Khi game "hack não" giới trẻ

13:08 - 31/05/2022

Tại hội thảo online "Vấn nạn nghiện game ở trẻ và giải pháp" do MetaMinds tổ chức với sự đồng hành của Thương hiệu sách Y học MedInsight và Công ty Công nghệ eDoctor diễn ra cuối tháng 5 vừa qua đã cho thấy, nghiện game trong giới trẻ có thể gây nên nhiều hệ lụy.

Cẩn cẩn trọng khi trẻ đang phát triển

Bác sĩ Trịnh Thị Bích Huyền (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, trong quá trình công tác, chị đã khám, chữa cho nhiều bệnh nhân là thanh thiếu niên bị nghiệm game. Có cô bé học sinh cấp hai thậm chí còn đeo nhẫn đầy tay, mặc trang phục như một game thủ khi được mẹ đưa đến bệnh viện khám.

Trong khi đó H. là một cậu bé học lớp 7, theo bố mẹ kể, cậu bé có biểu hiện hay chơi game từ hai năm nay. Ban đầu cậu chơi ít, dần dần thời gian chơi tăng lên. Khi không cho chơi (bố mẹ thu máy tính, thu điện thoại, tắt mạng) cậu bé thường có biểu hiện cáu kỉnh, bực bội bứt rứt khó chịu, thậm chí là ném đồ đạc.

Trong thời gian dịch COVID, cậu bé học online, cô giáo gọi không trả lời, không học bài, khi kiểm tra gia đình phát hiện cậu bé thường chơi game trong giờ học. Khi cha mẹ cấm không cho chơi, cậu bé tìm mọi cách trốn đi, thậm chí lấy trộm tiền của bố mẹ để đi ra ngoài quán net chơi. Học hành của cậu bé ngày càng sa sút, không hoàn thành bài vở, lười vệ sinh cá nhân, lơ là các mối quan hệ với bạn bè, gia đình… Có lúc H. còn bỏ nhà đi mấy ngày, ăn ở ngay tại quán net, đến khi hết tiền để chơi game mới về nhà.

Theo bác sĩ  Đỗ Minh Trang (bác sĩ tâm lý lâm sàng trẻ em và trẻ vị thành niên - nguyên Giám đốc, cố vấn chuyên môn của Trung tâm Ứng dụng và Phát triển Hoà nhập Kazuo, Nhật Bản), thanh thiếu niên là lứa tuổi dễ bị ảnh hưởng nhất của game trực tuyến. Nguyên nhân của việc này là do đặc điểm não bộ của các con ở tuổi dậy thì. Nghiên cứu của các chuyên gia trên thế giới cho thấy ở tuổi teen vùng não thưởng phát triển sớm và hoàn thiện nhanh hơn so với vùng não kiểm soát. Vì vậy lứa tuổi này có đặc trưng là nhạy cảm với phần thưởng, tiếp thu kiến thức tốt, xử lý thông tin nhanh; đồng thời tò mò, thích khám phá cái mới, trải nghiệm, tương tác xã hội mới, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn như nghiện ma túy, nghiện game, tình dục… Đây cũng là lứa tuổi trẻ đang phát triển và thường gặp khủng hoảng về tâm sinh lý, thích thể hiện mình đã lớn. 

Trẻ có lượng hooc môn trong cơ thể cao hơn bao giờ hết, thường bị ảnh hưởng lớn từ bạn bè, khi làm việc gì đó cùng bạn bè (trong trò chơi đua xe cũng như trong thực tế, thanh thiếu niên lái xe an toàn hơn khi đi một mình, nhưng khi lái với bạn thì bốc đồng, dễ mất kiểm soát hơn). Trẻ có xu hướng mở rộng mối quan hệ ngoài gia đình, muốn mình thuộc về nhóm, cộng đồng nào đó. Nên việc chơi game là một trong những cách thức để trẻ "nhập bọn". Để hòa nhập với nhóm bạn bè này, trẻ nhiều khi đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu bố mẹ trang bị máy tính, thiết bị thông minh cho mình để có thể chơi game. Việc nhập vai vào các nhân vật trong game "giúp" trẻ thể hiện, hoặc bù đắp những gì khiến trẻ chưa hài lòng trong cuộc sống. Điều này càng khiến trẻ say mê game hơn. Trong khi đó, game cũng như nhiều ứng dụng trên internet được xây dựng theo hướng "hack não", dễ gây nghiện cho người chơi.

Khi game "hack não" giới trẻ - Ảnh 1.

