Liên tiếp xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng: Chủ quan với tính mạng con người đến bao giờ?

08:37 - 27/05/2024

Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây thương vong cho nhiều người lao động. Để giảm thiểu tai nạn lao động xuống mức thấp nhất, ý thức trách nhiệm đối với công tác an toàn lao động của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động đều rất quan trọng.

Liên tiếp xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng: Chủ quan với tính mạng con người đến bao giờ?- Ảnh 1.

Hiện trường vụ nổ lò hơi làm 6 công nhân tử vong tại Đồng Nai ngày 1/5/2024. Ảnh: VGP

Liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong tháng hành động an toàn vệ sinh lao động

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã tổ chức phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.

Chủ đề tháng hành động an toàn vệ sinh lao động năm 2024 là "Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng".

Tuy nhiên, trong hơn 1 tháng qua đã liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng.

Mới đây nhất, ngày 25/5 đã xảy ra tai nạn lao động tại Công ty Leoch Super Power - Khu công nghiệp Becamex, phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Cụ thể, khu vực lò sấy bị sự cố nên chị V.T.N.A đứng lên càng xe nâng đưa lên cao để xử lý máy buồng sấy. Tuy nhiên, khi chị A đang sửa trên cao thì lò sấy bất ngờ khởi động, chèn chị vào khung sắt bắc ngang trên cửa lò. Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng chị A đã tử vong do bị thương nặng.

Trước đó, vào ngày 23/5, cũng tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, đã xảy ra sự cố nghiêm trọng tại bộ phận máy trộn keo sản xuất ván ép của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Azure Wooden ở khu phố 10, phường Hưng Long.

Khi đó, anh N.V.L đổ bao bột mì vào thùng trộn keo thì bị cần quay của máy trộn keo quấn kéo vào thùng trộn keo. Do bị thương quá nặng nên anh L không qua khỏi.

Ngày 13/5, tại lò Chợ mức -190/-170 vỉa 14.11, phân xưởng khai thác 7, Công ty Than Quang Hanh - TKV (Thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) đã xảy ra sự cố hầm lò khiến 3 công nhân tử vong, 1 công nhân bị thương.

Ngày 1/5, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn gỗ Bình Minh, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, đã xảy ra một vụ nổ lò hơi làm 6 người chết và nhiều người bị thương.

Ngày 22/4, đã xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Nhà máy xi măng thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Sự cố động cơ điện của máy nghiền đá đã khiến 7 người tử vong và 3 người bị thương là các công nhân đang trực tiếp thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa.

Đây là những hồi chuông cảnh tỉnh, những bài học đắt giá trong việc phải tuân thủ quy trình cũng như tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

Nguyên nhân chủ quan chiếm tới 73% trong số các nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động

Pháp luật Việt Nam đã có những quy định rõ ràng về vấn đề tuân thủ an toàn lao động nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động.

Năm 2015, Quốc hội ban hành Luật an toàn, vệ sinh lao động, quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

Theo Điều 295, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người", người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác, tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 12 năm.

Sau các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, lãnh đạo các địa phương đã khẩn trương vào cuộc rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, khắc phục tồn tại, siết chặt quy trình an toàn lao động trong sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng ra các Công điện yêu cầu khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật, không để xảy ra các vụ tai nạn tương tự…

Mới đây nhất, Thủ tướng đã ký Công điện 51/CĐ-TTg ngày 21/5/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động...

Tuy nhiên, có thể thấy, vấn đề về đảm bảo an toàn lao động vẫn chưa thực sự được người sử dụng lao động và người lao động chú trọng. Nhiều người sử dụng lao động chủ quan, chưa chú trọng thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro tai nạn lao động. Trong khi đó, nhiều người lao động cũng chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, tác phong công nghiệp còn hạn chế, chủ quan, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn…

Qua khảo sát thực tế, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động, gồm: nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân đến từ môi trường làm việc.

Trong đó, nguyên nhân chủ quan chiếm tới 73% trong số các nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động. Những nguyên nhân này bắt nguồn từ sự coi nhẹ an toàn lao động, thiếu trách nhiệm, không tuân thủ quy trình, làm việc qua loa, sơ sài.

Nâng cao ý thức trách nhiệm, chấn chỉnh và tăng cường công tác bảo đảm an toàn lao động 

Ở bất kỳ nơi nào, bất kỳ lúc nào cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động, từ doanh nghiệp nhà nước đến doanh nghiệp tư nhân, từ những nhà máy, xí nghiệp lớn đến những xưởng sản xuất nhỏ lẻ. Để giảm thiểu tai nạn lao động giảm xuống mức thấp nhất, ý thức trách nhiệm đối với công tác an toàn lao động của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động đều rất quan trọng. 

Chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động cho biết, để hạn chế sự thương tổn đối với sức khỏe người lao động, các đơn vị sử dụng lao động, các nhà thầu, chủ đầu tư cần kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên các loại máy móc, trang thiết bị tại cơ sở. Kịp thời sửa chữa những máy móc bị hư hỏng bảo đảm an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc. Ðào tạo chuyên môn, cung cấp đầy đủ các kỹ năng vận hành máy móc cho người lao động trước khi sử dụng, tránh trường hợp người lao động chưa biết sử dụng mà vẫn cố khởi động dẫn đến những tai nạn bất ngờ.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần tổ chức các buổi huấn luyện, tập luyện nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cũng như xử lý nhanh các tình huống nhằm giảm bớt các hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Sử dụng lưới bảo hộ, hàng rào che chắn ở những địa điểm diễn ra việc thi công công trình; đồng thời có các biển cảnh báo, biển phát quang để người dân dễ dàng nhận biết. Ngoài ra hằng năm, người sử dụng lao động cần lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh và các biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lien-tiep-xay-ra-tai-nan-lao-dong-nghiem-trong-chu-quan-voi-tinh-mang-con-nguoi-den-bao-gio-179240526210237285.htm