Linh hoạt phương thức tuyển sinh vào lớp 10 sẽ giảm chi phí, bớt áp lực

09:30 - 13/07/2023

Toàn bộ 63 tỉnh, thành cả nước đã tổ chức xong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2023-2024 và công bố điểm thi, điểm chuẩn đến thí sinh. Bức tranh tuyển sinh lớp 10 năm nay nhiều gam màu sáng khi nhiều trường phổ thông công lập không chuyên lấy điểm cao, có trường lấy trên 8,0 điểm/môn thi.

Tuy nhiên, cũng còn có những điều bất cập, hạn chế khi có những trường có điểm chuẩn quá thấp, số lượng thí sinh dự thi và số lượng tuyển đầu vào không chênh lệch bao nhiêu. Vì thế, nếu được kết hợp cả phương thức thi tuyển và xét tuyển một cách linh hoạt như trường hợp tỉnh An Giang sẽ giảm được rất nhiều áp lực, tiền bạc cho ngân sách địa phương và chi phí của phụ huynh và không quá áp lực cho học sinh ở những vùng khó khăn.

Linh hoạt phương thức tuyển sinh vào lớp 10 sẽ giảm chi phí, bớt áp lực - Ảnh 1.

Trường Trung học phổ thông Lang Chánh (Thanh Hoá) được giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho năm học 2023-2024 là 420 học sinh, trong đó đã có 28 học sinh được tuyển thẳng, nhưng, chỉ có 442 hồ sơ đăng ký dự thi. Ảnh: Cổng TTĐT Thanh Hoá

An Giang kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển

63 tỉnh, thành trên cả nước đều có những đặc thù riêng biệt. Ngay trong cùng 1 tỉnh, thành cũng có những khu vực thị thành, cũng có nơi nông thôn, miền núi, biên giới nên sự phân bố dân cư, số lượng thí sinh hoàn toàn khác nhau và hiệu quả giáo dục cũng sẽ khác nhau. Vì thế, việc linh hoạt trong tuyển sinh 10 là điều mà các địa phương cần được tính toán kĩ lưỡng để vừa đảm bảo được chất lượng, số lượng đầu vào mà tránh những lãng phí không cần thiết.

Nhìn lại các bước chuẩn bị, ban hành kế hoạch, tổ chức thi tuyển, xét tuyển tuyển sinh 10 cho năm học 2023-2024 trên cả nước, có 4 địa phương xét tuyển đối với khối trường trung học hổ thông không chuyên, đó là: Đồng Tháp; Hà Giang; Vĩnh Long; Cà Mau; 1 địa phương kết hợp cả xét tuyển và thi tuyển là An Giang; 58 tỉnh, thành còn lại tổ chức thi tuyển.

Việc Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang vừa tổ chức thi tuyển và xét tuyển là sự hài hòa với thực tế của địa phương trên từng địa bàn cụ thể. Theo Hướng dẫn số 1270/HD-SGDĐT ngày 11/4/2023 thì tổ chức thi tuyển đối với các trường chuyên biệt và những trường trung học phổ thông công lập có tỉ lệ chọi cao; xét tuyển đối với các trường trung học phổ thông; trường trung học cơ sở - trung học phổ thông công lập có số thí sinh đăng ký thấp hơn chỉ tiêu theo tình hình thực tế.

Đối với những trường tổ chức thi, thí sinh dự thi các trường không chuyên thi 3 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Thí sinh đăng ký thi vào lớp 10 trường trung học phổ thông chuyên phải dự thi bốn môn: gồm 3 môn cùng đề thi với thí sinh thi vào các trường trung học phổ thông không chuyên và môn chuyên. Các môn chuyên gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Tiếng Anh. Thời gian làm bài là 150 phút/môn. Theo kế hoạch hướng dẫn tuyển sinh 10, năm học 2023-2024 của An Giang có 32 trường trung học phổ thông tổ chức thi tuyển và 19 trường xét tuyển.

Ngày 10/7 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang đã công bố điểm chuẩn đối với tất cả các trường trung học phổ thông công lập. Theo đó, năm nay 2 trường trung học phổ thông chuyên: Thoại Ngọc Hầu (thành phố Long Xuyên) và Thủ Khoa Nghĩa (thành phố Châu Đốc) tuyển 690 chỉ tiêu; 49 trường không chuyên tuyển 19.929 chỉ tiêu.

