Làm thế nào để giảm căng thẳng cho sinh viên đại học

17:45 - 26/08/2023

Hầu hết sinh viên đều trải qua cảm giác căng thẳng cao độ, gây tổn hại đến sức khỏe, hạnh phúc và điểm số. Nguyên nhân phổ biến đến từ trường học, thách thức xã hội, những thay đổi (tốt nghiệp, chuyển ra ngoài, sống độc lập), các mối quan hệ và công việc.

Làm thế nào để giảm căng thẳng cho sinh viên đại học - Ảnh 1.

Quá trình chuyển từ học ở bậc trung học lên bậc đại học có thể khiến sinh viên gặp áp lực và rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài. Ảnh: IT/images

Từ việc trả tiền học và làm bài kiểm tra cho đến nộp đơn xin thực tập, sinh viên đại học có thể phải đối mặt với nhiều áp lực lớn. Một số sinh viên sẽ biết biến áp lực đó thành động lực phấn đấu. Tuy nhiên, nếu căng thẳng quá mức có thể gây ảnh hưởng đến hiệu suất học tập, tác động xấu đến sức khỏe và đời sống cá nhân của mỗi sinh viên.

Emma K. Adam - Giáo sư về phát triển con người và chính sách xã hội tại Đại học Northwestern ở Illinois, Mỹ cho biết: "Căng thẳng có thể tạo động lực giúp sinh viên hoàn thành các yêu cầu, nhiệm vụ trong học tập cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng đôi lúc khi gặp căng thẳng, sinh viên có thể nghỉ ngơi, thư giãn và tìm cách khắc phục khó khăn dần dần".

Một số nghiên cứu cho thấy sinh viên đại học là nhóm người thường gặp căng thẳng kéo dài và căng thẳng không lành mạnh ở mức tồi tệ nhất. Theo báo cáo về tình trạng căng thẳng ở Mỹ vào năm 2022 của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ đã chỉ ra 46% người trưởng thành từ 18-35 tuổi đều bị căng thẳng đến mức không thể làm được việc gì.

Theo một cuộc khảo sát của Công ty Gallup với hơn 2.400 sinh viên đại học vào tháng 3 năm 2023 đã cho thấy, 66% trong số đó cho biết họ đang gặp phải căng thẳng và 51% cho biết họ có cảm giác lo lắng suốt cả ngày. 

Trong khi đó, báo cáo về tình trạng giáo dục đại học 2023 ở Mỹ đã phát hiện căng thẳng về cảm xúc là một trong những lý do hàng đầu khiến sinh viên tại quốc gia này cân nhắc việc bỏ học đại học vào học kỳ mùa thu năm 2022.

Lý do sinh viên đại học thường gặp căng thẳng

Theo các chuyên gia, khi bắt đầu đi học đại học, sinh viên phải làm quen với môi trường mới và cũng là lần đầu tiên phải sống độc lập. Bên cạnh trách nhiệm học tập, những thay đổi trong cuộc sống có thể mang lại cho sinh viên cảm giác quá tải.

Nhà tâm lý học Jessica Gomez cho biết, vào đại học là một giai đoạn chuyển tiếp và để trở thành con người thực sự trưởng thành, sinh viên phải tự lập trong mọi mặt của đời sống. Quá trình chuyển đổi này có thể khiến sinh viên gặp khủng hoảng về sức khỏe tâm thần ở tuổi trẻ.

Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng, sinh viên đại học đã phải trải qua căng thẳng cao độ kể từ đại dịch COVID-19. Và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong tương lai gần.

"Không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới, số người có cảm xúc tiêu cực ngày càng gia tăng và nó trở nên tồi tệ hơn trong thời kỳ đại dịch COVID-19 diễn ra. Đối với sinh viên đại học, có rất nhiều yếu tố khiến họ gặp căng thẳng", Stephanie Marken - nhà nghiên cứu giáo dục nói.

Theo Giáo sư Emma K. Adam, một số yếu tố góp phần làm tăng căng thẳng ở những người trẻ tuổi đó là: tranh cãi về chủng tộc, chính trị của quốc gia, lo lắng về tương lai do biến đổi khí hậu, bất ổn toàn cầu và bất ổn kinh tế gây ra. 

Trong cuộc khảo sát của Công ty Gallup đã cho thấy sinh viên nữ thường có mức độ căng thẳng cao hơn sinh viên nam. Và nhà nghiên cứu giáo dục Stephanie Marken cho rằng, điều này có thể là do một số yếu tố như: thách thức trong học tập, phân biệt đối xử, trách nhiệm chăm sóc gia đình, quấy rối tình dục và sự hoang mang về quyền phá thai được quy định tại Mỹ.

"Tất cả những điều này,  cộng với những tác động còn sót lại của việc học tập trực tuyến trong đại dịch COVID-19 đã góp phần làm gia tăng căng thẳng cho sinh viên đại học", Stephanie Marken nói thêm.

Làm thế nào để giúp sinh viên đại học giảm căng thẳng?

