Khi Luật căn cước có hiệu lực, thẻ căn cước công dân vẫn còn giá trị sử dụng

20:47 - 28/11/2023

Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực (1/7/2024) có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước. Trường hợp chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Khi Luật căn cước có hiệu lực, thẻ căn cước công dân vẫn còn giá trị sử dụng- Ảnh 1.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng ngày 27/11, với 431 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,25%), Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước

Ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Căn cước (có hiệu lực kể từ 1/7/2024). Với việc đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân sang Luật Căn cước, thẻ căn cước công dân cũng sẽ có tên gọi mới là thẻ căn cước.

Bộ Công an cho biết, trong dự thảo Luật Căn cước đang được trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, về tên gọi của thẻ căn cước, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội việc sử dụng tên thẻ là thẻ căn cước (thay cho thẻ căn cước công dân như hiện nay).

Theo đó, việc quy định như vậy giúp thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân; giúp phân biệt người này với người khác; xác định danh tính trong thực hiện giao dịch…

Quy định tên gọi là thẻ căn cước cũng không tác động đến địa vị pháp lý về quốc tịch của công dân (vì trong thẻ đã thể hiện rõ thông tin về quốc tịch của người được cấp thẻ là quốc tịch Việt Nam).

Việc đổi tên thẻ thành thẻ căn cước còn để bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế (nhiều nước trên thế giới hiện nay cũng đang sử dụng là thẻ căn cước - Identicy Card).

Khi Luật căn cước có hiệu lực, thẻ căn cước công dân vẫn còn giá trị sử dụng- Ảnh 2.

Khi Luật Căn cước có hiệu lực, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Ảnh: Bộ Công an

Việc thay đổi tên thẻ cũng để bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung Luật khi Việt Nam có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia (ví dụ như đi lại trong khối ASEAN).

Hiện nay, thẻ căn cước được thiết kế tuân thủ theo tiêu chuẩn chung của ICAO về tổ chức lưu trữ, khai thác thông tin trên chíp điện tử; thẻ có tính bảo mật cao, tiến tới thuận lợi cho người dân trong việc bảo quản, sử dụng trên trường quốc tế.

Nếu để tên là thẻ căn cước công dân thì chưa bảo đảm tương đồng về tên thẻ với thông lệ chung của thế giới; do vậy, có thể không sử dụng được thẻ khi hội nhập quốc tế nếu tiếp tục giữ tên thẻ.

Thẻ căn cước công dân vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn in trên thẻ 

Điều 46 Luật Căn cước quy định về chuyển tiếp, trong đó nêu rõ: Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2024) có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Trường hợp chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. 

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan Nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Việc đổi tên thẻ căn cước không phát sinh thủ tục, chi phí đối với người dân

Bộ Công an cũng cho biết, việc đổi tên thẻ không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi phí đổi thẻ với người dân hoặc chi ngân sách nhà nước vì tại Điều 46 dự thảo Luật đã có quy định chuyển tiếp. Theo đó, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này.

Luật Căn cước gồm 7 chương 46 điều, quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật này áp dụng đối với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bên cạnh việc thu thập vân tay, Luật Căn cước bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người.

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/khi-luat-can-cuoc-co-hieu-luc-the-can-cuoc-cong-dan-van-con-gia-tri-su-dung-179231128202747694.htm