Khuyến cáo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm trong ngày nắng nóng
Trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện từ đầu năm đến nay tăng rất cao, việc sử dụng điện tiết kiệm lại càng rất cần thiết và có ý nghĩa.
Nắng nóng kéo dài, nhu cầu tiêu thụ điện tăng rất cao
Mức nhiệt đo được ngày 18/7 lên tới 40,0 độ C
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 18/7, ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất tại các khu vực này phổ biến từ 35 - 38 độ C, có nơi trên 39 độ C như tại Phù Yên (Sơn La) và Hồi Xuân (Thanh Hóa) là 39,5 độ C. Đặc biệt, tại Con Cuông (Nghệ An) đã ghi nhận mức nhiệt đo được lên tới 40 độ C. Độ ẩm trong ngày tương đối thấp và phổ biến từ 45 - 65%.
Ngày 19/7, ở khu vực Trung Bộ tiếp tục xảy ra nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 37 độ C, có nơi trên 38 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 50 - 65%, thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 11 - 17 giờ.
Cảnh báo tác động của nắng nóng
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng ở khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
(Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia)
Công suất tiêu thụ điện của miền Bắc lập đỉnh mới
Nắng nóng gay gắt kéo dài đã làm nhu cầu tiêu thụ điện miền Bắc tăng rất cao. Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, vào trưa 18/7, công suất tiêu thụ điện của miền Bắc đã lập mức đỉnh mới là 22.800MW – cao hơn tới khoảng 4.200MW so với cùng kỳ 2021 (tương đương 22,6%) và cũng cao hơn 500MW so với mức kỷ lục gần đây nhất vào ngày 21/6/2022.
Trong khi đó, nguồn phát điện đã gặp những khó khăn nhất định. Một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố như: Cẩm Phả, Thăng Long, Quảng Ninh, Ninh Bình, Mông Dương 2 với tổng công suất không phát điện được tương ứng khoảng 1.555MW.
Nắng nóng kéo dài làm nhu cầu tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao, phần lớn do sử dụng nhiều thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.
Không chỉ vậy, đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện. Ngay việc sử dụng điện trong sinh hoạt, nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao so với bình thường.
Khuyến cáo sử dụng an toàn và tiết kiệm điện
Trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện từ đầu năm đến nay tăng rất cao (như than, khí, dầu ….), việc sử dụng điện tiết kiệm lại càng rất cần thiết và hết sức có ý nghĩa, góp phần giảm bớt chi phí cho hệ thống điện quốc gia.
Mỗi người dân và các hộ gia đình nên thực hiện các biện pháp dưới đây giúp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong mùa nắng nóng:
Hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện cùng một lúc trong giờ cao điểm
Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình, EVN đề nghị người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối, cụ thể là buổi trưa từ 11 giờ 30 đến 14 giờ 30, buổi tối từ 20 giờ đến 22 giờ.
Chỉ nên sử dụng những thiết bị cần thiết và những thiết bị tiết kiệm điện đã được chứng nhận. Không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
Sử dụng điều hòa hợp lý
Để đề phòng hiện tượng sốc nhiệt và tiết kiệm điện trong những ngày cao điểm nắng nóng, bạn nên để điều hòa ở mức nhiệt 26 - 27 độ C trở lên. Khi bật điều hòa nên kết hợp cùng quạt gió giúp phòng nhanh mát, thông thoáng. Tắt điều hòa vào ban đêm và mở cửa đón khí trời.
Sử dụng tủ lạnh đúng cách để tiết kiệm điện
Đặt tủ lạnh cách tường ít nhất 10cm. Đảm bảo nhiệt độ bên trong tủ dao động từ 3 - 6 độ C và -15 đến -18 độ C với chế độ đông lạnh.
Trong những ngày nắng nóng nên hạn chế mở tủ lạnh vì mỗi lần mở, tủ lạnh lại gặp một luồng khí nóng khiến chúng phải cân bằng lại nhiệt độ đã thiết lập. Điều này gây tốn nhiều điện năng hơn.
Sử dụng rèm cửa để chắn ánh nắng
Treo rèm gần cửa, bao lấy toàn bộ cửa sổ và có chiều dài chạm sàn nhà. Việc kéo rèm che nắng ở các cửa sẽ giúp không khí trong nhà mát mẻ, thoáng đãng hơn. Nên sử dụng rèm có màu sắc trung tính với chất liệu màu trắng bên trong vải tráng nhựa. Loại rèm xếp li này có thể giảm khí nóng lên đến 33%.
Mở cửa sổ để đón không khí mát vào ban đêm
Biện pháp này là một trong những cách tiết kiệm tiền điện tốt nhất.
Vào ban đêm, nhiệt độ sẽ giảm đáng kể so với ban ngày. Vì vậy, với các phòng không sử dụng điều hòa, bạn nên mở cửa sổ giúp không khí trong nhà được lưu thông và tận dụng luồng khí mát từ gió trời. Với phòng ngủ thường xuyên dùng điều hòa vào ban đêm thì khi trời dịu mát hơn, bạn cũng nên tắt điều hòa, mở cửa sổ để tận dụng gió trời.
Trồng cây xanh trong nhà giúp tiết kiệm điện
Đây được xem là cách tiết kiệm điện tự nhiên và không tốn quá nhiều chi phí. Bạn có thể trồng cây ở gần cửa sổ đón nắng để tạo thành một bức màn chắn ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng.
Kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ thiết bị điện
Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và làm sạch các thiết bị điện. Việc lau hết bụi bẩn giúp các thiết bị điện tăng gấp đôi công năng của nó khiến đèn sáng hơn, quạt thổi mạnh hơn, điều hòa mát hơn. Đặc biệt, giúp hạn chế những rủi ro chập, cháy điện trong khi sử dụng.
Lắp bóng đèn tiết kiệm điện giữa hai phòng
Thay vì mỗi phòng lắp một thiết bị chiếu sáng, việc dùng chung một bóng sẽ tiết kiệm tối đa lượng điện mà bạn sử dụng. Đối với các thiết bị điện dùng trong gia đình, bạn nên chọn loại bóng đèn led, không nên dùng đèn sợi đốt vừa gây nóng bứ,c vừa tốn điện năng.
Rút nguồn điện khi không sử dụng
Có thể bạn chưa biết, các thiết bị điện tử như máy tính, tivi, loa đài… ngay cả khi đã tắt vẫn tiêu thụ điện năng. Tuy mức điện năng tiêu thụ đó không cao nhưng về lâu về dài, số tiền bạn phải bỏ ra cũng nhiều đáng kể. Vì vậy, cách tốt nhất là rút nguồn các thiết bị điện khi không sử dụng.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/khuyen-cao-su-dung-dien-an-toan-tiet-kiem-trong-ngay-nang-nong-179220719103839259.htm