Lao động Việt sang Campuchia làm việc trái phép: Liên tục được cảnh báo nhưng vẫn nhiều người bị lừa
Bộ Công an và Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia khuyến nghị mọi công dân đề cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ bản thân và gia đình mình trước những lời dụ dỗ "việc nhẹ lương cao".
Trong thời gian qua, nhiều đối tượng đã sử dụng mạng xã hội lôi kéo công dân Việt Nam vượt biên trái phép sang Campuchia với lời hứa "việc nhẹ, lương cao", thậm chí không đòi hỏi trình độ chuyên môn, bằng cấp, có khi sẵn sàng hỗ trợ chi phí, thủ tục nhập cảnh nhằm dụ dỗ người lao động ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp. Hệ quả là có nhiều trường hợp sau khi được đưa ra nước ngoài đã bị cưỡng bức làm việc, quản thúc nghiêm ngặt, chế độ đãi ngộ/tiền lương không được đảm bảo như cam kết, hứa hẹn. Có trường hợp bị dụ dỗ còn ở tuổi vị thành niên, thậm chí cả đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ Công an cho biết, nạn nhân chủ yếu 18 - 35 tuổi, đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thông qua mạng xã hội. Sau khi qua Campuchia, họ phải làm việc cho các tổ chức lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên mạng, bị cưỡng ép làm việc 12 - 16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở. Khi bị vắt kiệt sức, nạn nhân lại bị bán sang tổ chức khác.
Theo Bộ Công an, các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản tập trung ở các khu như Bà Vẹt, tỉnh Svaytieng; Banteay Meanchay, tỉnh Poipet; thành phố Shihanoukvile, tỉnh Preah Shihanouk; Chrey Thom, tỉnh Kandal và tại thành phố Phnompênh.
Bộ Công an cho biết, mặc dù đã triệt phá nhiều ổ nhóm, bắt giữ nhiều đối tượng đưa người đi lao động trái phép tại Campuchia và liên tục phát cảnh báo trên các phương tiện truyền thông, tình trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp.
Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cũng cho biết, trong thời gian qua, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp với các các cơ quan chức năng, địa phương, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới với Campuchia cùng các cơ quan chức năng nước sở tại thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ, hỗ trợ các trường hợp công dân khó khăn, hoạn nạn và đưa về nước. Từ đầu năm 2022 đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã can thiệp, hỗ trợ pháp lý cho gần 2.000 trường hợp công dân Việt Nam gặp khó khăn, trong đó bảo hộ, đưa về nước khoảng 500 trường hợp bị dụ dỗ sang lao động bất hợp pháp và đang hỗ trợ rất nhiều trường hợp người Việt khác đang bị giam giữ tại Campuchia về nước.
Khuyến cáo của Bộ Công an và Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia
Bộ Công an đề nghị người dân cảnh giác trước các lời mời gọi qua Campuchia làm việc nhẹ lương cao, không mất chi phí đi lại. Trước khi đi làm cần tìm hiểu kỹ về điểm đến, nhân thân người giới thiệu. Khi phát hiện thông tin về nhóm kẻ gian, nghi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho gia đình và công an nơi gần nhất để được hỗ trợ.
Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia khuyến nghị mọi công dân:
- Cảnh giác với các mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn công việc có thu nhập cao, cá cá nhân/tổ chức có hoạt động tuyển dụng trên mạng nhưng không có địa chỉ rõ ràng hoặc tư cách pháp nhân ở Việt Nam, tổ chức nhập cảnh Campuchia qua đường tiểu ngạch;
- Từ chối mọi sự giúp đỡ, hứa hẹn, cam kết làm việc nhẹ thu nhập cao, lợi ích vật chất để đi lao động nước ngoài từ người khác qua mạng xã hội nhất là những người lạ, người không thân quen;
- Tuyên truyền, cảnh báo cho những người xung quanh về thủ đoạn của đối tượng hứa hẹn việc làm nhàn hạ, thu nhập cao để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động, tổ chức xuất nhập cảnh bất hợp pháp;
- Hiểu rõ hậu quả của việc bị dụ dỗ làm việc bất hợp pháp, đó là việc bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ/đánh đập, bị bóc lột tình dục, bị giam giữ trái phép, bị bắt giữ làm con tin đòi tiền chuộc từ gia đình;
Đại sứ quán lưu ý các trường hợp công dân Việt Nam bị lôi kéo sang Campuchia làm việc bất hợp pháp, trong trường hợp cần thiết đề nghị liên hệ thông qua Tổng đài Bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao hoặc qua đường dây nóng bảo hộ công dân của các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia để được hỗ trợ.
Đưa người xuất, nhập cảnh trái phép bị xử lý thế nào?
Theo đó, mức phạt với tội này được quy định tại Điều 348, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017):
- Khung 1: Phạt tù từ 1 - 5 năm.
- Khung 2: Phạt tù từ 5 - 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 2 lần trở lên; đối với từ 5 - 10 người; có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính từ 100 - dưới 500 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm.
- Khung 3: Phạt tù từ 7 - 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Đối với 11 người trở lên; thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; làm chết người.
Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Hành vi vượt biên trái phép bị xử phạt như thế nào?
Người có hành vi vượt biên trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
- Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng..
- Sử dụng hộ chiếu giả, giấy thông hành giả, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam giả sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng.
- Giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 - 20.000.000 đồng.
- Làm giả hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 - 40.000.000 đồng.
Người vượt biên trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017):
- Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 - 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
- Người nào vi phạm quy định về cư trú, đi lại hoặc các quy định khác về khu vực biên giới, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 - 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
- Tái phạm nguy hiểm hoặc phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 - 50.000.000 đồng, cấm cư trú từ 1 - 5 năm.