"Kiếp người vĩnh cửu và vô thường" vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn tỉnh Khánh Hoà
Câu nghị luận xã hội của đề thi yêu cầu thí sinh bàn về câu nói "Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ lặng thinh và thăm thẳm như nó vốn là" (trích sách "Kiếp người vĩnh cửu và vô thường", tác giả Vũ Hoàng Long).
Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hoà đã tổ chức kì thi chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia, trong đó có môn Ngữ văn. Đề thi (vòng 2) gồm 2 câu: nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Nội dung đề thi như sau:
Câu 1. Trong cuốn sách Kiếp người vĩnh cửu và vô thường, tác giả Vũ Hoàng Long viết: "Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ lặng thinh và thăm thẳm như nó vốn là".
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Câu 2. Bàn về quá trình sáng tạo, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (nhà thơ lớn
triều Nguyễn) khẳng định: Phàm một cái gì đó chẳng luận hay dở đều có người trước dẫn đường.
Ralph Waldo Emerson, nhà thơ lớn người Mỹ ở thế kỉ XIX, viết: "Người gây cảm hứng và dẫn đường cần tách khỏi những người khác, để không phải sống, thở, đọc và viết hằng ngày dưới gông cùm những ý kiến của họ". (Trích Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021, trang 79)
Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy làm sáng tỏ hai ý kiến trên.
Gợi ý đáp án câu nghị luận xã hội
Giải thích: Khi bạn khao khát một điều gì đó là khi con người có mong muốn thiết tha cháy bỏng, có mục tiêu lớn lao để theo đuổi, chinh phục. "Cả vũ trụ sẽ lặng thinh và thăm thẳm như nó vốn là" - không gian sống rộng lớn bên ngoài, tồn tại độc lập với ý thức của con người sẽ hoàn toàn lặng im, không bị tác động bởi ý muốn của con người. Ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của sức mạnh nội tại, ý thức dựa vào chính mình khi thực hiện mong ước lớn lao.
Bàn luận: Mỗi người đều bị cuốn vào guồng quay của cuộc sống với những mối quan tâm, chức phận, mơ ước riêng khiến họ không còn đủ thời gian, tâm huyết để quan tâm sâu sắc đến khao khát của người khác, không thể sống thay người khác.
Chỉ bản thân mới hiểu rõ khát khao cháy bỏng, mơ ước lớn lao, dự định riêng tư của chính mình. Lựa chọn riêng có khi không gặp gỡ, không chung đường với số đông.
Dựa vào chính mình, con người sẽ phát huy tối đa năng lực, tiềm lực của bản thân, nỗ lực hành động để chinh phục mục tiêu. Khi đó, con người sẽ thu hút được năng lượng tích cực từ bên ngoài để trợ lực cho việc chinh phục khát khao.
Dựa vào chính mình có thể khiến con người đôi lúc cảm thấy đơn độc, đối mặt với nhiều thách thức, nhưng bù lại, con người trưởng thành sâu sắc và hoàn toàn tự do, không bị phụ thuộc vào người khác.
Khát khao cháy bỏng của cá nhân chỉ có ý nghĩa khi mang đến những giá trị cho bản thân và mọi người. Để đạt được điều đó, mỗi người luôn cần sự chia sẻ, đồng hành, trợ giúp từ người khác. Vì thế, dựa vào chính mình không có nghĩa là bỏ mặc người khác, mắc hội chứng vĩ cuồng, thổi phồng cái tôi cá nhân.
Khi mải miết với khao khát cháy bỏng của riêng mình, con người dễ bị cuốn vào tiếng nói bên trong mà không nhận thức đầy đủ, đúng đắn về thế giới xung quanh.
Bài học nhận thức và hành động: Nhận thức được giá trị của sức mạnh nội tại và ý nghĩa của mối quan hệ giữa mình và mọi người. Nỗ lực hoàn thiện bản thân, kiên định theo đuổi mơ ước nhưng cũng cần biết quan tâm đến thế giới xung quanh, biết kết nối và huy động nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài.
Gợi ý đáp án câu nghị luận văn học
Giải thích: Ý kiến của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm nhấn mạnh tính kế thừa, nối tiếp.
Ý kiến của Ralph Waldo Emerson: nhấn mạnh tính cách tân, độc đáo. Hai ý kiến bổ sung cho nhau, hoàn thiện quy luật sáng tạo văn học: vừa có sự kế thừa, vừa có sự cách tân.
Bàn luận - chứng minh: Vì sao sáng tạo văn học luôn có sự kế thừa và cách tân? Bởi vì tác phẩm văn học có giá trị vừa là chứng tích của một thời, vừa là chân lí của mọi thời. Bất kỳ sự sáng tạo nào cũng khởi nguồn từ sự tiếp thu cái đã có, chuyển hóa và phát huy để tạo ra cái mới.
Văn học là lĩnh vực của sự độc đáo. Sáng tác văn học chịu sự chi phối chủ yếu bởi quan niệm, cá tính, sở trường của nhà văn. Mỗi nhà văn là một bản thể độc lập trong cách cảm nhận và biểu đạt thế giới. Vì thế, sáng tạo văn học dù ít hay nhiều, đậm hay nhạt, đều có dấu ấn riêng biệt của chủ thể sáng tạo. Nếu cá tính nhà văn mờ nhạt, không tạo ra được tiếng nói riêng, giọng điệu riêng thì đó là sự tự sát trong văn học.
Tính kế thừa và cách tân trong văn học biểu hiện trên những phương diện nào? Về nội dung: kế thừa những tư tưởng lớn trong văn học, đồng thời, phát triển những tư tưởng mới, đào sâu những khía cạnh mới, góc nhìn mới cho đề tài cũ,...
Về nghệ thuật: kế thừa về thể loại, ngôn ngữ, thi liệu, bút pháp..., đồng thời, sáng tạo cách biểu đạt mới, giọng điệu mới,...
Chứng minh: thí sinh chọn lọc những tác phẩm văn học có sự kế thừa và cách tân, tiếp biến và giao thoa. Đánh giá cao những bài viết thể hiện sự am tường về tác phẩm văn học ở cả phương diện nội dung và hình thức; huy động dẫn chứng sâu rộng, đa dạng về thể loại, tiến trình, có văn học trong nước và nước ngoài...
Mở rộng: Kế thừa trong sáng tạo văn học không phải là một sự lặp lại rập khuôn, sao chép giản đơn, hời hợt. Cách tân, đổi mới không phải tạo ra những cái mới lập dị, không có giá trị với con người và cuộc sống.
Nhà văn cần trau dồi vốn sống, học hỏi kinh nghiệm sáng tác và phát huy tối đa cá tính sáng tạo để tạo nên những tác phẩm giá trị, độc đáo. Độc giả cần có thái độ cởi mở trước cái mới nhưng cũng cần tỉnh táo để thẩm định, sàng lọc cái mới.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/kiep-nguoi-vinh-cuu-va-vo-thuong-vao-de-thi-hoc-sinh-gioi-ngu-van-tinh-khanh-hoa-179231209220610648.htm