định pháp luật, Phan Công Khanh có thể phải đối diện với mức án bao nhiêu năm tù đối với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"?

Thế nào là lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Hay nói cách khác, đây là hành vi gian dối do một người thực hiện nhằm mục đích dịch chuyển một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc quyền sở hữu của người khác vào phạm vi sở hữu của mình.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một tội danh thuộc Chương XVI - nhóm các tội xâm phạm sở hữu được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Như vậy, dưới góc độ pháp luật hình sự, để buộc tội bị can với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", cơ quan tố tụng phải chứng minh được hai yếu tố quan trọng là yếu tố dùng thủ đoạn gian dối và yếu tố chiếm đoạt.

Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, sai sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và tự nguyện giao tài sản, từ đó chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Đồng thời, thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải có trước hành vi chiếm đoạt và là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội.

Nếu giá trị của tài sản bị chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi lừa đảo sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo khoản 1, điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau:

"1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ".

Đối với vụ việc của Phan Công Khanh, quan hệ giữa các bên phát sinh từ việc nhờ bán xe ô tô. Nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh bị can Phan Công Khanh đã dùng thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin sai sự thật nhằm chiếm đoạt chiếc xe hoặc dùng thủ đoạn gian dối, đưa thông tin giả về tính hợp pháp của chiếc xe nhằm chiếm đoạt số tiền của người khác bằng hình thức vay tiền cầm cố thì sẽ bị xử lý hình sự.

Tài sản bị Phan Công Khanh chiếm đoạt là xe McLaren hay 2 tỉ đồng?

Ngoài ra, trong vụ việc này đã phát sinh hai quan hệ dân sự. Đó là quan hệ ủy quyền bán tài sản và cho vay cầm cố tài sản.

Vậy nên, cơ quan điều tra cần làm rõ tài sản mà bị can Phan Công Khanh đã chiếm đoạt ở đây là chiếc xe ô tô hiệu McLaren hay số tiền 2 tỉ đồng. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng cần làm rõ trong hai quan hệ dân sự trên, quan hệ nào đã bị bị can Phan Công Khanh lợi dụng để chiếm đoạt tài sản và nạn nhân là chủ xe ô tô (chị L.N.T.H.) hay người cho cầm cố vay tiền.

Khi xác định được đầy đủ các yếu tố về mặt khách quan, mặt khách thể, mặt chủ quan và mặt chủ thể của tội phạm trong cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cơ quan cảnh sát điều tra sẽ có căn cứ để đề nghị truy tố đối với bị can trong vụ án này.

Tóm lại, nếu cơ quan điều tra chứng minh được Phan Công Khanh có tội cùng với thông tin ban đầu của vụ việc, bị can Phan Công Khanh có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, theo điểm a, khoản 4, điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định như sau:

"4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên".

Phan Công Khanh thực hiện hành vi lừa đảo như thế nào?

Trước đó, Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận đơn tố giác của chị L.N.T.H. (sinh năm 1991, ngụ thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) tố cáo Phan Công Khanh có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, ngày 11/4/2023, chị L.N.T.H. mua xe ô tô hiệu MCLAREN với trị giá 10 tỉ đồng. Chị L.N.T.H. cho chị gái ngụ ở thành phố Hà Nội là người đứng tên trên hợp đồng ủy quyền chủ sở hữu đối với xe ô tô trên. Thông qua mối quan hệ xã hội, chị L.N.T.H. quen biết Phan Công Khanh nên nhờ Khanh bán hộ chiếc xe ô tô.

Tháng 5/2023, Phan Công Khanh nói chị L.N.T.H. đem xe qua showroom của Khanh để khách tiện xem xe và chị H. đồng ý. Khoảng 15 giờ ngày 9/5/2023, Phan Công Khanh nói nhân viên đến nhà chị L.N.T.H. lấy xe ô tô hiệu MCLAREN chạy về showroom K-SUPER của Khanh trên đường Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) vì có khách hàng muốn mua. Lúc này, chị L.N.T.H. chỉ giao xe mà không giao giấy tờ xe này cho Phan Công Khanh.

Ngày 23/5, do cần tiền trả nợ và chuộc xe ô tô Mercedes G63 (chưa có biển số) mà trước đây Phan Công Khanh cầm cố nên Khanh nói dối với chị L.N.T.H. cần giấy tờ xe ô tô trên để khách mua xe xem, nhưng thực tế là không có khách mua. Mục đích của Phan Công Khanh là lấy bản chính giấy tờ xe để có thể cầm cố vay tiền.

Tin lời, vào khoảng 11 giờ ngày 23/5/2023, chị L.N.T.H. đến showroom K-SUPER đưa giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy đăng kiểm bản chính cho Phan Công Khanh.

Đến 15 giờ chiều cùng ngày, Phan Công Khanh đưa xe ô tô cùng toàn bộ giấy tờ xe này cho Mohamach Da Pha (27 tuổi, ngụ An Giang, là cộng tác viên trong showroom của Khanh) đem chiếc xe đi cầm lấy 2 tỉ đồng đưa cho Khanh. Lãi suất cầm cố là 2%/tháng, thời hạn một tháng.

Tiếp theo, Phan Công Khanh chỉ đạo Mohamach Da Pha chuyển số tiền này cho một người là Nguyễn Văn Đức để chuộc xe ô tô Mercdes G63 mà Khanh đã cầm cố trước đó. Bản thân Mohamach Da Pha biết rõ Phan Công Khanh nói dối chị L.N.T.H. để lấy giấy chứng nhận đăng ký và giấy đăng kiểm xe để mang đi cầm cố.

Sau đó, chị L.N.T.H. liên tục yêu cầu Phan Công Khanh trả lại giấy tờ xe cùng với xe ô tô nhưng Khanh không trả lời. Sau khi tìm hiểu và biết xe đã bị cầm cố, chị L.N.T.H. làm đơn tố giác gửi Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Vào cuộc xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã mời Phan Công Khanh, Mohamach Da Pha, Nguyễn Văn Đức lên làm việc.

Tại cơ quan điều tra, Phạm Công Khanh, Mohamach Da Pha đã khai nhận hành vi phạm tội.

Hiện cơ quan công an cũng đã thu giữ xe ô tô MCLAREN cùng với giấy đăng ký xe và giấy đăng kiểm của xe.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lua-dao-chiem-doat-tai-san-trum-buon-sieu-xe-phan-cong-khanh-doi-dien-voi-muc-an-nao-17923071120514456.htm