Lạm phát tại Anh tăng cao kỷ lục trong 40 năm

PV
16:08 - 17/08/2022

Lạm phát của Anh tháng 7 đã tăng lên mức kỷ lục mới trong 40 năm qua do giá lương thực tăng, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nước này.

Số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 17/8 cho thấy trong tháng 7 vừa qua, lạm phát của Anh đã tăng lên mức kỷ lục mới trong 40 năm qua. Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh trong tháng 7 đã tăng lên 10,1%, từ mức 9,4% trong tháng 6. Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 7 tăng vọt là do giá thực phẩm tăng, chủ yếu là bánh mì, ngũ cốc, sữa, phô mai và trứng.

Đầu tháng này, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo lạm phát có thể lên tới trên 13%, mức cao nhất kể từ năm 1980, có nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái kéo dài đến cuối năm 2023.

Lạm phát tại Anh tăng cao kỷ lục trong 40 năm - Ảnh 1.

Lạm phát tại Anh lập kỷ lục mới trong 40 năm.
Ảnh: Businessamlive

BoE đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5 điểm phần trăm, lên 1,75%, nhằm giải quyết tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao. Đây là đợt tăng lãi suất lần thứ 6 kể từ tháng 12/2021 và là đợt tăng mạnh nhất trong 27 năm qua, đưa lãi suất của Anh lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2008.

Động thái của BOE đã đưa quỹ đạo thắt chặt tiền tệ của ngân hàng này tiến gần hơn với xu hướng do Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra khi hai cơ quan này đã tăng lãi suất tương ứng 0,75 và 0,5 điểm phần trăm trong tháng 7 vừa qua.

Nền kinh tế Anh trở nên bất ổn trong bối cảnh, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố từ chức. Người kế nghiệm ông Johnson sẽ phải đưa ra các quyết định lớn liên quan tới chính sách thuế và chi tiêu của Chính phủ nhằm giảm rủi ro xảy ra suy thoái. Tuy nhiên, việc này có thể làm tăng thêm sức ép lạm phát tới nền kinh tế.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Citi của Mỹ dự báo hai ứng cử viên lãnh đạo Đảng Bảo thủ Priti Patel và Liz Truss - từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Ngoại giao trong Nội các của ông Johnson - có thể kêu gọi giảm thuế nhanh và tăng chi tiêu. Trong khi đó, ông Sunak và cựu Bộ trưởng Y tế Sajid Javid - cũng là hai ứng viên tiềm năng - sẽ thận trọng hơn trong chính sách tài chính.

Giới phân tích nhận định, quyết định của tân lãnh đạo sẽ có tác động lâu dài đối với nền kinh tế Anh.

Nguồn: Tổng hợp

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/lam-phat-tai-anh-tang-cao-ky-luc-trong-40-nam-179220817154243474.htm