Không ăn hoa Chuông

08:17 - 30/07/2022

Khoảng 21 giờ ngày 9.7, bệnh viện tỉnh Bắc Kạn cấp cứu 6 người cùng một gia đình và 2 người hàng xóm ở thôn Khuổi Cuồng, Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn. Chiều tối cùng ngày, gia đình bà N.T.H, ở Nông Thượng, làm cơm đón các con từ Hà Giang về thăm.

Không ăn hoa Chuông        - Ảnh 1.

Ở Việt Nam có ba loại Cà độc dược, trong đó 2 loại Cà độc dược hoa trắng và gai tù có nguồn gốc bản địa; Cà độc dược lùn có nguồn gốc Colombia. Cây hoa Loa kèn có hoa màu vàng, trắng ngà, hồng hay cam trồng ở Đà Lạt và Nghệ An chính là cây Borrachero (Cà độc dược lùn) được trồng nhiều ở Nam Mỹ.
Ảnh: live.staticflickr.com

Không biết cây gì vẫn hái

Trong bữa, có món canh lòng cá trắm nấu rau rừng và uống rượu ngâm cây Mật Gấu (cây Đi mi ­- tiếng Tày) hòa mật cá trắm đen. Sau bữa, 6 người gồm vợ chồng bà H, con gái, con rể và 2 hàng xóm (nhiều tuổi nhất sinh năm 1963, ít nhất sinh năm 1989) biểu hiện ngộ độc, mất ý thức… 

Rạng sáng 10.7, 5 người hồi tỉnh, còn 3 người hôn mê, phải thở máy do suy hô hấp nặng. Bệnh viện Bắc Kạn đã liên hệ với bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội để chuyển 2 ca nặng nhất. Chi cục An toàn thực phẩm Bắc Kạn đã lấy mẫu gửi xét nghiệm. Nhiều khả năng các nạn nhân ngộ độc mật cá trắm là nhận định ban đầu.

Tuy nhiên, ngày 13.7, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Bắc Kạn thông báo, trong các mẫu bệnh phẩm có chất Atropin và Scopolamin - hoạt chất trong các cây họ Cà. Trung tâm y tế thành phố Bắc Kạn khai thác thông tin từ những người xuất viện, được biết: Chị N.T.H, sinh năm 1988 - từ Hà Giang về, là con gái bà N.T.H, sinh năm 1967, được mẹ bảo ra vườn lấy lá cây Mật Gấu (không độc, ăn được) để nấu canh. 

Trời nhá nhem tối, bờ rào lại trồng lẫn cây mật gấu và cây hoa Chuông mà chị lại không phân biệt được hai cây này, nên đã hái cả lá Mật Gấu và ngọn, lá cây hoa Chuông... Cán bộ y tế đã xác nhận dấu vết bẻ, hái trên cả hai loại cây này… 

Hai chất Atropin và Scopolamin đã làm sáng tỏ sự việc. Nhiều địa phương gọi hoa Cà độc dược là hoa Chuông vì hoa giống như chiếc chuông - loại cây mọc hoang trong rừng hoặc trồng làm thuốc, làm cảnh ở khắp nơi do hoa đẹp. Tên Cà độc dược đã "nói" rõ bản chất của cây.

Cà độc dược rất độc

Cà độc dược (Datura metel - Mạn đà la) thuộc họ Cà (Solanaceae), là một trong 50 vị thuốc cơ bản của Đông y (tên gọi Dương kim hoa), vị cay, tính ôn, độc, tác dụng ngừa suyễn, giảm ho; chống đau, co thắt tiêu hóa, co giật; trị phong thấp, Parkinson, viêm xoang… 

Cây Cà độc dược chứa nhiều Alcaloid (hợp chất hữu cơ có Nitơ và Oxy, tính kiềm, có nhiều trong thực vật và một số ít động vật, ví dụ Morphin trong cây thuốc Phiện, Nicotin trong cây thuốc lá…) ở cả thân, lá, hoa; nhiều nhất là Scopolamin (Hyosin), đến Hyoscyamin, Atropin, Nor-hyoscyamin và lượng ít Saponin, Flavonoit, Tanin; ở hoa có nhiều Scopolamin (C17H21NO4) nhất, được Tổ chức y tế thế giới xếp vào danh mục thuốc thiết yếu. 

Ngộ độc Cà độc dược chính là ngộ độc các Alcaloid này với tác hại: Ức chế hệ thần kinh Phó giao cảm (cơ thể có những hệ thần kinh tự động hoạt động để điều chỉnh, cân bằng những hoạt động vô thức của nhiều cơ quan, hệ thống như mắt, tim mạch, tiêu hóa… Một trong số đó là hệ thần kinh Giao cảm (hay thực vật) gồm 2 chức năng đối nghịch: Giao cảm (sympathetic nervous system) và Phó (đối) giao cảm (parasympathetic nervous system), ví dụ Giao cảm làm co đồng tử mắt, tăng nhu động ruột, tăng tiết mồ hôi… thì Phó giao cảm tác dụng ngược lại). 

