Khai hội chùa Keo mùa thu năm 2022 và công bố Bảo vật Quốc gia
Ngày 5/10 (tức ngày 10/9 Âm lịch), Lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2022 đã chính thức khai mạc tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).
Lễ hội chùa Keo
Di tích văn hóa, lịch sử chùa Keo nằm trên địa bàn xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Chùa gồm 2 cụm kiến trúc: chùa, nơi thờ Phật và đền Thánh, thờ thánh Dương Không Lộ (1016-1094) - vị đại sư thời nhà Lý đã có công dựng chùa. Năm 2012, chùa Keo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt.
Trải qua gần 400 năm tồn tại, qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo từ thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17 và là ngôi chùa cổ đẹp nhất Việt Nam. Hiện nay, toàn bộ kiến trúc chùa Keo gồm 17 công trình, với 128 gian phân bố trên diện tích hơn 2.000 m2. Đó là các công trình kiến trúc chính như: Tam quan, chùa Phật, điện thánh, gác chuông, hành lang, khu tăng xá, vườn tháp…
Hàng năm, chùa Keo có 2 lễ hội là lễ hội mùa xuân (vào mùng 4 Tết Nguyên đán) và lễ hội mùa thu (tháng 9 Âm lịch).
Lễ hội chùa Keo nhằm tưởng nhớ công đức của Thiền sư Dương Không Lộ và những người có công xây dựng chùa Keo, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và tìm hiểu các giá trị văn hóa của người dân.
Năm 2017, Lễ hội chùa Keo được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, năm nay, lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động, nghi lễ trang nghiêm như: lễ khai chỉ, tế lễ Phật, lễ Thánh, lễ rước kiệu và nhiều hoạt động văn hóa dân gian khác; dự kiến thu hút đông đảo du khách tới tham quan, chiêm bái.
Lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2022 sẽ diễn ra trong 6 ngày từ 5-10/10 (tức 10-15/9 âm lịch). Lễ hội chùa Keo mùa thu là lễ hội quy mô cấp vùng, có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của cư dân vùng trồng lúa nước nam đồng bằng sông Hồng.
Điểm nhấn trong Lễ hội chùa Keo Thái Bình năm nay là hoạt động rước kiệu Thánh, với sự tham dự của gần 500 người dân sinh sống quanh di tích chùa Keo.
Theo tục lệ, lễ rước diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 8-10/10 (tức 13-15/9 âm lịch), được chia làm 18 đoàn lớn, nhỏ. Buổi sáng rước kiệu Thánh ra tam quan ngoài và buổi chiều rước kiệu Thánh vào đền Thánh.
Ngoài ra, trong Lễ hội chùa Keo còn diễn ra cuộc thi hát làn điệu chèo cổ và du thuyền hát giao duyên.
Hai bảo vật quốc gia tại chùa Keo
Hiếm có di tích lịch sử, văn hóa nào sở hữu tới hai bảo vật quốc gia (hương án và bộ cánh cửa gỗ chạm khắc hình tượng rồng) như chùa Keo. Điều này đã khẳng định được giá trị văn hóa, mỹ thuật đặc sắc riêng có của di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo.
Hương án chùa Keo
Hương án là đồ thờ cúng với chức năng đặt bát hương và bày đồ thờ. Hương án chùa Keo có chất liệu gỗ sơn son thếp vàng, dài 227cm, rộng 156cm, cao 153cm, hiện được đặt trang trọng tại tòa ống muống (phụ quốc) tiếp giáp với tòa hậu cung của khu thờ Đức Thánh Dương Không Lộ.
Đây là sản phẩm thủ công, độc bản với trên 1.000 họa tiết được chạm khắc điêu luyện. Trong đó, hình tượng rồng có 68 đồ án được bố cục theo những đề tài “long ẩn vân”, “lưỡng long chầu nhật”, “long giáng”…; khoảng 550 hoa sen, 435 hoa cúc, 24 hoa dây, lá, trúc, linh thú, mây lửa, ngọc báu…
Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, Hương án là tác phẩm nghệ thuật độc đáo có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và kỹ thuật chạm khắc trên loại hình đồ thờ làm bằng gỗ thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII.
Sự độc đáo của Hương án chùa Keo còn thể hiện ở hệ thống bánh xe, được lắp ở chân, tạo sự tiện dụng cho việc di chuyển, thay đổi vị trí. Điều này chứng tỏ đến thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII, vị trí và chức năng của Hương án luôn có sự thay đổi, không nhất thiết phải cố định trong bất cứ một không gian thờ tự nào. Đó là một sự thay đổi về quan niệm kiêng kỵ trong thờ tự của người Việt.
Hương án chùa Keo chính là bảo vật của một ngôi chùa dưới thời đại nở rộ phong cách chùa tiền Phật - hậu Thánh, mang giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc của đồng bằng Bắc Bộ. Đây cũng là hương án lớn nhất trong các hương án sơn son thếp vàng tại các di tích thờ tự và tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật này, ngày 25/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2198/QĐ-TTg công nhận Hương án chùa Keo là bảo vật quốc gia.
Tại buổi khai mạc Lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2022 vừa diễn ra, ông Phạm Đình Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Hương án chùa Keo là bảo vật quốc gia.
Bộ cánh cửa gỗ chạm khắc hình tượng rồng
Hai bộ cánh cửa gỗ chạm khắc hình tượng rồng đặt ở cửa chính tam quan nội chùa Keo được coi là kiệt tác nghệ thuật của người xưa có niên đại thế kỷ 17 và được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017.
Bộ cánh cửa được tạo từ hai cánh hình chữ nhật, mỗi cánh cửa được ghép bằng 4 miếng gỗ nhỏ. Mỗi cánh chạm một hình rồng lớn, một hình rồng nhỏ và một hình nghê. Đôi rồng lớn trong thế vươn mình hướng lên chầu vào giữa.
Hình tượng rồng ở đây được thể hiện qua bố cục đăng đối “lưỡng long chầu nhật” khi hai cánh cửa hợp lại. Thế uốn cong của đôi rồng kết hợp tạo thành hình lá đề, cùng với kỹ thuật chạm lộng điêu luyện, tạo thành nhiều lớp không gian có chiều sâu.
Hiện nay, tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo, hai bộ cánh cửa gỗ được các nghệ nhân phục dựng lại giống như nguyên bản. Còn bộ cánh cửa chính gốc đang được bảo quản, trưng bày trang trọng ngay tòa chính giữa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/khai-hoi-chua-keo-mua-thu-nam-2022-179221005161125862.htm