Việc kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển của An Giang được nhiều trường trung học cơ sở và giáo viên, phụ huynh, học sinh ủng hộ. Bởi vì những nơi có tỉ lệ chọi cao thì việc tổ chức thi tuyển sẽ tạp được sự công bằng, khách quan cho thí sinh. Những địa bàn có tỉ lệ chọi thấp, hoặc chỉ tiêu tuyển đầu vào lớp 10 và thí sinh dự thi bằng nhau, không chênh lệch quá lớn thì việc tổ chức kỳ thi sẽ lãng phí thời gian, công của không cần thiết.

Những địa bàn khó khăn nên tổ chức xét tuyển vào trung học phổ thông sẽ phù hợp

Nếu xét về điều kiện, có lẽ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 trong những địa phương có điều kiện nhất để phát triển giáo dục bởi đây là 2 thành phố lớn nhất nước. Thế nhưng, ngoài một số trường có điểm cao chót vót thì 2 địa phương này vẫn có nhiều trường chỉ lấy điểm chuẩn dao động từ 3,5- 4,0 điểm/môn thi.

Một số địa phương khác, có trường chỉ lấy ở mức 2-3 điểm/môn. Thậm chí có trường chỉ lấy điểm chuẩn ở mức bình quân dưới 2,0 điểm/môn thi là trúng tuyển lớp 10 công lập. Vì thế, việc tổ chức kỳ thi có phần không thực sự cần thiết. Chẳng hạn, Trường Trung học phổ thông Lang Chánh (Thanh Hóa) được Sở giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho năm học 2023-2024 là 420 học sinh, trong đó đã có 28 học sinh được tuyển thẳng. Thế nhưng, chỉ có 442 hồ sơ đăng ký dự thi nên kỳ thi tuyển sinh 10 của Trường Trung học phổ thông Lang Chánh chỉ để loại 50 thí sinh (khoảng 11%).

Đặt trong điều kiện một trường miền núi còn nhiều khó khăn như Trường Trung học phổ thông Lang Chánh thiết nghĩ nếu tổ chức xét tuyển sẽ phù hợp hơn vì tổ chức xong kỳ thi thì điểm chuẩn của trường này là 8,40 điểm (bình quân 1,68 điểm vì Ngữ văn, Toán nhân hệ số 2). Tuy nhiên, có những trường còn lấy điểm chuẩn thấp hơn Trường Trung học phổ thông Lang Chánh (Thanh Hóa) như: Trường Trung học phổ thông Tôn Đức Thắng (Khánh Hòa) và Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (Bình Thuận) chỉ lấy điểm chuẩn nguyện vọng 1 là 8,0 điểm. Với mức điểm chuẩn này, thí sinh chỉ cần 1,6 điểm là đậu vào lớp 10.

Việc tổ chức một kỳ thi tuyển sinh 10 của từng trường trung học phổ thông hiện nay đang khá tốn kém. Đó là ngân sách địa phương phải chi tiền thu, kiểm tra hồ sơ, nhập dữ liệu trước khi thi; Xử lý dữ liệu kỳ thi; tiền chi trả tiền cho các thành viên hội đồng thi từ bảo vệ đến chủ tịch Hội đồng; tiền in ấn; tiền chấm thi cho các thành viên của Hội đồng chấm thi; tiền công tác phí mà các trường chi trả khi giáo viên ở các huyện được điều động đi coi thi, chấm thi…

Bên cạnh đó, mỗi học sinh khi tham gia ôn thi tuyển sinh 10 do các nhà trường tổ chức trong vòng 1 tháng cho 3 môn thi ít nhất phải đóng 500.000 đồng. Ngoài ra, nhiều học sinh còn đi học thêm ở nhà thầy cô giáo, các trung tâm gia sư. Thế nhưng, cuối cùng thì có những trường cũng chỉ để loại vài chục thí sinh trong mỗi hội đồng thi thì rõ ràng chưa thực sự phù hợp. Đó là chưa kể vì thí sinh ít dẫn đến điểm chuẩn quá thấp nên những thị phi sẽ khó tránh khỏi.

Vì thế, nếu các địa phương linh hoạt các phương án thi tuyển và xét tuyển như An Giang có lẽ sẽ phù hợp. Những trường có thí sinh đăng ký dự thi cao thì tổ chức thi để nâng cao chất lượng đào tạo; những trường có tỉ lệ chọi thấp, những trường ở những vùng khó khăn thì xét tuyển sẽ đỡ lãng phí tiền ngân sách địa phương và chi phí của phụ huynh. Học sinh cũng đỡ vất vả, áp lực ôn tập, thi cử như một số trường, một số nơi đang tổ chức nhưng nhìn vào điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 khiến cho dư luận băn khoăn vì điểm chuẩn thấp đến mức ngỡ ngàng.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/linh-hoat-phuong-thuc-tuyen-sinh-vao-lop-10-se-giam-chi-phi-bot-ap-luc-17923071309074406.htm