Khiếm thị không ngăn cản người phụ nữ Arab Saudi thành công trong sự nghiệp luật sư

10:06 - 01/06/2022

Khi đang học năm đầu tiên tại trường y thì Ebtehal Al-Nasir bị mất thị lực do bệnh tật. Từng ước mơ trở thành một bác sĩ nhưng việc bị khiếm thị đột ngột khiến cô có cảm giác như bất kỳ mơ ước nào của mình giờ đây cũng đều ngoài tầm với.

Không đầu hàng bệnh tật 

"Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với những nỗ lực mà tôi đã bỏ ra trong nhiều năm?" - Al-Nasir, người gốc Qurayyat, một thành phố ở phía bắc Arab Saudi, nói với Arab News.

Nhiều người an ủi tôi rằng, tốt nghiệp trung học đã là rất tốt rồi, rất nhiều người giỏi cũng chỉ với bằng cấp ba; học đại học khó, bạn sẽ học như thế nào khi bạn không nhìn thấy? Và nhiều lời động viên, can ngăn tương tự khác.

"Tôi nghe những lời khuyên nhủ, động viên như vậy nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn nhìn thấy ước mơ, hoài bão, mục tiêu, nỗ lực và sự cố gắng của mình. Tất cả những điều đó có phải là vô ích không? Khi đó, tôi đã đưa ra quyết định: Tôi sẽ hoàn thành việc học của mình cho dù có gặp khó khăn gì đi chăng nữa".

Không chấp nhận để sự khiếm thị ngăn cản khả năng và mơ ước của mình, Al-Nasir và gia đình đã tìm kiếm các tổ chức và cơ sở từ thiện có thể giúp cô thích nghi với cuộc sống của những người khiếm thị, tìm các trường đại học được trang bị phù hợp để nhận sinh viên có vấn đề về thị lực.

Các chuyên gia tại Hiệp hội Quốc gia về người khiếm thị, còn được gọi là Kafeef, và Mubseroon - một tổ chức từ thiện dành cho người khuyết tật thị giác, đã dạy cô cách sử dụng chữ nổi Braille, một hệ thống đọc và viết dựa trên cảm ứng sử dụng các mẫu dấu chấm nổi lên để biểu thị các chữ cái trong bảng chữ cái. Cô cũng được học cách sử dụng gậy để tự đi bộ một cách an toàn. Cũng tại Hiệp hội, các chuyên gia dạy Al-Nasir cách vận hành các thiết bị kỹ thuật số được điều chỉnh đặc biệt, bao gồm điện thoại thông minh và máy tính, bằng cách sử dụng cảm ứng và âm thanh.

Những công cụ này, cùng với sự giúp đỡ tận tình của gia đình đã giúp Al-Nasir không chỉ tự tin quay lại việc học mà còn học xuất sắc so với các bạn cùng trang lứa.

"Tôi quay lại trường đại học và bỏ ngành y để học quản trị kinh doanh," cô nói. "Tôi học chuyên ngành luật, ngành mà tôi đam mê".

Trong 7 năm bị khiếm thị hoàn thành hơn 60 khóa học

 Al-Nasir nói: "Tôi vô cùng biết ơn khi nhận được bằng cử nhân luật của Khoa Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Biên giới phía Bắc, với danh hiệu hạng nhất, và tôi là sinh viên xuất sắc nhất trường".

Khiếm thị không ngăn cản người phụ nữ Arab Saudi thành công trong sự nghiệp luật sư - Ảnh 1.

Tôi vô cùng biết ơn khi nhận được bằng cử nhân luật

Ngoài ra, Al-Nasir cũng nhận văn bằng tiếng Anh tại Học viện quốc tế về phát triển con người ở Vương quốc Anh và được chọn tham gia Qimam Fellowship - một chương trình đào tạo chuyên sâu kéo dài 12 ngày được triển khai vào năm 2018 nhằm trao quyền cho sinh viên đại học tiềm năng Arab Saudi thông qua tư vấn và hướng nghiệp 1-1.

Cô cũng là một huấn luyện viên của Tổng công ty Đào tạo kỹ thuật và dạy nghề -một cơ quan chính phủ của Arab Saudi.