Liều thấp (là thuốc) các Alcaloid này làm giảm tiết nước bọt, nước mắt, mồ hôi (khô miệng; da khô, nóng, đỏ); giảm bài tiết nước tiểu; giãn đồng tử mắt; giảm nhu động ruột (chuyển động như làn sóng đều đặn từ trên xuống dưới), giảm trương lực cơ; chậm nhịp tim. 

Liều cao gây nhịp tim nhanh, mê sảng, rối loạn tri giác (nhận biết không gian, thời gian, xung quanh và bản thân), mất trí nhớ, ảo giác, hôn mê; tử vong do suy tuần hoàn, tụt huyết áp. Riêng Scopolamin dễ qua hàng rào máu não nên vào não sớm nhất, vì thế ngay cả với liều thấp cũng làm bệnh nhân có trạng thái phởn, mất định hướng, ảo giác, quên, mê sảng. 

Ở nông thôn Colombia, các bà mẹ cấm con cái không được ngủ dưới tán cây Borrachero (tên gọi Cà độc dược ở Colombia), bởi nếu hít phải phấn hoa của nó, trẻ con sẽ có những giấc mơ lạ lùng. 

Thời xa xưa, mê dược chiết xuất từ cây Borrachero thường được "ban" cho các phu nhân của những thủ lĩnh vừa qua đời ở Colombia, trước khi họ bị chôn sống trong hầm mộ chồng mình. Nhiều thập kỉ qua, mê dược này vẫn có mặt trong các nghi lễ bản địa ở Colombia. 

Năm 1880, Albert Ladenburg, Nhà hóa học Đức, phát hiện chất Scopolamin trong cây Borrachero. Thời kì chiến tranh lạnh, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ cho tù nhân uống Scopolamin vì nó làm họ tiết lộ những điều muốn che giấu. Từ những năm 1960, người ta cho sản phụ uống Scopolomin để "vượt cạn", do tác dụng làm mất cảm giác đau, gây mơ màng, nhưng bị cấm từ những năm 1970 do làm sản phụ mất trí nhớ và tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau này ở những đứa trẻ sinh theo cách này. 

Năm 2012, một báo cáo cho biết Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ từng phối hợp với công ty Epiomed Therapeutics Inc, sản xuất thuốc xịt mũi Scopolamin Inscop, sử dụng cho các phi hành gia, làm họ nhanh chóng đưa ra cách giải quyết cũng như định hướng khi gặp trường hợp khẩn cấp. Theo Hội đồng cố vấn an ninh hải ngoại Mỹ (OSAC), hàng năm có khoảng 50.000 vụ tội phạm ở Kito - thủ đô Ecuador liên quan đến Scopolamin và cơ quan này khuyến cáo mọi người khi du lịch đến đây phải cảnh giác. 

Đã có những vụ việc tội phạm dùng Scopolamin để "nhờ" nhà ngoại giao vận chuyển Cocain trong những chiếc valy miễn trừ khám xét. Năm 2012, cảnh sát quốc gia Colombia thống kê có hơn 1.200 nạn nhân bị đầu độc bằng các loại ma túy tác động đến hệ thần kinh trung ương, trong đó nhiều nhất là Scopolamin. 

Nghị sĩ Colombia, Octavio Zapata, 76 tuổi, bị băng đảng Los Wong dùng Scopolamin bức tử năm này. Ý định của chúng chỉ dùng "hơi thở của quỷ" (Devil's breath - tiếng lóng của Scopolamin) làm ông mất khả năng chống cự để cướp tài sản, khi ông có biểu hiện chống lại, chúng thêm một liều nữa làm nghị sĩ mất mạng. 

Tội phạm dùng Scopolamin hay "Burundanga" để xóa trí nhớ, làm mất ý thức tạm thời, bằng cách bí mật bỏ thuốc vào đồ uống hoặc vẩy bột thuốc vào mặt của nạn nhân. Người trúng độc sẽ rơi vào trạng thái vô thức, bị điểu khiển và "ngoan ngoãn" như những đứa trẻ, sẽ đưa hết tiền bạc, trang sức, chìa khóa xe, có khi còn rút sạch tiền từ tài khoản đưa cho chúng. Chỉ khi tỉnh lại họ mới phát hiện ra đã mất của và hoàn toàn không nhớ nổi kẻ hại mình. 

Nhiều phụ nữ bị cưỡng hiếp tập thể hoặc bị bán vào nhà chứa mà không hay biết; nhiều đàn ông trao hết tiền bạc cho gái mại dâm; hay chủ tiệm vàng trút hết vàng bạc cho người xa lạ khi bị thổi Scopolamin vào mặt. Scopolamin làm mất nhớ do ngăn chặn công đoạn ghi nhận của não - giai đoạn đầu của quá trình hình thành ghi nhớ. Phải có ghi nhận mới có bảo tồn và tái hiện (hình ảnh hoặc sự vật, hiện tượng), không có ghi nhận đồng nghĩa với không có bảo tồn và tái hiện. 

