Lạm phát toàn cầu ít ảnh hưởng khi Trung Quốc mở cửa trở lại

PV
06:00 - 19/02/2023

Trung Quốc - "công xưởng" lớn nhất thế giới và quốc gia đông dân nhất - đã mở cửa trở lại sau ba năm, dẫn đến nhu cầu tăng mạnh và nguy cơ làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng nhà đầu tư không cần quá lo lắng.

Lạm phát toàn cầu ít ảnh hưởng khi Trung Quốc mở cửa trở lại - Ảnh 1.

Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ khiến lạm phát trầm trọng hơn? Ảnh: Nuno Alberto

Lo ngại lạm phát bị "thổi phồng quá mức"

Gần đây những lo ngại nhu cầu bị dồn nén ở Trung Quốc sẽ gây ra một làn sóng lạm phát tăng cao trong bối cảnh Trung Quốc nhanh chóng dỡ bỏ chính sách phòng dịch "Không COVID-19", đồng thời các ngân hàng trung ương toàn cầu đang đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất kiềm chế giá cả tăng cao. Những đồn đoán này đã làm tăng giá của mọi thứ, từ kim loại đồng đến cổ phiếu của các hãng sản xuất hàng xa xỉ.

Tuy  nhiên, Trung Quốc đã công bố các kế hoạch chi tiết để thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp của nền kinh tế, cũng như xu hướng hạn chế mua sắm xa xỉ phẩm đắt tiền. Trên cơ sở này, các chuyên gia kinh tế tỏ ra không lo lắng về "bóng ma" lạm phát toàn cầu mới, bởi Giới quan sát cũng chỉ ra sự trì trệ trong thị trường lao động của Trung Quốc và các ưu tiên tăng trưởng của chính phủ nước này cũng sẽ góp phần làm giảm lạm phát.

Chi Lo, chiến lược gia thị trường cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty quản lý tài sản BNP Paribas
Tôi không nghĩ rằng sự phục hồi hoặc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ khiến lạm phát toàn cầu tăng đáng kể.

Sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tập trung vào nền kinh tế bên trong và không có khả năng làm tăng giá đồng nhân dân tệ lên đáng kể. Điều này sẽ khiến giá xuất khẩu không tăng cao và lạm phát tăng ở những nơi khác.

Theo chuyên gia Chi Lo, quan ngại cho rằng nhu cầu của Trung Quốc có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất đã bị "thổi phồng quá mức". Các nhà quản lý danh mục đầu tư của BNP dự đoán sự phục hồi của Trung Quốc sẽ thúc đẩy du lịch khu vực chứ không làm tăng giá xuất khẩu của hàng hóa trong lĩnh vực chế tạo.

Trung Quốc mở cửa trở lại, nhưng tác động là không quá lớn

Thị trường kim loại đã tăng giá nhờ kỳ vọng vào nhu cầu tăng lên, với giá đồng kỳ hạn trong tháng trước lần đầu tiên chạm mức 9.000 USD/tấn kể từ tháng 6/2022. Mặc dù Trung Quốc là nước định giá quặng sắt và là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, triển vọng giá quặng sắt tăng mạnh hơn nữa do nền kinh tế mở cửa trở lại là khó xảy ra.

Nguyên nhân, theo chuyên gia Chi Lo, là do đầu tư cho cơ sở hạ tầng cũ như đường sá, cầu, cảng và sân bay và cảng vẫn đang diễn ra, nhưng các hạng mục này sẽ không còn là ưu tiên trong thập kỷ tới. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng mới, chẳng hạn như cho công nghệ, sẽ không thâm dụng nguyên vật liệu lớn như trước. Do vậy, thị trường hàng hóa vẫn sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nhưng tác động là không quá lớn.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ việc nhập khẩu dầu giá rẻ của Nga và đã tăng cường dự trữ. Điều này hạn chế khả năng nhu cầu dầu tăng lên sẽ trở thành yếu tố gây lạm phát.

