Nghiên cứu, xem xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại tá Bùi Văn Tùng
Chủ tịch nước chỉ đạo "khẩn trương nghiên cứu, xem xét việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại tá Bùi Văn Tùng".
Ngày 22/6/2022, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản số 955/VPCTN gửi Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thông báo ý kiến của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, đề nghị "khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại tá Bùi Văn Tùng". Sự kiện này đã được nhiều cơ quan ngôn luận và cộng đồng mạng xã hội đưa tin.
Đây là một động thái mới trong chuỗi sự kiện đã kéo dài gần 50 năm qua, về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Trung tá Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203.
Trong ba người có hành động đặc biệt buổi trưa ngày 30/4/1975, hai người đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng: Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4, Lữ đoàn Xe tăng 203, người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giời 30 phút; Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn Bộ binh 66, Quân doàn 2, người chỉ huy việc dẫn giải Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh Sài Gòn.
Còn Chính ủy Bùi Văn Tùng - người đã có mặt tại Dinh Độc Lập, cùng dẫn giải ông Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh, người đã soạn thảo Lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh đọc trên Đài Phát thanh và cũng là người thay mặt Quân Giải phóng tuyên bố Thành phố Sài Gòn – Gia Định đã được giải phóng, chấp nhận sự đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Chính quyền Sài Gòn - chưa được vinh danh Anh hùng.
Thật ra, trong suốt 30 năm, từ 1975 đến 2005, vai trò và hành động của Chính ủy Bùi Văn Tùng trong thời khắc lịch sử ấy đã không có một lời phủ nhận nào. Tất cả các tài liệu, báo chí trong và ngoài nước, khi nói về ngày 30/4/1975, đều khẳng định ông Tùng đã soạn thảo hai văn kiện lịch sử: Lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và Lời tuyên bố của Quân Giải phóng chấp nhận đầu hàng của ông Minh.
Cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, một số phương tiện truyền thông đưa thông tin theo lời kể của nguyên Đại úy Phạm Xuân Thệ, khác với thông tin đã được thừa nhận.
Ngày 19/10/2005, Viện Lịch sử quân sự tổ chức cuộc "Tọa đàm khoa học trao đổi thông tin một số vấn đề xung quanh sự kiện đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30 tháng Tư năm 1975". Lúc này ông Thệ đã là Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 2, rồi Tư lệnh Quân Khu 1. Ông Bùi Văn Tùng đã bị tai biến mạch máu não, ngồi xe lăn đến dự. Một số nhân chứng (kíp xe tăng 390, một số người thuộc Lực lượng thứ Ba...) trực tiếp có mặt tại Dinh thời khắc ấy không được mời dự. Có 3 nội dung chính trong Kết luận của cuộc tọa đàm: 1 - Đại úy Phạm Xuân Thệ chỉ huy bắt Dương Văn Minh và Nội các Chính quyền Sài Gòn tại Dinh Độc Lập, áp giải đến Đài Phát thanh. Ông Bùi Văn Tùng không có mặt tại sự kiện này; 2/ Ông Thệ cùng một số bộ đội Trung đoàn 66 soạn văn bản đầu hàng, sau đó ông Tùng đến cùng soạn tiếp cho ông Minh đọc. 3/ Ông Tùng tuyên bố tiếp nhận đầu hàng.
Kết luận của cuộc tọa đàm (đây là cuộc "tọa đàm" - ngồi nói chuyện với nhau), được đưa vào Thông báo cuộc Giao ban báo chí toàn quốc ngày 17/01/2006 do lãnh đạo Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương chủ trì, từ đó được coi là thông tin chính thống.
Việc phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Chính ủy Bùi Văn Tùng gặp vướng mắc, khó khăn, có thể một phần do kết luận này.
Cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh Lữ đoàn Xe tăng 203 và dư luận nhân dân, dư luận báo chí đã nhiều lần lên tiếng, đề nghị làm rõ, tôn trọng sự thật lịch sử qua những nhân chứng sống, vật chứng cụ thể đáng tin cậy, để xét công lao của Chính ủy Bùi Văn Tùng một cách công bằng. Đó cũng là thái độ công bằng với lịch sử.
Ngay từ tháng 9/1975, chỉ hơn 4 tháng sau sự kiện ngày 30/4, phóng viên Boerris Gallasch của tờ báo Tây Đức "Tấm gương", nhà báo nước ngoài duy nhất có mặt chứng kiến giờ khắc lịch sử, đã xuất bản cuốn sách tại Đức, được dịch và xuất bản tại Việt Nam năm 2010 với nhan đề "Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0", tường thuật chi tiết những diễn biến tại Dinh Độc Lập và Đài Phát thanh Sài Gòn buổi trưa lịch sử ấy. Theo đó, Chính ủy Bùi Văn Tùng đã có mặt, lập lại trật tự tại Dinh Độc Lập, cùng đưa ông Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh và trực tiếp soạn thảo và ghi âm, phát sóng hai văn kiện lịch sử ấy.