Việc nhập vai vào các nhân vật trong game cho phép trẻ thể hiện, hoặc bù đắp những điều khiến trẻ chưa hài lòng trong cuộc sống, điều này càng khiến trẻ say mê game hơn.

Bác sĩ  Trịnh Thị Bích Huyền cho rằng, trẻ được coi là nghiệm game khi có hành động chơi game lặp đi lặp lại hay cố định trong game online hoặc offline. Trẻ mất khả năng kiểm soát việc chơi game của mình, chỉ tập trung vào chơi game thay vì những hoạt động khác trước đây vẫn thích thú; xao nhãng các hoạt động hàng ngày, tăng cường độ chơi game mặc dù biết rằng có thể có những hậu quả tiêu cực.

DẤU HIỆU CỦA TRẺ NGHIỆN GAME

Trẻ mắc chứng nghiện game có ít nhất 5 trong những dấu hiệu sau đây kéo dài trong thời gian hơn 1 năm theo tiêu chuẩn của DSMV:

• Thường xuyên nghĩ về chơi game hoặc phần lớn thời gian nghĩ về nó.

• Cảm thấy thật sự là tồi tệ khi không thể chơi game.

• Cần phải tăng dần thời gian, ngày càng nhiều để chơi game và để mang lại cảm giác thoải mái cho mình.

• Không thể ngừng chơi game hoặc không thể chơi ít hơn.

• Không muốn làm những việc gì khác mà trước đây từng thích.

• Có những vấn đề phức tạp tại trường học, công việc hoặc ở nhà do ảnh hưởng của việc chơi game.

• Vẫn cứ tiếp tục chơi game mặc dù biết những hậu quả của chơi game

• Nói dối những người thân về tổng thời gian chơi game của mình.

• Lao vào chơi game nhằm bỏ đi những cảm xúc tiêu cực như buồn chán lo lắng, căng thẳng.

Hậu quả tai hại của việc nghiện game

Bác sĩ Bích Huyền và bác sĩ Minh Trang cùng cho rằng hậu quả tai hại của việc nghiện game tập trung ở 5 khía cạnh:

✔ Ảnh hưởng sức khỏe thể chất, tinh thần: Nghiện game gây ra trầm cảm, lo âu, mất ngủ, suy kiệt, tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, rối loạn hành vi chống đối tăng cao. Hội chứng đường hầm cổ tay do sử dụng máy tính quá nhiều, đau đầu migraine do việc tập trung quá vào máy tính, các tật về khúc xạ mắt, mệt mỏi, lười vệ sinh cá nhân… Nghiện các chất kích thích đi kèm: Rượu, thuốc kích thích tâm thần, thuốc lá…

✔ Nhân sinh quan bị lệch lạc: Game càng có yếu tố bạo lực, tình dục càng nguy hiểm. Chơi game bạo lực càng nhiều thì mức độ gây hấn ở người chơi càng tăng lên.

✔ Năng lực thiết lập và duy trì mối quan hệ xã hội kém vì người nghiện chỉ tập trung sự chú ý vào game.

✔ Ảnh hưởng đến học tập và cơ hội việc làm: Lơ là công việc, học tập, làm suy giảm kết quả. Khi chơi game cảm xúc được thoả mãn nhưng đời thực vẫn là đời thực, người chơi game không phát triển được các năng lực thực tế, tạo ra vòng luẩn quẩn tìm đến game để giải tỏa, lại càng nghiện game.

✔ Tiêu tốn tài chính: Không chỉ phải đóng tiền chơi hàng tháng, nhiều trò game còn bắt người chơi bỏ tiền thật mua thêm trang bị để tăng hạng. Để có tiền, nhiều trẻ trộm tiền của người thân để chơi game.

Phòng nghiện chữa nghiện 

Nghiện game gây ảnh hưởng đến hệ thống khen thưởng của não. Khi chơi game, để thỏa mãn cảm giác thích thú của mình, tế bào não ở nhân bụng, hạch amydal tăng sản xuất dopamine. Khi càng chơi nhiều, tế bào thần kinh càng sản xuất nhiều và cơ thể sẽ hình thành trạng thái dung nạp với dopamin. Điều này dẫn đến trẻ có nhu cầu phải chơi, chơi nhiều hơn nữa để thỏa mãn sự hài lòng, thoải mái mà trước kia từng có được. Và khi không chơi nữa thì gây ra hội chứng cai game.