Trước tình trạng sinh viên gặp căng thẳng ngày càng gia tăng, các chuyên gia đã có một số đề xuất giúp sinh viên có thể vượt qua những thử thách trong môi trường đại học một cách hiệu quả như sau:

Lưu ý các triệu chứng căng thẳng tăng cao

Nhà tâm lý học Lindsey Giller của Viện Tâm trí Trẻ em cho biết, căng thẳng sẽ xuất hiện theo cách khác nhau ở mỗi con người. Để giảm căng thẳng, bước đầu tiên sinh viên phải học cách xác định khi nào tình trạng căng thẳng bình thường trở nên không lành mạnh.

"Sinh viên dễ lo lắng sẽ có biểu hiện như trốn học hoặc trốn tránh làm bài tập vì họ cảm thấy xấu hổ hoặc không bắt kịp với tốc độ học trên lớp. Bên cạnh đó, học cũng có thể ngủ nhiều hơn, ăn uống một cách ngẫu nhiên và không quan tâm đến việc chăm sóc bản thân. Thậm chí, một số người có thể sử dụng chất kích thích, đi chơi ở những môi trường độc hại để lấp đầy thời gian và trốn chạy khỏi thực tế với khối lượng kiến thức chất chồng", bà Lindsey Giller cho hay.

Cũng theo nhà tâm lý học Jessica Gomez, những thay đổi trong chế độ ăn uống, giấc ngủ cũng cho thấy sự cô lập với xã hội ngày càng tăng và việc rút lui khỏi các hoạt động từng mang lại cho bạn niềm vui cũng là một dấu hiệu đáng báo động.

Nhà tâm lý học cảnh báo sinh viên nên để ý đến dấu hiệu cáu kỉnh, bởi đây là dấu hiệu điển hình cho thấy bạn đang gặp phải căng thẳng.

"Cơ thể bạn nói với bạn, vì vậy hãy hòa hợp với cơ thể ", bà Jessica Gomez nói.

Xây dựng và duy trì kết nối xã hội

Các chuyên gia cho rằng, việc tìm kiếm và tận hưởng niềm vui trong cuộc sống giúp kiểm soát được mức độ căng thẳng. Trong đó việc giao tiếp xã hội đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thanh niên và có thể giúp con người giải tỏa căng thẳng.

Trong cuộc khảo sát của Công ty Gallup năm 2023, 39% sinh viên cho biết họ cảm thấy cô đơn và 36% sinh viên cảm thấy buồn chán.

Nhà nghiên cứu giáo dục Stephanie Marken cho biết, sinh viên phải tự đối phó với cảm giác căng thẳng là lý do khiến họ cảm thấy cô đơn. Nếu sinh viên không có mạng xã hội và không có nơi để chia sẻ về sự căng thẳng của mình thì cảm xúc tiêu cực sẽ tăng lên. Vậy nên theo Stephanie Marken, các trường đại học cần tạo ra những hoạt động giao lưu nhằm kết nối và xây dựng tình bạn cho sinh viên.

Ngủ đủ giấc và tập thể dục

Làm thế nào để giảm căng thẳng cho sinh viên đại học - Ảnh 3.

Một trong những cách lành mạnh nhất để xả hơi là tập thể dục thường xuyên. Ảnh: usnews.com

Duy trì thói quen lành mạnh có thể giúp sinh viên đại học quản lý tốt hơn các yếu tố gây căng thẳng phát sinh.

Theo đó, ưu tiên giấc ngủ và tập thể dục đều giúp sinh viên đại học ngăn ngừa hoặc kiểm soát sự căng thẳng. Đặc biệt trong những thời điểm gặp căng thẳng cao độ, sinh viên nên dành thời gian ngắn để não bộ có thể được nghỉ ngơi bằng nhiều cách thư giãn khác nhau như: thiền, tập yoga, đi bộ,... - đây đều là những phương pháp có thể chữa lành tâm hồn và mang lại cảm giác thoải mái.

Nhà tâm lý học Jessica Gomez khuyên sinh viên nên tạo một thói quen lành mạnh và tuân thủ nó. Điều đó bao gồm ngủ từ 8-10 tiếng mỗi đêm và tránh thức khuya. Bên cạnh đó, một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng cũng có thể giúp ích rất nhiều trong việc duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần tốt.

Tìm kiếm sự giúp đỡ

Các trường đại học thường cung cấp các nguồn lực về sức khỏe tâm thần như các nhóm tư vấn và hỗ trợ cho những sinh viên đang gặp khó khăn.

Những sinh viên đang phải đối mặt với căng thẳng mãn tính và không lành mạnh nên liên hệ với trường đại học của mình và chia sẻ với bạn bè, gia đình để được hỗ trợ. 

Việc liên hệ với cha mẹ, bạn bè hoặc người cố vấn có thể có lợi cho sinh viên khi cảm giác căng thẳng xuất hiện, đặc biệt là khi gặp căng thẳng và lo lắng về việc thi cử.

Theo các chuyên gia, việc tiếp cận hỗ trợ và tư vấn sớm sẽ giúp sinh viên cải thiện kỹ năng đối phó với khó khăn, tránh rơi vào khủng hoảng tâm lý trầm trọng và sử dụng các chất kích thích như rượu bia và ma túy.

Nguồn: US News

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lam-the-nao-de-giam-cang-thang-cho-sinh-vien-dai-hoc-179230826163709201.htm