"Kinh triều bảo lục, Nam Thiên Thánh Tổ Tản Viên Sơn" – cuốn sách về thời Kinh Dương Vương mở nước
Truyện họ Hồng Bàng kể: "Cháu ba đời Viêm Đế Thần Nông tên là Đế Minh... đi tuần phương Nam đến Ngũ Lĩnh... sinh ra Lộc Tục... Đế Minh phong Lộc Tục là Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ.
Kinh Dương Vương xuống Thủy phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm, tức là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân thay cha trị nước, còn Kinh Dương Vương không biết đi đâu..."
Dòng huyền sử khởi nguồn ngắn gọn này đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi cho người Việt. Vị Nam Thiên Thủy Tổ Kinh Dương Vương là ai? Vùng sơ quốc Ngũ Lĩnh Xích Quỷ, rồi Động Đình Thủy phủ là ở đâu? Kinh Dương Vương "đi về đâu"?
Vấn đề cội nguồn lịch sử Kinh Dương Vương mở nước đã được làm sáng tỏ trong cuốn sách "Kinh triều bảo lục – Nam Thiên Thánh Tổ Tản Viên Sơn" vừa mới phát hành tháng 12/2022 bởi nhà xuất bản Lao Động. 372 trang sách do 2 tác giả của Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền Miếu Việt sưu tầm, biên dịch và khảo cứu.
Thông qua việc tuyển chọn, biên dịch các thần tích và ngọc phả về Tản Viên Sơn Thánh, kết hợp với khảo sát thực địa hàng trăm di tích đền miếu thờ phụng Thánh Tản cùng các vị thần liên quan, cuốn sách đã đưa ra một nhận định mang tính chất đột phá. Tản Viên Sơn Thánh, vị Thánh Tổ của Trời Nam chính là vua Kinh Dương Vương mở nước Xích Quỷ nơi Ngũ Lĩnh Động Đình. Những sự tích, di tích, tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh là cuốn đại sử thi về vị thánh tổ Kinh Dương Vương của người Việt.
Từ công nghiệp trị cơn hồng thủy thời Đường Nghiêu, tìm ra nguồn lửa, nguồn nước, sáng tạo ra cái ăn, cái mặc cho con người... đến việc thiết lập kinh đô Ngũ Lĩnh, chinh phục Động Đình và những chiến công anh hùng chống giặc giữ nước đã viết nên những trang sử của triều đại Kinh Dương Vương (Kinh triều) sáng rạng trong buổi bình minh của dân tộc. Tất cả công lao, ân đức của đức Nam Thiên Thánh Tổ được ghi chép, tập hợp một cách đầy đủ, sống động và chân thật trong tác phẩm, lấy tên là "Kinh triều bảo lục". Ghi lại, tôn kính và nhận thức đúng về tổ tiên là điều cần thiết cho mỗi người Việt ngày nay.
Trong cuốn sách còn giới thiệu 2 cuốn kinh quan trọng về Tản Viên Sơn Thánh. Một là phần trùng đính của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cho sự tích về Thánh Tản trong cuốn "Đại hóa thần kinh" in năm Thành Thái thứ 18 (1907). Hai là cuốn kinh giáng bút có tên "Nhất thành khả cách chân kinh" in năm Bảo Đại thứ 6 (1931), với chân tượng của Tam vị Tản Viên. Đây là những tư liệu quý về Thánh Tản đã được phiên âm và giới thiệu trong cuốn sách mới xuất bản này.
Sau tác phẩm khảo cứu về các bậc Thánh Tổ Hùng Vương thì cuốn sách "Kinh triều bảo lục – Nam Thiên Thánh Tổ Tản Viên Sơn" là một bước đột phá mới trong nghiên cứu về nguồn gốc và lịch sử người Việt thời cổ đại. Hơn 4.000 năm lịch sử của dân tộc đang dần dần được tái hiện từ những di sản văn hóa vật chất cũng như tinh thần mà tiền nhân người Việt để lại.
Tưởng nhớ công lao và sự nghiệp của đức Kinh Dương Vương – Tản Viên Sơn, cuốn sách đã có thơ đề:
Tôi nghe kể chuyện thánh Sơn Tinh
Hiếu thuận cảm thiên tỏ nghĩa tình
Hắc Thủy ước thư khơi nước lũ
Trường Sa thần trượng cứu dân sinh
Động Đình rẽ sóng thâm gia kết
Tản Lĩnh xuất quân phá Thục binh
Nối dòng Sùng Lạc ngàn năm sáng
Miếu điện nguy nga thượng tối linh.