Liên minh Châu Âu thông qua đạo luật về quản lý, giám sát trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới

19:01 - 14/03/2024

Nghị viện Châu Âu (EP) vừa thông qua một đạo luật quan trọng nhằm quản lý việc phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Liên minh Châu Âu (EU).

đạo luật về trí tuệ nhân tạo

Liên minh Châu Âu đang đi đầu thế giới trong nỗ lực thiết lập các quy tắc quản lý trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Vecteezy

Giám sát nghiêm ngặt các ứng dụng trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao

Ngày 13/3/2024, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một đạo luật sâu rộng để quản lý trí tuệ nhân tạo, gần 3 năm sau khi dự thảo quy định lần đầu tiên được đề xuất. Trước đó, Nghị viện Châu Âu và các nước thuộc Liên minh Châu Âu đã đạt được thỏa thuận sơ bộ vào tháng 12/2023 sau gần 40 giờ đàm phán và thông qua dự luật quản lý trí tuệ nhân tạo và tháng 2/2024.

Tổng cộng có 523 nhà lập pháp Liên minh Châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận này trong khi 46 người phản đối và 49 người bỏ phiếu trắng. Đạo luật này cần được các nước EU chấp thuận và dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2025 và áp dụng vào năm 2026 (một số điều khoản sẽ có hiệu lực sớm hơn).

Liên minh Châu Âu cho biết Đạo luật mới nhằm "bảo vệ các quyền cơ bản, dân chủ, luật pháp và sự bền vững môi trường khỏi trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao, đồng thời thúc đẩy đổi mới và đưa Châu Âu dẫn đầu trong lĩnh vực này". 

Theo đó, Đạo luật quản lý trí tuệ nhân tạo mà Nghị viện Châu Âu vừa thông qua có các bộ tiêu chí phân loại các hệ thống trí tuệ nhân tạo dựa trên mức độ rủi ro và tác động tiềm ẩn chúng có thể gây ra cho người dùng, gồm các cấp độ: rủi ro không thể chấp nhận được, rủi ro cao, rủi ro hạn chế, rủi ro thấp. Các hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao sẽ phải tuân thủ các nghĩa vụ minh bạch cụ thể và luật bản quyền của EU.

Các công ty có nguy cơ bị phạt từ 7,5-35 triệu euro (hoặc 1,5-7% doanh thu toàn cầu) nếu không tuân thủ các quy định bắt buộc, tùy thuộc hành vi vi phạm và quy mô của các công ty.

Các dự thảo ban đầu của Đạo luật trí tuệ nhân tạo nói trên tập trung vào các hệ thống trí tuệ nhân tạo thực hiện các nhiệm vụ hạn chế trong phạm vi hẹp, như quét sơ yếu lý lịch và đơn xin việc. Sau đó, khi các mô hình trí tuệ nhân tạo liên tục xuất hiện, gây chú ý nhất là ChatGPT của OpenAI. 

Sự phát triển nhanh chóng này khiến các nhà hoạch định chính sách của Liên minh Châu Âu phải bổ sung những điều khoản cho mô hình trí tuệ nhân tạo tạo sinh - công nghệ nền tảng của các hệ thống chatbot trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra các phản hồi, hình ảnh độc đáo và sống động như thật.

Các quy định liên quan đến các mô hình trí tuệ nhân tạo tạo sinh như ChatGPT sẽ có hiệu lực sau 12 tháng từ khi Đạo luật chính thức được ban hành. Sau đó, các công ty phải tuân thủ hầu hết các quy định khác sau 2 năm.

Mặc dù Đạo luật trí tuệ nhân tạo nói chung cấm cơ quan thực thi pháp luật sử dụng hệ thống nhận dạng sinh trắc học, nhưng nó sẽ được chấp nhận trong một số trường hợp nhất định được báo cáo trước, như tìm người mất tích hoặc ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố.

Các ứng dụng khác sẽ bị cấm vì có thể gây ra rủi ro không chấp nhận được bao gồm: chấm điểm xã hội; nhận biết cảm xúc trong trường học và nơi làm việc; cảnh sát dùng trí tuệ nhân tạo trong hệ thống quét khuôn mặt ở nơi công cộng và các công cụ trí tuệ nhân tạo "thao túng hành vi của con người hoặc khai thác lỗ hổng của con người".

Các ứng dụng được coi là có rủi ro cao, bao gồm cả việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong thực thi pháp luật và chăm sóc sức khỏe, mạng lưới điện - nước được tích hợp trí tuệ nhân tạo sẽ bị quản lý chặt hơn. Chúng không được phân biệt đối xử và cần tuân thủ các quy tắc riêng tư. 

Các nhà phát triển phải chứng minh rằng hệ thống của họ minh bạch, an toàn và có thể giải thích được cho người dùng.

Đối với các hệ thống trí tuệ nhân tạo mà Liên minh Châu Âu cho là có rủi ro thấp (như bộ lọc thư rác), nhà phát triển vẫn phải thông báo cho người dùng rằng họ đang tương tác với nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo ra.

Đạo luật trí tuệ nhân tạo áp dụng cho bất kỳ mô hình nào hoạt động ở Liêm minh Châu Âu

Các nhà phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo nói chung, từ các công ty khởi nghiệp Châu Âu đến OpenAI và Google, sẽ phải cung cấp bản tóm tắt chi tiết về văn bản, hình ảnh, video và dữ liệu khác trên Internet mà họ sử dụng để đào tạo hệ thống trí tuệ nhân tạo cũng như phải tuân theo luật bản quyền của Liên minh Châu Âu. Hình ảnh, video hoặc âm thanh do trí tuệ nhân tạo tạo ra về người, địa điểm hoặc sự kiện phải có nhãn thông báo.

Đạo luật trí tuệ nhân tạo áp dụng cho các mô hình của bất kỳ nhà phát triển nào hoạt động ở Liên minh Châu Âu. Để thực thi luật, mỗi quốc gia thành viên sẽ thành lập cơ quan giám sát trí tuệ nhân tạo của riêng mình và Ủy ban Châu Âu sẽ thành lập Văn phòng trí tuệ nhân tạo. Đây là cơ quan mới của Liên minh Châu Âu để hỗ trợ áp dụng hài hòa Đạo luật trí tuệ nhân tạo, hướng dẫn và điều phối các cuộc điều tra chung xuyên biên giới, phát triển các phương pháp để đánh giá và giám sát các mô hình có rủi ro cao.

Nguồn: Reuters, Engadget, CNBC

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lien-minh-chau-au-thong-qua-dao-luat-ve-quan-ly-giam-sat-tri-tue-nhan-tao-dau-tien-tren-the-gioi-179240314160536336.htm