Loại Ngoại ngữ khỏi môn bắt buộc thi tốt nghiệp không ảnh hưởng đến chất lượng dạy học
"Không thể nói chỉ một kỳ thi làm ảnh hưởng đến chất lượng, quá trình dạy và học Ngoại ngữ. Dạy học là quá trình xuyên suốt", Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Ngày 29/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Họp báo về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.
Theo đó, từ năm 2025, thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Như vậy, dù là môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng Ngoại ngữ lại được xếp vào nhóm môn thi tự chọn.
Nhiều ý kiến lo ngại việc không thi bắt buộc Ngoại ngữ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học các môn Ngoại ngữ nói chung và môn Tiếng Anh nói riêng.
Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Ngoại ngữ có 7 môn thi, nếu làm đề thi cần phải làm hết cho 7 môn.
"Tiếng Anh là một trong số các ngoại ngữ học sinh được học ở phổ thông và các em có quyền chọn đó là môn thi tốt nghiệp", Giáo sư Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh.
Giáo sư Huỳnh Văn Chương cho rằng, hiện nay, học sinh được học Ngoại ngữ bắt đầu từ lớp 3 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, tiếp đến là cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông đều bắt buộc học và thi môn học này.
Như vậy, trong quá trình gần như từ lớp 3 đến lớp lớp 12, học sinh được quyền lựa chọn và học Ngoại ngữ theo sở thích và định hướng của bản thân.
Đó chính là nền tảng quan trọng nhất để các em nâng cao năng lực, phẩm chất, kỹ năng ngoại ngữ.
"Quá trình dạy và học Ngoại ngữ được Nhà nước rất quan tâm, đồng thời lồng ghép vào các chuẩn đầu ra của học sinh, sinh viên. Do đó, không thể nói chỉ một kỳ thi này làm ảnh hưởng đến chất lượng, quá trình dạy và học Ngoại ngữ. Dạy học là quá trình xuyên suốt", Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.