Lễ hội Bút nghiên - hoạt động khuyến học có ý nghĩa

14:34 - 20/05/2022

Lễ hội Bút nghiên Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) lần thứ hai - năm 2022 được tổ chức từ 15 đến 17/4/2022 với nhiều nội dung về văn hóa, giáo dục, thể thao sôi nổi mang đậm truyền thống quê hương, biểu dương, tôn vinh sự học, cũng như khích lệ phong trào khuyến học, khuyến tài trong các tầng lớp nhân dân.

Lễ hội Bút nghiên - hoạt động khuyến học có ý nghĩa- Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa Lê Sỹ Nghiêm khai trống Lễ hội Bút nghiên lần thứ 2.

Lễ hội Bút nghiên - lần thứ 2 năm 2022 được huyện Hoằng Hóa tổ chức với mục đích tôn vinh truyền thống hiếu học của nhân dân Hoằng Hóa, giáo dục truyền thống hiếu học, khuyến học, niềm tự hào của các tầng lớp nhân dân trong huyện và những người con quê hương Hoằng Hóa, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đây cũng là một trong những hoạt động gắn với lễ hội du lịch biển mùa hè ở Hải Tiến năm 2022 với nhiều nội dung về văn hóa, giáo dục, thể thao sôi nổi mang đậm nét truyền thống quê hương. Các hoạt động giáo dục thể hiện khả năng tư duy nhanh, sáng tạo, nhạy bén, khéo léo và năng khiếu của học sinh... nhằm giới thiệu, quảng bá, phát huy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, lịch sử, tạo điểm nhấn thu hút du khách và các nhà đầu tư đến với Hoằng Hóa, đưa huyện này trở thành huyện tốp đầu của tỉnh Thanh Hóa vào năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030.

Mảnh đất Cổ Đằng xưa, nay là Hoằng Hóa - vùng đất địa linh nhân kiệt, nhiều hiền tài có công phụng sự Tổ quốc. Có nhiều làng Tiến sĩ, làng Khoa bảng như Hoằng Lộc, Phú Khê, Nguyệt Viên và nhiều di tích, đền thờ tôn vinh sự học đã đi vào lịch sử, văn hóa dân tộc như một biểu tượng của sự học thành danh; trong đó, tiêu biểu phải kể đến Bảng Môn Đình, xã Hoằng Lộc - nơi vinh danh các nhà khoa bảng. Thời phong kiến, Hoằng Lộc có 12 vị tiến sĩ được đề danh trên bảng vàng đại khoa, trong đó, 7 vị được khắc tên ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - đây chính là minh chứng sinh động, thiết thực về sự học của vùng đất và con người Cổ Đằng - Hoằng Hóa.

Lễ hội Bút nghiên - hoạt động khuyến học có ý nghĩa- Ảnh 2.

Ủy ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa trao thưởng cho 15 cán bộ, giáo viên, người lao động, học sinh, sinh viên có thành tích tiêu biểu trong công tác, học tập, lao động.

Với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, hình thành và phát triển cùng tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, đến nay, Hoằng Hóa có 94 di tích lịch sử, văn hóa được công nhận, trong đó có 16 di tích cấp quốc gia, 78 di tích cấp tỉnh (riêng xã Hoằng Lộc có 3 di tích Quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh). Đặc biệt, Hoằng Hóa có nhiều viện sĩ, giáo sư, phó giáo sư, với trên 400 tiến sĩ làm công tác nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước; nhiều người thành danh trên các lĩnh vực chính trị, quản lí, quân sự, doanh nhân; nhiều nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sỹ được phong tặng các chức danh, danh hiệu cao quý.

Hoằng Hóa có những tấm gương hiếu học tiêu biểu như Lương Đắc Bằng, Lưu Đình Chất, Nguyễn Quỳnh, Bùi Khắc Nhất, Nhữ Bá Sỹ…Hiếu học ở Hoằng Hóa đã trở thành truyền thống, đi vào tiềm thức mỗi người dân.Đó là  một Hoằng Hóa "Hiếu học - Cần học - Khổ học".

photo-1653029902480

Các đại biểu dâng dự Lễ hội Bút nghiên dâng hương tại Bảng Môn Đình.

Thời xưa, Hoằng Hóa có 48 vị đỗ đại khoa, thời nay, Hoằng Hóa đã có 13 học sinh đạt giải quốc tế và khu vực. Những năm gần đây, chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học trong huyện ngày càng được nâng cao, giáo dục mũi nhọn cấp trung học cơ sở 5 năm liên tục là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh, có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế.

photo-1653029905215

Lãnh đạo huyện tặng quà cho cán bộ, giáo viên, người lao động, học sinh, sinh viên được vinh danh.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/le-hoi-but-nghien-hoat-dong-khuyen-hoc-co-y-nghia-179220520142148884.htm