Liệu xung đột Nga và Ukraine có mở rộng và leo thang?
Trong lịch sử có nhiều thời khắc quan trọng hơn và kinh khủng hơn nhiều so với những thời khắc khác.
Chỉ tính từ đầu thế kỷ 21 đến nay, chúng ta đã thấy cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11 tháng Chín năm 2001, cuộc tấn công vào Iraq, Libya năm 2003, đại dịch COVID-19 bùng phát tháng 3 năm 2020, và gần đây nhất cuộc xung đột Nga và Ukraine nổ ra ngày 24 tháng Hai năm 2022. Sự kiện năm 2022 đã đưa chiến tranh tàn khốc trở lại châu Âu sau 77 năm.
Tuần cuối cùng của tháng Chín vừa qua có vẻ là một trong những thời khắc như vậy. Ngày 22 tháng Chín, Tổng thống Nga Putin ký lệnh "động viên một phần" nhằm huy động thêm 300.000 lính dự bị và ngày 30 ông Putin lại tuyên bố sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine là Luganst, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson vào lãnh thổ Nga.
Ông Putin cam kết sẽ bảo vệ bốn vùng mới sáp nhập bằng "mọi phương tiện sẵn có". Ngay sau đó, Tổng thống Ukraine đệ đơn xin gia nhập NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), đưa NATO đối đầu trực tiếp với Nga. Bảy tháng sau khi xung đột nổ ra và sau những bước lùi nhất định trên chiến trường, Nga vẫn tìm cách mở rộng hay leo thang cuộc chiến.
Lệnh "động viên một phần" phục vụ mục đích chính nếu không phải là mở rộng chiến tranh trong và có khả năng ngoài lãnh thổ Ukraine. Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc động viên quân một phần là để hiện thực hoá ý đồ của Nga xây dựng một "thế giới Nga", bao gồm các nước có người Nga cư trú.
Chúng ta đều nhở rằng chính sách miệng hố chiến tranh (hạt nhân) đã chấm dứt vào cuối những năm 1980 khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tìm cách chấm dứt Chiến tranh Lạnh và tránh mối đe doạ chiến tranh hạt nhân. Có lẽ chúng ta đã nhầm. Với những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga, thế giới lại một lần nữa phải thực sự đối mặt với việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Cho đến nay, trong lịch sử chỉ có một lần duy nhất vũ khí hạt nhân được sử dụng tại Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945 và một lần duy nhất thế giới đứng trước miệng hố chiến tranh hạt nhân vào tháng Mười năm 1962 ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Trong suốt thời gian đó, còn có những toan tính sử dụng vũ khí hạt nhân như trong chiến tranh Việt Nam.
Sau những bước lùi trên chiến trường, Nga cho rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào những vùng mới sáp nhập vào Nga sẽ được coi là cuộc tấn công vào nước Nga. Khi được các phóng viên đặt câu hỏi liệu một cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập sẽ bị coi là tấn công Nga hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đáp: "Sẽ là như vậy". Trước đó, Điện Kremlin cũng đã nhiều lần tuyên bố sẽ dùng vũ khí hạt nhân khi lãnh thổ của Nga bị tấn công. Điều này để lộ rõ khả năng Nga sẽ dùng vũ khí hạt nhân trong xung đột với Ukraine. Một cuộc tấn công hạt nhân trở thành nguy cơ hiện hữu, rõ ràng hơn bao giờ hết kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Trên thực tế thì thế giới chỉ còn"hai đến ba bước nữa" là đến chiến tranh hạt nhân.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng những cố gắng của Nga nhằm giành thắng lợi trong cuộc chiến bằng những biện pháp ôn hoà hình như đã không thành công và do vậy Nga phải tính đến tăng cường mức độ khốc liệt và tác động của hành động của mình, bao gồm cả việc sáp nhập và sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ở thời điểm hiện tại khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang bước vào giai đoạn rất nguy hiểm, chúng ta biết chắc rằng xung đột sẽ khó đoán định. Tuy nhiên, chúng ta vẫn khó có câu trả lời thoả đáng câu hỏi là liệu cuộc xung đột này có mở rộng hay leo thang với kết cục buồn thảm với toàn thế giới, có thể buồn hơn cả năm 1945 hay không.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lieu-xung-dot-nga-va-ukraine-co-mo-rong-va-leo-thang-179221006111639471.htm