Bộ Ngoại giao Mỹ từng mô tả: "Nó làm nạn nhân bất tỉnh trong vòng 24 giờ hoặc hơn thế". 

Hoa Chuông - một loại Cà độc dược 

Ở Việt Nam có ba loại Cà độc dược, trong đó 2 loại Cà độc dược hoa trắng và gai tù có nguồn gốc bản địa; Cà độc dược lùn có nguồn gốc Colombia; cả 3 loại đều có các Alcaloid kể trên. Cây hoa Loa kèn có hoa màu vàng, trắng ngà, hồng hay cam trồng ở Đà Lạt và Nghệ An chính là cây Borrachero (Cà độc dược lùn) được trồng nhiều ở Nam Mỹ. 

Những năm gần đây ở Việt Nam có một số người bị "thôi miên", mất tài sản, chưa rõ có phải tội phạm sử dụng Scopolamin hay không, tuy nhiên cần phải nâng cao cảnh giác.

Đáng nói là tuy rất nhiều người biết Cà độc dược độc nhưng hàng năm vẫn xảy ra những vụ ngộ độc do dùng cây này làm thực phẩm hoặc tự chữa bệnh. Mười người trong hai gia đình ở bản Dền Thàng, Nậm Xe, Phong Thổ, Lai Châu, ăn hoa Chuông xào, rồi hoa mắt, chóng mặt, không nhìn rõ; chân tay tê, không đứng được, ngã gục xuống đất không biết gì. 

Một bệnh nhân nữ, 64 tuổi, vào bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang do rối loạn tri giác, sốt cao, nói lúc đúng lúc sai, tuyến dưới chẩn đoán viêm não. Hóa ra người này ăn 5 chiếc hoa Cà độc dược quấn thịt để trị bệnh suyễn. 

Anh T, ở Nghệ An, sau nhiều ngày đốt Cà độc dược thái mỏng, phơi khô để ngửi trị viêm xoang không thấy kết quả, nên đun Cà độc dược tươi lấy nước uống. Chỉ sau ít phút đã xuất hiện ngộ độc: kích thích mạnh, vật vã; tim nhanh, huyết áp tăng; da toàn thân nóng, đỏ; đồng tử giãn và mất ý thức hoàn toàn, rất nguy kịch. 

Cũng ở Nghệ An, bốn người là chị L.T.H, hai con trai sinh đôi là N.V.L, N.V.Đ, 7 tuổi và cháu chị H là L.V.N, 11 tuổi, ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, ăn cơm với hoa Cà độc dược hái trên nương. Khi đến bệnh viện Kỳ Sơn, cả 4 người đều hôn mê sâu… 

Ở xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi, bà Đ.T.X và 5 người hàng xóm ăn canh lá Cà độc dược. Sau bữa cả 6 người đều nôn ói và có dấu hiệu rối loạn thần kinh, tâm thần, phải đi cấp cứu. Trong đó, bà X và bà Đ.T.H nặng nhất phải chuyển bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi. Bốn người ở tịnh xá Kỳ Quang, Hiệp An, Đức Trọng, Lâm Đồng, ăn lẩu chay buổi trưa có hoa Loa kèn vàng (đắng hơn khổ qua) trồng trước tịnh xá. Sau khi ăn khoảng 10 phút, thấy chóng mặt, xây xẩm mặt mày, bước đi không nổi, phải nhập viện cấp cứu. 

Bệnh viện tỉnh Lâm Đồng nhận một bệnh nhân mê sảng, ảo giác, mất kiểm soát hành vi. Khi hồi tỉnh, bệnh nhân cho biết thấy hoa Loa kèn mọc trong rẫy đẹp nên ngửi xem có thơm không! Lại có cả hai vợ chồng ông N.V.S, 67 tuổi và bà T.T.M, 63 tuổi, ở Quảng Ninh, được hàng xóm "mách" hoa Loa kèn quý, "lành tính" và mát. Sẵn nhà trồng nên bà hái khoảng chục bông nấu canh. Ăn xong khoảng 30 phút, ông bà đau đầu, nôn thốc tháo, nói nhảm, mất tự chủ, phải nhập viện…

Lạ cho cô H, không biết gì về cây nọ (độc hay không) mà vẫn hái về ăn? Cũng may mà các nạn nhân không bị ngộ độc thêm mật cá trắm. Bởi nếu ngộ độc cả hai thứ thì không biết sự thể sẽ đến đâu, vì mật cá trắm có chất 5Alpha Cyprinol -C27H48O5 - gây suy thận, gan cấp và với cá 3kg trở lên chắc chắn sẽ ngộ độc khi ăn mật, nguy cơ tử vong!

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/khong-an-hoa-chuong-179220729164953776.htm