Khi nào nuôi chó, mèo ở chung cư bị phạt tiền?

09:22 - 13/04/2024

Việc nuôi chó, mèo ở nhà chung cư không bị cấm, song nếu thả rông trong khu vực công cộng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Khi nào nuôi chó, mèo ở chung cư bị phạt tiền?- Ảnh 1.

Vệc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư không thuộc hành vi bị cấm theo quy định pháp luật. Ảnh: IT/Images

Pháp luật không cấm việc nuôi chó, mèo tại chung cư

Theo khoản 3 Điều 35 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì việc chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư là một trong các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Đồng thời, tại khoản 6 và khoản 7 Điều 2 Luật Chăn nuôi năm 2018 có định nghĩa về gia súc, gia cầm như sau:

- Gia súc là các loài động vật có vú, có 4 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi.

- Gia cầm là các loài động vật có 2 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi.

Tại phụ lục II trong Thông tư số 23/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi thì chó, mèo không thuộc danh mục gia súc, gia cầm mà được xếp vào loại động vật khác.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, có thể khẳng định chó, mèo không thuộc danh mục gia súc, gia cầm nên việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư không thuộc hành vi bị cấm theo quy định pháp luật.

Cư dân phải tuân thủ các quy định trong bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư

Tại khoản 2 Điều 9 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD cũng quy định bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư có các nội dung chủ yếu sau đây:

- Quy định áp dụng đối với chủ sở hữu, người sử dụng, người tạm trú và khách ra vào nhà chung cư;
- Các hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng nhà chung cư và việc xử lý các hành vi vi phạm nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư;
- Quy định về việc sử dụng phần sở hữu chung của nhà chung cư;
- Quy định về việc sửa chữa các hư hỏng, thay đổi thiết bị trong phần sở hữu riêng và việc xử lý khi có sự cố nhà chung cư;
- Quy định về phòng, chống cháy nổ trong nhà chung cư;
- Quy định về việc công khai các thông tin có liên quan đến việc sử dụng nhà chung cư;
- Quy định về các nghĩa vụ của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư;
- Các quy định khác tùy thuộc vào đặc điểm của từng nhà chung cư.

Theo đó, có thể thấy việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư không phải là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, nếu trong bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư có quy định về trường hợp không được nuôi chó mèo và nội quy này đã được thông qua hợp pháp tại Hội nghị Nhà chung cư thì cư dân phải tuân thủ theo quy định này.

Trường hợp nội quy không cho phép nuôi chó, mèo thì người dân không được nuôi. Còn trường hợp cho phép nuôi thì chính mỗi người nuôi chó, mèo ở chung cư phải tự ý thức được trách nhiệm của mình, thực hiện đúng quy định.

Thả rông chó mèo trong chung cư bị phạt bao nhiêu tiền?

Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm quy định về trật tự công cộng thì hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ từ 300.000-500.000 đồng.

Ngoài ra, khoản 3, Điều 2 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Như vậy, tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc thì người nào có hành vi thả rông chó, mèo trong khu vực công cộng tại chung cư sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Đồng thời, khi đưa chó ra nơi công cộng thì người nuôi phải đeo rọ mõm hoặc đeo xích giữ chó.

Điều 66 Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

1. Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y;

2. Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y;

3. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y;

4. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan đã cụ thể hóa các yêu cầu, điều kiện của một cơ sở, hộ gia đình hay cá nhân khi nuôi thú trong đó có chó, mèo cần bảo đảm các yếu tố có liên quan đến an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Pháp luật hiện hành không cấm việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư. Tuy nhiên, chủ vật nuôi cần nâng cao trách nhiệm theo đúng quy định như phải tiến hành kê khai, tiêm phòng, xích nhốt, khi ra đường phải có dây dắt, người dẫn, rọ mõm...

Nếu không chấp hành đúng có thể bị xử phạt hành chính. Thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự nếu để chó, mèo cắn người, gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng và sức khoẻ. Đồng thời phải tuân theo các quy định của ban quản trị, ban quản lý tòa nhà nơi mình sinh sống đưa ra để đảm bảo an toàn, vệ sinh chung.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/khi-nao-nuoi-cho-meo-o-chung-cu-bi-phat-tien-179240412075059531.htm