Làm sao khắc phục triệt để việc thiếu công bằng trong các phương thức tuyển sinh?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4606/BGDĐT-GDĐH về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm.
Theo đó, Công văn này có nội dung đáng chú ý liên quan đến các phương phương thức tuyển sinh đại học từ năm 2025 như sau.
Sớm công bố phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi
Để thực hiện nhiệm vụ năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo phải hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo kế hoạch chung, bảo đảm thực hiện chỉ tiêu và phương thức đã công bố trong đề án, phù hợp với quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ sở đào tạo.
Các cơ sở giáo dục phải hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển. Phải bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.
Với các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên, bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo phải chủ động làm việc với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đề xuất với cơ quan quản lý trực tiếp về việc giao nhiệm vụ đào tạo, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để triển khai thực hiện hiệu quả nghị định số 71/2020/NĐ-CP và nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng trong tuyển sinh bằng cách nào?
Thứ nhất, trước năm 2024 có hơn 20 phương thức xét tuyển đại học, còn năm 2024 có tất cả 20 phương thức xét tuyển do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong hơn 20 phương thức xét tuyển đại học có nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng.
Chẳng hạn, 5 phương thức có số lượng thí sinh nhập học thấp nhất gồm: xét qua phỏng vấn, xét thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở nước ngoài, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thi văn hoá ở các trường.
Chưa kể, việc xét tuyển vào đại học còn thêm yêu cầu phụ khiến nhiều thí sinh bị thiệt thòi về quyền lợi.
Ví dụ, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 234 em nhưng xét thêm chứng chỉ ngoại ngữ cộng với điểm thi lên đến 170 em.
Hiện nay khối ngành sức khỏe không đặt nặng trình độ ngoại ngữ, chỉ yêu cầu ngoại ngữ sau đại học, vì vậy các em có chứng chỉ ngoại ngữ, ví dụ tiếng Anh, là một lợi thế sau này chứ không yêu cầu cao ở trình độ đại học, còn nếu trường mở ngành giảng dạy bằng tiếng Anh thì yêu cầu tiếng Anh đầu vào là đúng.
Hoặc sự bất hợp lý ở ngành sư phạm, đó là lại quá ưu ái tổ hợp A00 gây bất lợi cho tổ hợp B00. Điển hình, tổ hợp A00 thì được xét cả 5 chuyên ngành là Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Toán, Vật lý, Hóa học, Khoa học tự nhiên.
Trong khi đó, tổ hợp B00 cũng là khối khoa học tự nhiên như A00 nhưng chỉ xét thí sinh vào Sư phạm Hóa học, Sinh học, Khoa học tự nhiên.
Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành đối sánh điểm thi dựa trên học bạ và điểm tốt nghiệp trung học phổ thông thì nhận thấy có sự chênh lệch đáng kể.
Cùng với đó, nhiều trường đại học đã lí giải, việc bãi bỏ phương thức xét học bạ nhằm đảm bảo tuyển sinh công bằng hơn và cũng là cách để giải quyết tình trạng cho điểm vô tội vạ.
Lí giải này rất có căn cứ, ví dụ, những học sinh khối A (Toán – Vật lí – Hóa học) khi kiểm tra định kì (giữa kỳ, cuối kì), đề kiểm tra thường khó hơn so với học sinh khối C (Ngữ văn – Lịch sử – Địa lí).
Vậy nên, học sinh khối C có điểm kiểm tra môn Toán đạt điểm giỏi (trên 8) nhưng năng lực thường không thể bằng học sinh khối A chỉ đạt dưới 8 điểm.
Ngoài ra, nhiều trường còn chạy theo thành tích, nhiều giáo viên chấm điểm dễ dãi cho học sinh, tạo điều kiện cho các em có "điểm đẹp", thuận lợi khi xét tuyển vào các trường đại học.
Có nhiều học sinh đỗ trường tốp trên theo phương thức xét điểm học bạ nhưng sau 1, 2 năm học, có em không theo kịp chương trình do năng lực yếu, đành bỏ học giữa chừng hoặc phải thi lại vào trường khác.
Đó cũng là lí do nhiều giáo viên mong Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm dần và tiến tới bỏ phương án xét tuyển đại học theo phương thức lấy điểm học bạ trung học phổ thông.
Để khắc phục triệt để việc thiếu công bằng trong các phương thức tuyển sinh, một ý kiến nêu quan điểm rất đáng được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm xem xét, là quy định rõ ràng phương án tuyển sinh với các trường đại học công lập.
Trường công lập dù có tự chủ thì cơ sở vật chất chủ yếu là của nhà nước, tức là của Nhân dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định chỉ dành 5 đến 10% xét thẳng, 40% xét điểm thi các kì thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và 50% lấy điểm thi thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cùng với đó, các khối thi khác nhau cũng nên dành chỉ tiêu cụ thể, ví dụ khối A là 25%, khối D: 25%, khối A1: 25%, khối D07: 25% cho ngành kinh tế chẳng hạn. Tránh tình trạng thí sinh tập trung lựa chọn khối dễ học, dễ đạt điểm cao.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lam-sao-khac-phuc-triet-de-viec-thieu-cong-bang-trong-cac-phuong-thuc-tuyen-sinh-179240826124254645.htm