Khu di tích Bạch Đằng Giang – nơi hội tụ hồn thiêng sông núi
Khu di tích Bạch Đằng Giang là nơi tưởng niệm các nhân vật lịch sử đã có nhiều công lao đóng góp cho đất nước qua các giai đoạn lịch sử, như Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khu di tích Bạch Đằng Giang - Di tích lịch sử quốc gia
Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa, khu di tích Bạch Đằng Giang nằm ở ngã ba sông Bạch Đằng, sông Thải, phía Bắc giáp núi Con Hươu, phía Nam giáp sông Thải, bên kia sông là núi U Bò, phía Đông giáp sông Bạch Đằng, phía Tây giáp dãy núi đá Tràng Kênh (thị trấn Minh Đức, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng).
Đây là nơi tưởng niệm các nhân vật lịch sử đã có nhiều công lao đóng góp cho đất nước qua các giai đoạn lịch sử, như Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây cũng là vùng đất phát hiện di chỉ khảo cổ học Tràng Kênh: Là một công xưởng chế tác đồ trang sức bằng đá lớn nhất ở vùng Đông Bắc Tổ quốc, có niên đại cách ngày nay khoảng 3.500 năm. Giá trị lớn nhất của di chỉ này đã cung cấp nguồn sử liệu quý giá góp phần nghiên cứu một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước nói chung và lịch sử Hải Phòng nói riêng thuở ban đầu dựng nước và giữ nước.
Khu di tích Bạch Đằng Giang được xây dựng từ năm 2008 đến năm 2018, với các công trình: Đền thờ Đức vua Ngô Quyền, đền thờ Hoàng đế Lê Đại Hành, đền thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, chùa Trúc Lâm, đền Mẫu, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Chiến thắng.
Theo các nguồn tư liệu, các thư tịch cổ, các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và truyền thuyết dân gian trong vùng cho biết Khu di tích Bạch Đằng Giang ngày nay, xưa kia là trung tâm chiến trường, nơi diễn ra những trận thủy chiến quyết định thắng lợi trên sông Bạch Đằng năm 981 và năm 1288, nhấn chìm quân xâm lược phương Bắc xuống lòng sông Bạch Đằng.
Về trận chiến Bạch Đằng giang năm 981: Khu vực núi U Bò, sông Thải (khu vực cảnh quan của Khu di tích Bạch Đằng Giang), là nơi diễn ra trận đánh quyết định, theo sự chỉ đạo của Hoàng đế Lê Hoàn, quân dân Đại Việt đã bày trận, dụ Hầu Nhân Bảo và quân Tống từ căn cứ Hoa Bộ (U Bò) vào cửa sông Thải và bị giết chết tại đây. Đám loạn quân hoảng sợ tháo chạy về nước.
Về trận Bạch Đằng giang năm 1288: Khu vực núi con Hươu, núi Mỏ Vịt, núi U Bò, cửa sông Thải, cửa sông Giá đến đầu ghềnh Cốc và các cửa sông Chanh, sông Rút ở Tả ngạn sông Bạch Đằng là trung tâm chiến trường Bạch Đằng ngày 09/4/1288. Trong đó, cửa sông Thải nhập vào sông Bạch Đằng, mở rộng lên phía Bắc đến chân núi Mỏ Vịt, mở rộng xuống phía Nam đến núi U Bò là trung tâm của trung tâm (nay nằm trong Khu di tích Bạch Đằng Giang). Việc bắt sống Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp ở giữa trung tâm trận tiền (nay là Khu di tích Bạch Đằng Giang) đã làm quân Nguyên-Mông sụp đổ hoàn toàn.
Linh Thủy Tụ. Ảnh: Di tích Bạch Đằng Giang
Như vậy, Khu di tích Bạch Đằng Giang ngày nay với các địa điểm là núi Mỏ Vịt, núi U Bò và Sông Thải là trung tâm diễn ra các trận đánh năm 981 và năm 1288. Khu vực này cũng là nơi tiêu diệt Chủ soái của quân Tống là Hầu Nhân Bảo và bắt sống Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp của quân Nguyên-Mông. Các trận đánh diễn ra ở khu vực núi Mỏ Vịt, cửa sông Thải là những trận quyết định, khiến quân xâm lược Tống và Nguyên-Mông vỡ trận, phải bỏ chạy về nước.
Nhằm tưởng nhớ công ơn to lớn đối với đất nước, hàng năm, tại Khu di tích, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức các lễ giỗ: Đức vương Ngô Quyền (ngày 18 tháng Giêng Âm lịch); Hoàng đế Lê Đại Hành (ngày 08 tháng Ba Âm lịch); Đức Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (Lễ khai vào ngày 14-15 tháng Giêng; giỗ ngày 20 tháng Tám Âm lịch); Lễ tại chùa Trúc Lâm Tràng Kênh (ngày 15 tháng Tư: đại Lễ Phật Đản; ngày 15 tháng Bảy: lễ Vu Lan).
Quảng trường Chiến thắng được xây nổi trên sông Bạch Đằng với diện tích 2000m2. Đây là nơi trang trọng đặt tượng của 3 vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo. Ảnh: Di tích Bạch Đằng Giang
Khu di tích Bạch Đằng Giang được quy hoạch tổng thể, xung quanh trồng nhiều cây xanh, cây cảnh; kiến trúc công trình về cơ bản theo thức cổ truyền, cổ kính, quy mô kiến trúc đáp ứng được không gian tổ chức các nghi lễ, nghi thức trong lễ hội hàng năm; hệ thống đồ thờ tự, tế tự phong phú đáp ứng tốt hoạt động sinh hoạt văn hóa tâm linh trong dịp lễ hội; điện thờ được bố trí khoa học, đảm bảo được tính linh thiêng và thẩm mỹ cao; nhà trưng bày trưng bày, giới thiệu các tài liệu, hiện vật về khu di tích, về ba trận đánh vĩ đại của dân tộc trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.
Trong thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, thư tịch cổ về ba lần chiến thắng trên sông Bạch Đằng; nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, ảnh, Thần tích, Thần sắc về Đức vương Ngô Quyền, Hoàng đế Lê Đại Hành, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn để phục vụ trưng bày, giới thiệu về Khu di tích. Đồng thời, qua hệ thống tư liệu, tài liệu được nghiên cứu, sưu tầm giới thiệu về thân thế, công danh, sự nghiệp của các anh hùng dân tộc cho khách tham quan và đông đảo các thế hệ học sinh, sinh viên đến học tập, trải nghiệm thực tế tại Khu di tích.
Với những giá trị nổi bật trên, Khu di tích Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 3229/QĐ-BVHTTDL ngày 4/11/2020.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/khu-di-tich-bach-dang-giang-noi-hoi-tu-hon-thieng-song-nui-179230321150002695.htm