Trẻ có nhiều nguy cơ nghiệm game do ảnh hưởng của gen di truyền, các yếu tố của môi trường sống như: Trong gia đình có người chơi và nghiện loại hình này; cha mẹ hoặc người lớn trước đó thường cho phép trẻ chơi game/ sử dụng máy tính hoặc các thiết bị di động để điều chỉnh cảm xúc của trẻ (cho trẻ ăn, dỗ trẻ); cha mẹ bỏ bê khiến trẻ cảm thấy cô đơn, thiếu tự tin, cảm giác bị bỏ rơi, không có sự đồng cảm của người thân, mọi người xung quanh…

Với cách phòng và điều trị nghiện game, cả hai bác sĩ Bích Huyền và BS Minh Trang đều cho rằng phòng nghiện game ở trẻ là việc làm quan trọng hơn cả. Bởi để đến khi trẻ bị nghiện game thì việc điều trị rất khó khăn, vất vả, không kém gì việc điều trị nghiện ma túy. Để làm được việc này phụ huynh cần thực hiện các lời khuyên sau:

• Cần kiểm soát việc sử dụng và thời gian sử dụng máy tính và thiết bị di động thông minh của trẻ: Cần có quy định thời gian rõ ràng cho việc sử dụng máy tính để học bài, thời gian được phép sử dụng máy tính hay điện thoại để chơi game.

• Quy định trẻ không lên tập trung vào làm việc trên máy tính liên tục quá 30 phút, cần có thời gian nghỉ ngơi để bảo vệ đôi mắt.

• Cần có phần mềm sàng lọc, kiểm soát những trò chơi có tính chất có thể gây ra nghiện game.

• Có những hoạt động thay thế việc chơi game, ví dụ như đọc sách, đạp xe, đi bộ, bơi lội, đá bóng, bơi lội, cầu lông, bóng bàn...

• Khi trẻ bị nghiện game, nếu gia đình không thể thực hiện việc cai nghiện cho con, thì cần tìm đến sự can thiệp của bác sĩ có chuyên môn. Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là một liệu pháp có hiệu quả cho điều trị nghiện game, các bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp này để điều trị cho trẻ.

Lời khuyên cho các bậc cha mẹ khi mùa hè đến

• Hè đến, trẻ nghỉ hè ba tháng, cần có các hoạt động khác thay vì để cho trẻ tiếp xúc với máy tính, thiết bị di động.

• Cha mẹ nên thiết kế nhiều hoạt động ngoài trời cho con và tham gia cùng con trong các hoạt động này.

• Chia sẻ tâm sự với con để tránh trạng thái con tự cô lập, nhốt mình trong phòng một mình, làm bạn với điện thoại, máy tính sẽ rất dễ nghiện game.

• Lắng nghe và gần gũi con trẻ để mình có thể phát hiện ra được những bất thường của trẻ.

• Hạn chế thời gian chơi game của trẻ, biết trẻ chơi gì, nội dung của trò chơi.

• Đặc biệt khi trẻ học online, cha mẹ không nên để cho trẻ ở phòng một mình với máy tính, vì không biết trẻ làm gì rất dễ dẫn đến việc trẻ chơi game mà không kiểm soát được.

Châu Á có thể được coi là khu vực có số lượng người sử dụng internet tăng nhanh,tỷ lệ người nghiện internet ngày càng nhiều. Tại Trung Quốc, các nghiên cứu cho thấy có khoảng 8,40% người sử dụng internet bị nghiện, nghiên cứu tương tự tại Đài Loan (Trung Quốc) là 17,55%, tại Hàn Quốc là 11,05% (Cui, Zhao, Wu & Xu, 2006; Yang, 2001; Jang, Wang, Choi, 2008). Tại Việt Nam: Điều tra Quốc gia về thanh thiếu niên (Bộ y tế, Tổ chức y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng liên hiệp quốc, 2005) cho thấy 50% thanh thiếu niên ở thành thị và 13% thanh thiếu niên ở nông thôn đã sử dụng internet. Nghiên cứu trên 589 thanh thiếu niên ( 15 – 25 tuổi) có 20.09% nghiện internet trong mùa dịch (Trần Xuân Bách & cộng sự 2017). Nghiên cứu trên 460 sinh viên, tỷ lệ nghiện game giảm dần từ năm thứ 1 (55.9%) đến năm 2 là (21.7%), sau đó lại tăng mạnh vào năm 3 (74.1%) và thấp nhất ở năm 4 (11,4%). Sinh viên truy cập internet tại nhà có nguy cơ nghiện game cao nhất (66.1%)

Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/khi-game-hack-nao-gioi-tre-179220531114342068.htm