Kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm nhờ thanh tra đột xuất
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thông qua công tác thanh tra đã kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm, trong đó có những vụ việc nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm; đồng thời bổ sung nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật còn sơ hở, bất cập, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Ngày 5/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn trước Quốc hội. Nội dung trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung vào các nhóm vấn đề:
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
- Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.
- Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong nhân dân.
- Công tác phối hợp và giải pháp khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Phát hiện nhiều sai phạm trong ngân hàng
Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, thực hiện chức năng được giao, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với bộ, ngành, địa phương, Ngân hàng Nhà nước để trình Chính phủ định hướng công tác thanh tra, trong đó có một số công tác trọng tâm, trọng điểm đối với lĩnh vực ngân hàng.
Với ngân hàng thường tập trung thanh tra cấp tín dụng, đầu tư liên quan đến lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu Chính phủ và công tác xử lý nợ xấu…
Hàng năm, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra ngân hàng giám sát, thanh tra chuyên ngành đối với việc quản lý thu, chi các ngân hàng.
Theo quy định, Thanh tra Chính phủ chỉ thanh tra tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%. Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hoặc ngân hàng có vốn nhà nước dưới 50% không thuộc đối tượng thanh tra của Thanh tra Chính phủ, trừ trường hợp đặc biệt chỉ đạo từ Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, Chính phủ hoặc Thủ tướng giao.
Ông Đoàn Hồng Phong cho biết, những năm qua, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng thương mại (VietcomBank, VietinBank, BIDV, Agribank) và 2 ngân hàng chính sách xã hội.
Kết quả thanh tra đã phát hiện nhiều sai sót, vi phạm và kiến nghị cần chấn chỉnh xử lý nghiêm”, đồng thời phát hiện, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách bất cập.
Đang thanh tra lĩnh vực xăng dầu
Hiện nay xảy ra tình trạng nhiều cây xăng ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh không bán hoặc bán rất ít, giới hạn chỉ 500 - 600 nghìn đồng mỗi lượt đối với ô tô, gây bức xúc cho người dân.
Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, cơ quan thanh tra đã và đang tiến hành thanh tra đột xuất, cùng Bộ Công Thương chỉ ra những tồn tại, hạn chế, góp phần khắc phục những vấn đề liên quan đến xăng dầu.
Làm rõ hơn vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, những ngày qua, nguồn cung xăng dầu thế giới ngày càng khan hiếm. Tỉ giá ngoại tệ liên tục thay đổi, tăng cao trong tuần qua, ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.
Cùng với đó, việc tiếp cận vốn ngoại tệ để được bảo lãnh nhập hỗ trợ thanh toán của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối cũng còn khó khăn do nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của các ngân hàng. Do đó, tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung trong hệ thống tiếp tục diễn ra ở một số nơi.
Về giải pháp, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng vào cuộc; các ngành chức năng đều đã và đang làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình. Sự phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các ngành chức năng đã hiệu quả hơn.
"Ngay trong chiều 4/11, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính để trong kỳ điều hành ngày 11/11 tới sẽ cập nhật những chi phí phát sinh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo cụ thể cho các ngân hàng thương mại xem xét, giải quyết đối với những doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn và bảo lãnh thanh toán", Bộ trưởng Diên chia sẻ.
Mặt khác, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước phối hợp với cơ quan chức năng tại địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý theo quy định hiện hành. Bộ đã có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước theo thẩm quyền, phối hợp với Bộ Công Thương cũng như các bộ ngành để giải quyết một cách dứt điểm.
Nâng cao chất lượng ngành Thanh tra
Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, thời gian qua, đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất có quy mô lớn, phức tạp. Từ đó phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý; chuyển nhiều hồ sơ sai phạm của cán bộ sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý theo thẩm quyền.
Trong năm 2022, đã thanh tra mua sắm thiết bị phòng chống COVID-19, thanh tra quản lý xăng dầu, quy hoạch các công trình trọng điểm quốc gia, thị trường chứng khoán,...
“Các cuộc thanh tra đột xuất này đều được tiến hành với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất để kết luận và báo cáo Ban Chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét”, ông Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hoạt động thanh tra còn gặp khó khăn do số lượng cán bộ thanh tra còn hạn chế.
Thời gian qua, ngành Thanh tra đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong 10 năm từ 2012-2022, Thanh tra đã triển khai đồng bộ, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.
Từ đó, đã kiến nghị thu hồi số tiền hơn 461.000 tỷ đồng; 750.000 ha đất; kiến nghị xử lý hơn 44.000 tập thể cá nhân; chuyển cơ quan điều tra hơn 1.100 vụ và hơn 1.100 người.
“Thanh tra Chính phủ chỉ có 408 cán bộ công chức, trong đó công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng chỉ hơn 200 người nên rất khó khăn trong hoàn thành yêu cầu nhiệm vụ”, ông Đoàn Hồng Phong nói.
Tổng Thanh tra cũng nhấn mạnh, cán bộ, công chức ngành thanh tra cơ bản đã chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước về đạo đức công vụ. Tuy nhiên, theo ông, còn có trường hợp chưa chấp hành, vi phạm, điển hình là vụ việc Thanh tra Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc.
Thanh tra Chính phủ đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng ngành Thanh tra như ban hành 5 chuẩn mực đạo đức, văn hóa công sở của ngành Thanh tra.
Đặc biệt vừa qua, trên cơ sở giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45, trong đó có quy định những điều nghiêm cấm như cán bộ thanh tra không được nhận tiền, quà của đối tượng thanh tra, không được giao lưu dưới bất cứ hình thức nào với đối tượng thanh tra…
“Tôi mong các đại biểu Quốc hội, cũng như cử tri cả nước giám sát cán bộ ở các đoàn thanh tra khi làm ở các bộ, ngành, địa phương. Nếu phát hiện sai phạm theo điều cầm thì chúng tôi sẽ xử lý theo quy định”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh và cho biết thêm, tới đây sẽ ban hành quy chế hoạt động của đoàn thanh tra để đề cao trách nhiệm, ngăn chặn những sai phạm đạo đức công vụ của đoàn thanh tra.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/kip-thoi-phat-hien-xu-ly-vi-pham-nho-thanh-tra-dot-xuat-17922110512272757.htm