Kỷ niệm 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Khai mạc Lễ hội 2023

PV
17:46 - 27/01/2023

Ngày 27/1 (6 tháng Giêng năm Quý Mão), Lễ kỷ niệm 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 1980 năm Hai Bà Trưng mất và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2023 đã trang trọng diễn ra tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Kỷ niệm 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Khai mạc Lễ hội 2023 - Ảnh 1.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng các đại biểu dâng hương tại Đền Hai Bà Trưng. Ảnh: KTDT

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan... cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc đã tham dự.

Lễ hội là hoạt động văn hóa tâm linh nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị Anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị cùng các tướng lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành lại nền độc lập dân tộc vào những năm 40-43 sau Công nguyên. 

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dâng hương tưởng niệm Hai Bà Trưng và phát biểu nhấn mạnh: Hai Bà Trưng là biểu tượng của ý chí hiên ngang và khí phách quật cường của dân tộc ta, thể hiện truyền thống yêu nước nồng nàn của phụ nữ Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam do phụ nữ lãnh đạo.

Từ trong ngọn lửa của cuộc khởi nghĩa ấy tỏa ra chân lý lịch sử: Một dân tộc dù nhỏ bé nhưng đã quyết tâm đứng lên, đoàn kết một lòng làm chủ đất nước và số phận của mình thì không một sức mạnh cường bạo nào có thể tiêu diệt được.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tin tưởng rằng, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là ý kiến chỉ đạo rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11 năm 2021; quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể rất đồ sộ, phong phú, đa dạng của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, trong đó có Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng và Lễ hội Đền Hai Bà Trưng.

"Đây là tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại. Chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, bồi đắp, để những di sản văn hóa trở thành động lực và nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ.

Kỷ niệm 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Khai mạc Lễ hội 2023 - Ảnh 2.

Người dân Mê Linh rước kiệu kỷ niệm 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Khai mạc Lễ hội 2023.

Sau 2 năm tạm dừng phần hội do dịch COVID-19, lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) tổ chức trong niềm vui, phấn khởi của người dân cùng du khách thập phương. Hội Đền thờ Hai Bà Trưng gồm hai phần: Phần lễ là hoạt động dâng hương, mít tinh kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa và tế lễ theo nghi thức truyền thống cổ truyền.

Sáng mùng 6 tháng Giêng, người dân Mê Linh tổ chức rước kiệu Hai Bà, kiệu Thành hoàng làng Hạ Lôi và kiệu Thánh Cốt Tung - một danh tướng của Hùng Duệ Vương được thờ tại làng Hạ Lôi.

Phần hội diễn ra từ ngày mùng 6 đến hết mùng 8 tháng Giêng, gồm các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống, thi đấu thể thao.

Đền Hai Bà Trưng là một công trình Văn hóa tâm linh, Di tích Lịch sử - Văn hóa - Cách mạng quý giá, điểm đến du lịch của Thủ đô Hà Nội và cả nước. Năm 2013, Đền Hai Bà Trưng được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt. Năm 2018, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2021 được công nhận là điểm đến du lịch.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/ky-niem-1983-nam-khoi-nghia-hai-ba-trung-va-khai-mac-le-hoi-2023-179230127174343295.htm