Làm sao để nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh?
Tiến sĩ Phạm Thị Minh Huyền (Đại học Ajou, Suwon, Hàn Quốc) thành lập dự án "Điểm tựa đam mê và sáng tạo" giúp học sinh nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu. Chị chia sẻ những kinh nghiệm của mô hình hay, giúp hạt mầm say mê nghiên cứu khoa học đâm chồi.
Từ những trăn trở sau cuộc thi nghiên cứu khoa học
Sau cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh bậc phổ thông, nhiều ý kiến đã đề cập về những điểm bất cập, tồn đọng, bất công từ cuộc thi này hay những cuộc thi tương tự.
Đó cũng là lí do khiến Tiến sĩ Phạm Thị Minh Huyền (Đại học Ajou, Suwon, Hàn Quốc) bắt tay vào thực hiện ý tưởng thành lập dự án "Điểm tựa đam mê và sáng tạo" thông qua cách xây dựng câu lạc bộ sáng tạo khoa học kỹ thuật tại một trường trung học phổ thông, nơi tiến sĩ đã tốt nghiệp.
Bước đầu Tiến sĩ Minh Huyền làm việc với các học sinh thông qua một học sinh năng nổ, nhiệt tình; từ đó khuyến khích và hướng dẫn nhóm em cùng hứng thú lên kế hoạch thành lập một câu lạc bộ có tổ chức phân ban, dự kiến hoạt động của năm, các nội dung hoạt động cơ bản.
"Song song với đó, tôi làm việc với ban giám hiệu trường để đề xuất về ý tưởng. Sau đó khoảng một tuần, một buổi họp giữa các em học sinh, thầy cô, ban giám hiệu, tôi đã bắt tay vào công việc thành lập câu lạc bộ. Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật do các em học sinh xây dựng, vận hành dưới dự hỗ trợ từ các thầy cô, nhà trường.
Tôi có sự tin tưởng lớn đối với tiềm năng của các em nên chỉ tôi đưa ra những đầu mục hướng dẫn và nhóm các em trực tiếp làm việc với nhau. Về cơ bản là mô phỏng lại cách giáo sư hướng dẫn tôi hồi tôi học tiến sĩ: gợi ý, giải đáp, và định hướng. Sau nửa năm hoạt động, tôi nhận lại rất nhiều từ hoạt động này, xin được chia sẻ như sau". Tiến sĩ Minh Huyền cho hay.
Học sinh tổ chức các buổi seminar
Các học sinh đã tổ chức được 3 buổi seminar (hội thảo) bán online (trực tuyến) với những nội dung đào tạo kỹ năng nghiên cứu khoa học từ các chuyên gia và nhà khoa học; buổi thảo luận sáng tạo ý tưởng; và thực nghiệm khoa học. Khách mời là những tiến sĩ nghiên cứu viên Tiến sĩ Minh Huyền trực tiếp mời.
Tại những buổi đó, ngoài sự tham gia của thành viên trong câu lạc bộ, còn có các giáo viên bộ môn. Tiến sĩ Minh Huyền tham gia với vai trò host (chủ), cùng với khách mời giải đáp những câu hỏi; hỗ trợ các học sinh xây dựng phát triển ý tưởng.
Trước mỗi buổi seminar, câu lạc bộ cần chuẩn bị được danh mục ý tưởng với các nội dung: vấn đề nghiên cứu là gì (tại sao lại có ý tưởng đó), câu hỏi nghiên cứu (những câu hỏi cần giải quyết để thực hiện ý tưởng trên), và cơ sở khoa học. Ba buổi seminar ban đầu được tiến hành với những khái niệm cơ bản như khoa học là gì? Nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tế? Và đạo đức nghiên cứu khoa học.
Các học sinh có tò mò vô hạn nên mỗi buổi trao đổi thường không chỉ kết thúc ở thời lượng seminar mà mở rộng thêm rất nhiều những câu hỏi thú vị sau đó. Đồng thời các học sinh tóm tắt lại nội dung buổi seminar đăng trên fanpage câu lạc bộ.
"Các học sinh khiến tôi phải "ồ, thật không ngờ" với sự hiểu và sự nghiêm túc của các em" - Tiến sĩ Minh Huyền hào hứng chia sẻ.
Các hoạt động nội bộ câu lạc bộ
Tiến sĩ Minh Huyền hướng dẫn từ xa, nên các thành viên trong câu lạc bộ làm việc qua Notion (một ứng dụng làm việc chia sẻ) với nhau từ việc lên nội dung cho mỗi buổi gặp, các sự kiện tổ chức minigame (trò chơi nhỏ), nội dung báo cáo nghiên cứu... Ngoài ra các em làm việc trực tiếp với thầy cô ở các bộ môn tại trường khi có thắc mắc.
Theo phản hồi từ thầy cô, trước đây khi có chỉ thị công văn từ sở giáo dục tới các trường về việc "phải" có đề tài tham gia dự thi, phân chỉ tiêu về các bộ môn, thầy cô gặp rất nhiều áp lực. Đầu tiên là sự e ngại về rào cản kiến thức từ học sinh thường có nhận thức nghiên cứu khoa học là làm những công việc rất lớn và ở trình độ kiến thức của các em sẽ không làm được.
Khi câu lạc bộ đi vào hoạt động, các em làm việc với nhau từ những buổi thảo luận tập thể (brainstorming) và seminar để đưa ra ý tưởng, từ đó chủ động tìm tới cố vấn chuyên môn và các thầy cô.
"Tôi luôn lắng nghe mọi ý tưởng, và gợi ý các em đọc tài liệu để tự phản biện với những câu hỏi tôi đưa ra, hoặc phản biện với các bạn trong nhóm. Thậm chí câu lạc bộ đưa ra nhiều ý tưởng ngoài số lượng trường đăng ký đi thi" - Tiến sĩ Minh Huyền chia sẻ kinh nghiệm.
Nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học
Tiến sĩ Minh Huyền cho biết, chị định hướng phát triển câu lạc bộ để mang lại giá trị dài hạn với mong muốn khởi tạo môi trường nơi các em học sinh có đam mê và có tiềm năng sẽ được cùng sinh hoạt với nhau, trao đổi, và học tập với sự hướng dẫn định hướng đúng đắn. Từ đó lan tỏa cảm hứng, đam mê, và nuôi dưỡng tài năng; khuyến khích sáng tạo và chuyên môn hóa tư duy để những sự tò mò sơ khai thành hạt giống cho những khám phá hữu ích.
Mặc dù không muốn các em gửi ý tưởng sáng tạo tới các cuộc thi sớm bởi có chút quan ngại về những sự không rõ ràng, tuy nhiên có hai nhóm trong câu lạc bộ tự tin gửi sản phẩm đi thi và mang được thành quả nho nhỏ mang về.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lam-sao-de-nuoi-duong-niem-dam-me-nghien-cuu-khoa-hoc-cho-hoc-sinh-179230217150951435.htm