Không nên máy móc ra đề kiểm tra Ngữ văn như đề thi tham khảo

11:53 - 02/12/2024

Không ít các nhà trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đã và đang ra đề kiểm tra thường xuyên, định kì (giữa kì, cuối kì) như đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mới đây, chia sẻ với giáo viên dạy môn Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên sách giáo khoa bộ Cánh Diều, nói rằng nhiều thầy cô giáo hiểu chưa đúng mục đích của việc đổi mới đề thi Ngữ văn.

Mục đích chính, trực tiếp của việc đổi mới không phải là chống chép văn mẫu là nhằm đánh giá đúng năng lực người học và phù hợp với bối cảnh một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Đánh giá theo năng lực là đánh giá khả năng vận dụng những hiểu biết của học sinh vào một tình huống mới tương tự những gì đã học (bối cảnh có ý nghĩa), không phải yêu cầu chỉ nhắc lại cái đã học.

Với môn Ngữ văn, tình huống mới chính là ngữ liệu mới tương tự các văn bản theo thể loại và kiểu văn bản đã học. Trước đề văn kiểu mới, học sinh phải biết vận dụng kĩ năng đọc để hiểu một văn bản mới (không có trong sách giáo khoa), biết vận dụng kĩ năng viết văn bản theo các kiểu bài để tạo ra một đoạn văn, bài văn.

Như thế học sinh không thể chỉ trông chờ vào trí nhớ, không thể làm bài theo kiểu học thuộc… Do có 03 bộ sách Ngữ văn nên chỉ có thể đánh giá theo yêu cầu cần đạt của chương trình, không dựa vào sách giáo khoa nào cả.

Hệ quả của việc thay đổi cách kiểm tra, đánh giá này là chống được hiện tượng giáo viên dạy tủ, đoán đề; khắc phục được tình trạng học sinh học thuộc, chép lại văn mẫu; học sinh học bộ sách nào cũng được, khuyến khích sự sáng tạo.

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, cũng do nhận thức cứng nhắc về cấu trúc và đề minh họa, nên một số giáo viên và nhà trường triển khai dạy học, ôn tập và kiểm tra đánh giá một cách cực đoan. Biểu hiện rõ nhất là tất cả các bài kiểm tra (thường xuyên và định kì, ở các lớp cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, thậm chí từ lớp 6…) đều áp dụng cấu trúc và dạng đề minh họa Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.

Có thể thấy rõ điều đó không đúng, trước hết là thời gian làm bài khác nhau (kiểm tra thường xuyên chỉ 15, 30 phút hoặc 1 tiết), kiểm tra định kì 2 tiết (90 phút), trong khi thi tốt nghiệp 120 phút. Cùng với đó, mỗi kì thi, kiểm tra có một yêu cầu và mục tiêu riêng; không thể lấy mục tiêu và yêu cầu của kì thi tốt nghiệp cuối cấp trung học phổ thông áp đặt cho các kì kiểm tra, đánh giá khác.

Mục tiêu chung cần hướng tới là năng lực đọc, viết, nói, nghe; nhưng các bài kiểm tra thường xuyên và định kì có thể chỉ hướng tới một trong các kĩ năng ấy. Cho nên bài kiểm tra thường xuyên có thể chỉ đánh giá về đọc hiểu và có thể sử dụng hình thức câu hỏi trắc nghiệm; kiểm tra định kì cũng có thể chỉ kiểm tra viết một kiểu (bài hoặc đoạn) văn bản… không nhất thiết bắt buộc phải có cả đọc hiểu cộng với viết cả nghị luận xã hội và nghị luận văn học (lấy đâu thời gian mà yêu cầu học sinh viết nhiều thế).

Ngoài ra ngữ liệu trong các bài kiểm tra thường xuyên hoàn toàn có thể sử dụng lại các văn bản đã học, thậm chí một số bài kiểm tra định kì vẫn có thể sử dụng lại văn bản đã học với cách hỏi đổi mới, đáp ứng đúng yêu cầu đánh giá năng lực.

"Yêu cầu và cấu trúc đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố là kết quả cuối cùng với học sinh cuối cấp. Có thể thấy nếu cứ áp dụng cứng nhắc cấu trúc và yêu cầu của đề thi minh họa vào tất cả các loại bài kiểm tra, đánh giá sẽ gây quá tải, nặng nề, làm khổ giáo viên và học sinh một cách không cần thiết", PGS.TS Đỗ Ngọc Thống lưu ý.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/khong-nen-may-moc-ra-de-kiem-tra-ngu-van-nhu-de-thi-tham-khao-179241202120927834.htm