Kinh nghiệm về bộ ba tu từ

09:36 - 05/07/2022

Nhiều nhà ngôn ngữ học cho rằng bộ ba tu từ có cấu trúc giống nhau có tác dụng thuyết phục người đọc, người nghe vì không quá dài và cũng không quá ngắn.

"Tôi nghe và tôi quên,

Tôi thấy và tôi nhớ, 

Tôi làm và tôi hiểu". 

Là câu nói của Khổng Tử khuyên răn giáo viên không chỉ dạy suông mà phải thực hành để học sinh hiểu và làm theo được.

Bộ ba câu cấu thành của lời khuyên làm cho chúng ta dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ hơn.

Kinh nghiệm về bộ ba tu từ - Ảnh 1.

Khổng Tử. Ảnh minh họa, nguồn: vectorstock

1.

Trong nhiều thứ tiếng, việc lặp lại từ, cụm từ hay câu ba lần trở thành một phương pháp tu từ cần thiết. Bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, cấu trúc câu ba lần lặp lại đã trở thành phổ biến trong nhiều thứ tiếng, đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Pháp. 

Những ví dụ nổi tiếng là câu của Julius Ceasar: "Tôi đến, tôi thấy, tôi chinh phục" (veni, vedi, vici) trong thư gửi Thượng viện La Mã năm 46 trước công nguyên. Trong tiếng Anh đó là câu: Nhà nước của dân, do dân, vì dân (Government of the people, by the people, for the people) của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln năm 1863. Trong tiếng Pháp đó là khẩu hiệu: "Tự do, bình đẳng, bác ái" (Liberté, egalité et fraternité). Tiếng Việt của chúng ta có câu: "Độc lập, tự do, hạnh phúc".

Thông thường, bộ ba gồm các từ hay cụm từ có cùng chiều dài, cùng mẫu hay cùng cấu trúc ngữ pháp, đôi khi cấu phần thứ ba có thể dài hơn hai cấu phần trước một chút. 

Từ ngữ dùng trong bộ ba phải ngắn gọn, chuyển tải đúng ý. 

Các cấu phần của bộ ba có thể vần với nhau để dễ nghe.

2.

Nhiều nhà ngôn ngữ học cho rằng bộ ba có cấu trúc giống nhau này có tác dụng thuyết phục người đọc, người nghe vì không quá dài và cũng không quá ngắn. 

Hơn nữa, bộ ba cho thấy các thành phần ngôn ngữ đều có có quan hệ như nhau với nhau và do vậy có tầm quan trọng ngang nhau. 

Bộ ba làm câu rõ ràng hơn và mạch lạc hơn. Một ví dụ thú vị là câu "blood, toil, tears and sweat" (Máu, lao động, nước mắt và mồ hôi) trong diễn văn "thắng lợi bất cứ giá nào" của Thủ tướng Winston Churchill năm 1940. Ngày nay bài diễn văn đó được gọi là diễn văn "máu, nước mắt và mồ hôi" đơn giản là vì bộ tứ của cố Thủ tướng Anh dài và khó nhớ.

3.

Khác với bộ nhị gồm hai phần, bộ ba là danh sách và có ý cho là đó là một danh sách đầy đủ. Hãy xem xét đầu đề của cuốn sách "Việt Nam ước mơ tôi" của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng mới xuất bản trong thời gian đại dịch COVID. Hai phần đầu "Việt Nam" và "ước mơ" chưa nói được gì. Phần thứ ba là "tôi" đã làm cho đầu đề trọn vẹn và dễ hiểu.

Bộ ba không chỉ là cách tu từ mà còn được áp dụng nhiều trong viết. Khi bắt đầu học viết, chúng ta thường được yêu cầu viết bài có năm đoạn bao gồm bộ ba là mở bài, thân bài và kết luận. Như vậy, thân bài có ba đoạn (bộ ba). Mỗi đoạn đều cần nêu lên ý chính, và ba ý phụ (bộ ba) để bổ trợ cho ý chính. 

Vì những lý do như vậy, bộ ba đã trở thành phổ biến trong nhiều ngôn ngữ.

Trong khi viết và nói, cần phải sử dụng bộ ba tu từ hay thậm chí chia các câu thành ba cấu phần. Điều này sẽ làm bài viết hay bài nói của chúng ta chính xác, có sức thuyết phục và thu hút hơn. 

Vì những lý do như vậy, bộ ba tu từ đã trở thành phổ biến trong nhiều ngôn ngữ.

Đây cũng là một trong những lý do bài nói "Chân thành, lòng tin và trách nhiệm, vì một thế giới tốt đẹp hơn" của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ở Washington D.C, Mỹ ngày 11 tháng Năm vừa qua có sức thuyết phục và thu hút người nghe.

Bài học: Bộ ba tu từ làm bài viết rõ ràng, đầy đủ và có sức thu hút hơn.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/kinh-nghiem-ve-bo-ba-tu-tu-179220704162003742.htm