Tổng cộng trong bảy năm kể từ khi bị mất thị lực, Al-Nasir đã hoàn thành hơn 60 khóa học và tham gia một loạt các diễn đàn và sự kiện, trong đó nổi bật nhất là đại diện cho trường đại học của cô trong hai vòng liên tiếp của một cuộc thi do Trung tâm Trọng tài thương mại Arab Saudi tổ chức.

Khiếm thị không ngăn cản người phụ nữ Arab Saudi thành công trong sự nghiệp luật sư - Ảnh 2.

Trong bảy năm kể từ khi bị mất thị lực, Al-Nasir đã hoàn thành hơn 60 khóa học

Với Al-Nasir, việc giành được một vị trí trong Qimam Fellowship là một trải nghiệm đặc biệt mang tính đột phá, giúp định vị lại mục tiêu cuộc sống của mình.

Cô nói: "Tôi đã có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với những CEO truyền cảm hứng". "Một trong những diễn giả khách mời cũng là người khuyết tật đã đến và chia sẻ về hành trình của bản thân. Điều đó đã truyền cho tôi niềm cảm hứng đặc biệt".

"Khi tôi được nhận vào Dự án 1932, tôi đã nói với người cố vấn của mình về diễn giả này và tôi đã được giúp để kết nối ngay với diễn giả đó."

Dự án 1932 được thiết kế để trao quyền cho thế hệ trẻ có tiềm năng trở thành những người lãnh đạo tương lai của Arab Saudi. Những học viên này được các nhà lãnh đạo có kinh nghiệm hướng dẫn trong những năm đầu học đại học và trong lĩnh vực chuyên môn sau này.

Trong các buổi học trực tiếp, Al-Nasir được phân tích về những khó khăn mà mình có thể phải đối mặt trên con đường sự nghiệp đã chọn, cũng như những mục tiêu cần tập trung hướng tới. Những chỉ dẫn đó đã giúp Al-Nasir phát triển các kỹ năng và năng lực của mình.

Al-Nasir cho biết, cô đã thực tập tại các công ty luật hàng đầu và tình nguyện tham gia Quỹ từ thiện Princess Al-Anoud Foundation và Hiệp hội Giáo dục đặc biệt của Arab Saudi (còn được gọi là GESTE) - một hiệp hội khoa học tại Đại học King Saud cung cấp học phí và các dịch vụ hỗ trợ cho những người có khuyết tật và có các nhu cầu đặc biệt khác. Tham gia công việc thiện nguyện này, Al-Nasir mong muốn giúp những người khuyết tật đạt được mục tiêu của mình.

Khiếm thị không ngăn cản người phụ nữ Arab Saudi thành công trong sự nghiệp luật sư - Ảnh 3.

Ebtehal Al-Nasir với các sinh viên khác của Qimam Fellowship

Bảo vệ người khuyết tật, khiếm thị

Theo Tổng cục Thống kê, người khuyết tật chiếm 7,1% dân số Arab Saudi, trong đó có 811.610 người khiếm thị.

Trong nỗ lực đảm bảo mọi công dân và cư dân được hưởng một cuộc sống chất lượng tốt, Chính phủ Arab Saudi đã có những nỗ lực bảo vệ quyền của người khuyết tật, như tăng cường hỗ trợ và đưa ra các dịch vụ dành cho người khuyết tật để họ cảm thấy được bình đẳng và được tôn trọng. 

Chính phủ Arab Saudi cũng thiết kế một khuôn khổ pháp lý để bảo vệ người khuyết tật khỏi bị tổn thương, thúc đẩy sự bình đẳng trong giáo dục và cung cấp cho họ các dịch vụ chăm sóc xã hội, phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe.

Các nhà chức trách cũng đã đưa ra các sáng kiến việc làm, cải thiện khả năng di chuyển, giao thông và đỗ xe, hỗ trợ ngôn ngữ ký hiệu, nhà ở và dịch vụ di động cho người khuyết tật, đồng thời nỗ lực để đảm bảo rằng họ có thể tham gia vào quá trình ra quyết định.

Cơ quan dành cho người khuyết tật của Arab Saudi đã được thành lập vào năm 2018 nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật, tạo cơ hội, cách thức để họ hòa nhập bình đẳng và hiệu quả vào xã hội./.  

Nguồn: ARAB NEWS

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/khiem-thi-khong-ngan-can-nguoi-phu-nu-arab-saudi-thanh-cong-trong-su-nghiep-luat-su-179220601005646206.htm