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt bày tỏ: "Tin rằng, với sự sáng suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự công tâm của các cơ quan chức năng - nhất là Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Chính ủy Bùi Văn Tùng sẽ vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời gian sớm nhất".
Trong cuốn chính sử "Lịch sử Nam bộ kháng chiến", Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, ra mắt năm 2011, được viết trong 10 năm, từ năm 2001, do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt là Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo, Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng là Chủ tịch Hội đồng Biên soạn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết Lời giới thiệu, ghi rõ: "Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh đã phát trên Đài Phát thanh là bản viết tay của Trung tá Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, được chỉnh sửa vài lần và đã được Dương Văn Minh đọc để ghi vào băng".
Việc có phong tặng danh hiệu cao quý cho ông Tùng hay không liên quan đến việc thống nhất nhận thức và phương pháp nghiên cứu, làm sáng tỏ sự thật về những sự kiện diễn ra vào buổi trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập và Đài Phát thanh Sài Gòn trong giờ phút Chính quyền Sài Gòn đầu hàng Quân Giải phóng.
Ngày 22/4/2021, Truyền hình Nhà nước VTC công chiếu bộ phim tài liệu điều tra "Chuyện thật trưa 30/4/1975" của Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Việt Tùng và cộng sự. Với những tài liệu chân thực, sự phân tích chặt chẽ, đanh thép, bộ phim một lần nữa khẳng định công lao của Chính ủy Bùi Văn Tùng, vạch rõ những mâu thuẫn của Trung tướng Phạm Xuân Thệ khi nhận công về mình.
Ngày 14/3/2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương có Kết luận số 974-KL/QUTW khẳng định: "Vào thời điểm trưa ngày 30/4/1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh Sài Gòn, tại đây, đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chi Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt. Từ đó đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh. Riêng lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên Đài Phát thanh".
Nội dung Kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương cơ bản như Kết luận của Tọa đàm ngày 19/10/2010 do Viện Lịch sử quân sự tổ chức, khác với cuốn chính sử "Lịch sử Nam bộ kháng chiến".
Ngày 4/4/2022, Đạo diễn Phạm Việt Tùng đã được Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp, đem lại hy vọng cho những người cựu chiến binh và nhân dân, mong muốn Chính ủy Bùi Văn Tùng sớm được phong tặng danh hiệu cao quý của Nhà nước, chính thức ghi nhận công trạng đặc biệt của ông trong thời khắc lịch sử.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, Trưởng ban Liên lạc Cựu chiến binh Lữ đoàn Xe tăng 203 về sự kiện này. Ông Nguyệt nguyên là chiến sĩ lái xe tăng số hiệu 380, có mặt tại Dinh ngay sau khi xe 843 và xe 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.
Sau khi cùng ôn lại những sự kiện theo diễn biến thời gian, ông Nguyệt đánh giá, hành động của Chính ủy Bùi Văn Tùng trong thời khắc đó có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với lịch sử dân tộc. Sở dĩ nói như vậy vì vào thời điểm đó, Quân đoàn 4 Quân đội Sài Gòn vẫn còn nguyên vẹn lực lượng, cùng lực lượng Không quân, Hải quân khá hùng hậu. Họ sẵn sàng "tử thủ" đến cùng.
Vào giờ phút lịch sử đó, với bản lĩnh và sự nhạy bén chính trị, Chính ủy Bùi Văn Tùng đã yêu cầu Tổng thống Dương Văn Minh sang ngay Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Ông đã soạn thảo Lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh đọc, đồng thời thay mặt Quân Giải phóng miền Nam tiếp nhận đầu hàng của Nội các Chính quyền Sài Gòn.
Các văn bản này đều hết sức ngắn gọn, súc tích, chuẩn xác, chặt chẽ... có tác dụng nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, tiết kiệm xương máu của cả hai bên và giữ cho thành phố Sài Gòn còn gần như nguyên vẹn, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao, có tác dụng lớn đối với công cuộc hòa hợp, hòa giải sau này.
Đại tá cho biết, Ban Liên lạc Cựu chiến binh Lữ doàn Xe tăng 203 đã nhiều lần gửi đơn đến Lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Chính ủy Bùi Văn Tùng. Tất cả văn bản trả lời mà Ban Liên lạc nhận được đều cho biết đã chuyển đơn thư đến Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, đến Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Câu trả lời là "Do thực hiện Thông báo số 34-TB/TƯ ngày 13/6/2017 về phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ: "... Sau năm 2017 chỉ xét phong tặng cho các tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc, mới được phát hiện, có đầy đủ căn cứ, hồ sơ theo quy định hiện hành". Vì vậy, việc xem xét đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Bùi Văn Tùng - nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 trong thời điểm hiện nay là chưa thực hiện được".
Theo ông Nguyệt, hai năm qua, vẫn có cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng cao quý, ông rất hy vọng Thông báo 34 sẽ xem xét những "trường hợp đặc biệt" như Chính ủy Bùi Văn Tùng.
Ông bày tỏ: "Tin rằng, với sự sáng suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự công tâm của các cơ quan chức năng - nhất là Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Chính ủy Bùi Văn Tùng sẽ vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời gian sớm nhất".