Khơi lại niềm vui đọc sách cho học sinh phổ thông

21:55 - 04/04/2023

Để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách, hứng thú với việc đọc, giải pháp viết và chia sẻ nhật ký đọc sách là khả thi hơn cả.

Đọc sách là tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá giúp con người ứng xử lành mạnh, văn minh, có văn hóa, có tầm hiểu biết sâu rộng, giúp đời sống tâm hồn phong phú…

Thế nhưng, giữa sự bùng nổ của công nghệ thông tin và sự ra đời rầm rộ của mạng xã hội, văn hóa đọc sách đang mất đi rất khó khôi phục lại được. 

Ở các trường phổ thông, đa số học sinh có hứng thú với các phương tiện truyền thông có hình ảnh, có tiếng động... hơn là đọc sách. 

Một khảo sát nhỏ ở một lớp học bậc trung học phổ thông với câu hỏi: "Bạn có thích đọc sách không", có gần 30% học sinh cho biết không thích đọc sách. Từ thực trạng này, nhiều giải pháp được tính đến nhằm nâng cao văn hóa đọc sách cho học sinh phổ thông.

Lan tỏa văn hóa đọc sách qua mạng xã hội

Trong hơn 10 năm trở lại đây, mạng xã hội ngày càng phổ biến hơn và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, thói quen hằng ngày của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh Zalo, Youtube, Twitter… Facebook trở thành một nền tảng mạng xã hội được học sinh rất ưa chuộng.

Khơi lại niềm vui đọc sách cho học sinh phổ thông - Ảnh 2.

Một cuốn sách mới xuất bản kèm phụ kiện xinh xắn được giới trẻ đón nhận và đăng tải nhiều bình luận, nhận xét trên Facebook giúp lan toả niềm vui đọc sách. Ảnh: TTH

Giáo viên nên tận dụng thị hiếu này để truyền đi thông điệp đọc sách bằng cách lập các fanpage (trang thông tin công khai trên nền tảng Facebook). Trên trang có thể giới thiệu và lan tỏa văn hóa đọc đến học sinh của trường. Giáo viên có thể giao cho học sinh phụ trách đăng bài giới thiệu đến cộng đồng mạng những cuốn sách đặc sắc, có giá trị. Trong đó có cả những nhận xét, bình luận về cuốn sách gợi sự tò mò, dẫn hướng người đọc tìm đến sách. 

Việc đăng bài dựa trên các tiêu chí: ngắn gọn – sinh động – hấp dẫn – rõ ràng. Bài viết dung lượng không quá dài nhưng phải đủ sức lột tả được thông điệp của cuốn sách. Có hình ảnh trang bìa sách minh hoạ, và đặc biệt phải ghi rõ địa chỉ để học sinh có thể liên hệ với quản lí trang hay thư viện để mượn sách. Lúc này có thể thành lập kho sách bằng cách kêu gọi các học sinh trao đổi, mượn trả sách với nhau. 

Viết nhật kí đọc sách

Để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, giúp học sinh hình thành và xây dựng thói quen đọc sách, hứng thú với việc đọc, từ đó lan tỏa rộng rãi "văn hóa đọc", giải pháp viết và chia sẻ nhật ký đọc sách là khả thi hơn cả.

Nhật ký đọc sách được sử dụng trong quá trình đọc sách nói chung nhưng phổ biến nhất là được dùng trong quá trình đọc sách văn học. Đây là bộ phận sách được học sinh chọn đọc nhiều nhất và đem lại nhiều hiệu quả cho người đọc trong quá trình tiếp cận với văn bản. Nhật ký đọc sách là thế giới riêng, nơi mà học sinh tự do thể hiện cảm nhận, suy nghĩ, những bài học khi đọc một quyển sách.

Tất cả những nội dung đó được trình bày sáng tạo theo những cách "rất riêng" của mỗi học sinh. Thông qua đó, việc viết nhật ký đọc sách còn giúp học sinh hình thành thói quen ghi nhớ, ghi chép, rèn luyện khả năng ngôn ngữ, tư duy sáng tạo và khiến việc đọc sách trở nên vui vẻ, sinh động và nhẹ nhàng hơn. 

Để mang lại hiệu quả cao trong quá trình đọc sách, việc viết nhật ký đọc sách phải được thực hiện dưới những dạng thức nhất định chứ không đơn thuần chỉ là ghi nhận những cảm nhận chung chung về nội dung một cuốn sách. 

Nhật ký đọc sách có thể khơi gợi năng lực tưởng tượng của người đọc, khả năng thể hiện những gì mình tưởng tượng thành hình ảnh (dạng hình ảnh, hồ sơ nhân vật). Viết nhật ký khuyến khích vai trò kiến tạo nghĩa của người đọc, năng lực tưởng tượng khi yêu cầu người đọc đặt mình vào vị trí của một nhân vật mà tác giả ít miêu tả trong văn bản để thể hiện quan điểm của chính người đọc về nhân vật (dạng quan điểm).

Yêu cầu người đọc giải thích ý nghĩa văn bản theo cách nhìn của bản thân (dạng giải thích). Khơi gợi kí ức, kinh nghiệm sống của người đọc, sử dụng kinh nghiệm của bản thân để hiểu văn bản (dạng bản thân và truyện). Phát triển tư duy phê phán cho người đọc, giúp người đọc nhìn nhận những thành công và hạn chế của văn bản (dạng điểm sách). 

Phát triển năng lực giải mã văn bản cho người đọc qua việc yêu cầu người đọc tìm những từ hay, những đoạn đặc sắc của văn bản đồng thời phát triển vốn từ, khả năng sử dụng các từ đã học trong văn bản (dạng từ hay, nghệ thuật và thủ pháp đặc biệt của tác giả, phần đặc sắc của truyện).

Cuốn nhật ký đọc sách không chỉ là nơi để học sinh thể hiện cảm nhận của mình mà còn là khoảng lặng để bản thân chìm đắm trong thế giới nghệ thuật, đối thoại với văn bản… từ đó, vỡ ra được nhiều điều lí thú. 

Chia sẻ nhật kí đọc sách

Để học sinh luôn hứng thú với việc đọc và ghi chép, giáo viên yêu cầu học sinh chia sẻ nhật kí đọc sách cho nhau. Học sinh chọn lựa những cuốn nhật kí đọc sách ấn tượng nhất, ghi chép lại một cách hiệu quả nhất những cuốn sách đã đọc, và trao giải "Kiện tướng đọc" cho người đọc sách ấn tượng. 

Giải Kiện tướng đọc sẽ được trao cho những học sinh có kết quả tốt nhất vào cuối mỗi tháng. Phần thưởng này sẽ khích lệ học sinh tích cực hơn nữa trong việc lan tỏa văn hóa đọc. 

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/khoi-lai-niem-vui-doc-sach-cho-hoc-sinh-pho-thong-17923040421415671.htm