Thực tế là kinh tế Trung Quốc hiện nay gần như không có áp lực lạm phát, do tăng trưởng kinh tế vừa phải và đồng nội tệ tăng giá. Trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế nước này chỉ đạt 3% - mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ. Giám đốc Văn phòng đầu tư APAC thuộc ngân hàng đầu tư UBS ước tính tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có khả năng đạt khoảng 5% trong năm nay, nhưng lạm phát sẽ tăng tốc "chỉ ở mức khiêm tốn" lên 3%.

Mặt khác, các nhà quan sát cũng chỉ ra rằng, một thị trường lao động tương đối yếu cũng sẽ kiềm chế lạm phát ở Trung Quốc. Nước này đã không triển khai các gói kích thích kinh tế trực tiếp, vốn đã thúc đẩy việc tuyển dụng và tiêu dùng ở hầu hết các nền kinh tế phương Tây. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức kỷ lục 20% vào năm ngoái.

Lạm phát có thể gia tăng khi khoản tiết kiệm 17.800 tỷ NDT dùng vào việc du lịch và mua sắm

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng lạm phát có thể gia tăng khi người tiêu dùng sử dụng khoản tiết kiệm 17.800 tỷ NDT (khoảng 2.591 tỷ USD) tích lũy trong đại dịch để đi du lịch và mua sắm. Ricky Tang, đồng giám đốc quản lý danh mục đầu tư khách hàng của công ty quản lý tài sản Value Partners Group ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), cho biết: "Số tiền tiết kiệm lớn ở Trung Quốc chắc chắn có thể hỗ trợ sự phục hồi tiêu dùng - câu hỏi đặt ra là mọi người sẵn sàng chi bao nhiêu".

Thống kê từ công ty quản lý dữ liệu ForwardKeys cho thấy, giá vé máy bay trung bình cho các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc trong tháng 1/2023 cao hơn gấp 2 lần so với giá của năm 2019, mặc dù không có sự đột biến ngay lập tức về lượng khách đi lại. Olivier Ponti, phó chủ tịch phụ trách thông tin của ForwardKeys, cho biết sẽ mất nhiều tháng trước khi lượng lớn khách du lịch Trung Quốc quay trở lại các sân bay châu Âu do hạn chế về sức chứa của các chuyến bay và giá vé máy bay cao. Bên cạnh đó là các vấn đề với thị thực và sự chậm trễ trong việc gia hạn hộ chiếu.

Một lý do khác khiến triển vọng lạm phát không quá xấu, là chuỗi cung ứng được sắp xếp hiệu quả giúp giảm bớt áp lực về giá. Sản xuất thịt lợn là một trường hợp điển hình. Sản lượng đạt mức cao nhất trong 8 năm vào năm 2022 và giá đã giảm 10,8% trong tháng 1/2023. Giá thịt lợn đầu vào tại các nhà máy đang giảm, điều mà các nhà phân tích cho rằng làm tăng khả năng xảy ra kịch bản "Goldilocks" - mô tả sự tăng trưởng ổn định mà không gây ra lạm phát.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (17/2), khi thống kê cho thấy lạm phát cao hơn dự báo và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống phản ánh sự vững vàng của nền kinh tế, củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Giá dầu thô cũng giảm nhẹ vì mối lo lãi suất và nhu cầu tiêu thụ dầu.

Giá dầu Brent đã dao động trong vùng 80-90 USD/thùng suốt 6 tuần qua, trong khi giá dầu Brent dao động từ 72-83 USD/thùng suốt từ tháng 12. Tuy nhiên, bên cạnh áp lực giảm, giá dầu vẫn đang được nâng đỡ bởi hy vọng về sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc. Tuần này, cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đều nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2023.

Phát biểu ngày thứ Năm, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói thoả thuận cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày mà OPEC+ đang thực thi sẽ được duy trì cho tới hết năm nay. Ông Abdulaziz cũng tỏ ra thận trọng về nhu cầu của Trung Quốc.


Nguồn: Tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lam-phat-toan-cau-it-anh-huong-khi-trung-quoc-mo-cua-tro-lai-179230218183537139.htm