"Lên mặt trận, ngày đầu…" - tiếng lòng của dân tộc ngày ấy

06:28 - 17/02/2023

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới kĩ lưỡng, chi tiết hơn chương trình cũ.

Việc đưa Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 vào sách giáo khoa để thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử bảo vệ Tổ quốc của quốc gia, dân tộc là hoàn toàn cần thiết. Ngoài hệ thống lại, phản ánh, tái hiện lại lịch sử, văn học sử là mảng giáo dục cần thiết khi cuộc chiến đã lùi xa hiện tại đến hơn 40 năm. 

Bài thơ "Lên mặt trận, ngày đầu..." của Nguyễn Duy cũng cần được nhắc lại bởi bài thơ ra đời ngày 18/2/1979 miêu tả chính xác tâm trạng và suy nghĩ của tác giả thời điểm đó. Thế hệ trẻ ngày nay có thể cảm nhận rõ hơn những mất mát lúc bấy giờ của dân tộc. 

Lên mặt trận, ngày đầu… của Nguyễn Duy - Ảnh 1.

Lên mặt trận, ngày đầu… của Nguyễn Duy là bài thơ tái hiện Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Đó là những tiếng thơ, tiếng lòng nghẹn chát khi chứng kiến những người dân chạy giặc.

Lên xứ Lạng

chưa thấy thành Tiên Xây

đâu chùa Tam Thanh

đâu nàng Tô Thị...

Quân giặc tràn qua đèo Hữu Nghị

Đồng Đăng thất thủ rồi

pháo Bằng Tường dội sang xối xả

dằng dặc dòng người sơ tán đổ về xuôi

Những câu thơ đầu tiên trong bài, Nguyễn Duy đa số dùng những câu trần thuật để phác thảo lại bức tranh hiện thực lúc bấy giờ. Đọc lại những câu thơ này, điều mà chúng ta cảm nhận được là bức tranh xứ Lạng từ lâu đã đi vào văn chương, vào văn hóa của người Việt đang được nhuốm màu tang thương, đổ nát.

Bằng trái tim và lý trí của một người lính - một người phóng viên chiến trường - một nhà thơ - một người dân Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Duy đã ghi lại những cảm xúc của mình bằng những câu thơ chân thật và sống động nhất.

Từ lâu, khi nói đến Lạng Sơn, chúng ta thường nghĩ đến câu ca dao mà ông bà ta xưa đã để lại: 

"Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh"

Thế nhưng, những phố xưa, những hình hài người thiếu phụ chờ chồng trên núi Vọng Phu hay những ngôi chùa thanh tịnh, yên bình đã bắt đầu vang lên tiếng súng, tiếng pháo của quân thù đang xối xả. Những dòng người chạy giặc về xuôi khiến cho nhà thơ viết lên những câu thơ tả thực và biểu cảm. "Đồng Đăng thất thủ rồi" là một câu thông báo nhưng đong đầy cảm xúc…

Người Kinh, người Tày, người Dao... nào gánh, nào xe, nào gùi, nào vác... hiển hiện những ngày loạn lạc biên ải, giặc giã mới tràn vào những gương mặt nghìn năm đanh sắt lại với nón mê, áo vá, chân trần...

Không ai hiểu hơn giá trị hòa bình như người dân Việt Nam ta. Lúc bấy giờ chúng ta vừa trải qua 2 cuộc kháng chiến dài đằng đẵng. Mất mát, hy sinh xương máu đã nhiều, cuộc chiến biên giới khiến chúng ta phải đương đầu và chứng kiến thêm một lần nữa. 

Cảnh chạy giặc cũng trở nên bi thương hơn, xa xót hơn khi những miếng cơm, giấc ngủ trên đường chạy nạn. Những gì thân thương, gần gũi nhất của người nông dân cũng đành bỏ lại phía sau mình những gì thân thương nhất để đối mặt với gian khó, hiểm nguy: "Miếng cơm ăn cát bụi bên đường/giấc ngủ ngồi che hờ tàu lá chuối/ ngôi nhà không bỏ trống sau lưng/đàn trâu lang thang lũ gà con xao xác/lũ trẻ con mắt tròn ngơ ngác/chân trẻ con lũn cũn chạy như đùa".

Không chỉ con người chạy giặc mà đến cả con trâu, con gà cũng "lang thang", "xao xác" giữa cảnh loạn ly, giặc giã. Thương cho những đứa trẻ "mắt tròn ngơ ngác" cũng đang "lũn cũn chạy như đùa" theo người lớn về xuôi.

Chiến sự nổ ra trên một diện rộng suốt chiều dài biên giới lúc đó khiến cho cuộc sống của nhân dân bị đảo lộn. Những người khỏe mạnh thì ở lại tham gia bảo vệ quê hương cùng bộ đội, công an… chỉ thương những người già, những đứa trẻ vô tội đang phải chạy thật xa tiếng súng.

"Trẻ con trên ôtô trên xe trâu xe thồ/trẻ con trên lưng trẻ con trên tay trẻ con lon ton níu váy níu áo đòn gánh nữa kìa kẽo kẹt nghiến trên vai một đầu gánh là trẻ con còn đầu kia là nồi là gạo/mắt trẻ con cứ tròn thao láo như hòn sỏi ném theo đoàn quân đi...

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, người dân cả nước đã chịu không biết bao nhiêu là đau thương, mất mát. Nhất là khi cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc, nước ta bị bao vây, cấm vận về mọi mặt. Những khó khăn chồng chất khó khăn. Cho nên, những chiếc đòn gánh vẫn dai dẵng bám theo người nông dân chân chất. Giờ đây, vẫn chiếc đòn gánh ấy "một đầu gánh là trẻ con còn đầu kia là nồi là gạo" …

Bắt gặp những hình ảnh như thế, Nguyễn Duy liên tưởng về tuổi thơ của mình, về thế hệ mình thuở trước.

Bao lứa trẻ từng lớn lên như thế

gặp lũ trẻ con nay bắt gặp tuổi thơ mình

gặp tuổi thơ của em gặp tuổi thơ của anh

gặp lại cả mấy thời chạy loạn

thời là tản cư

thời là sơ tán

gian nan xưa cứ tưởng đã cũ rồi!

Nhà thơ tưởng "gian nan xưa cứ tưởng đã cũ rồi" nhưng bây giờ lại tái hiện lại trên đường hành quân của mình khi lên biên giới. Lại bắt gặp tuổi thơ của mình: Quân đi, quân đi/ Ngược lên biên giới/ Có cái nhìn như sỏi ném sau tôi…

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/len-mat-tran-ngay-dau-tieng-long-cua-dan-toc-ngay-ay-179230216144000101.htm